![]() |
Hà Nội sẽ có thêm sân bay quốc tế, bên cạnh Nội Bài |
Theo nội dung chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Thành ủy ban hành, Hà Nội sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch.
Hà Nội hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai. Tầm nhìn đến năm 2045, thủ đô đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô gồm vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5 và vành đai 4, 5. Ngoài ra, Hà Nội cũng xây dựng hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đầu tư làm thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống tạo điểm nhấn về kiến trúc gắn với quy hoạch các công trình hai bên bờ sông.
Nhiệm vụ phát triển Thủ đô nêu rõ hoàn thành đường vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2030. Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài, nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc gắn với xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng logistics.
Đối với phát triển đô thị, thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Đến năm 2025, có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.
Hà Nội cũng triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, huy động nguồn lực xây dựng lại các khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D, hư hỏng, xuống cấp, hết niên hạn và một số khu chung cư được lựa chọn để chỉnh trang đô thị.
Ngoài ra, chương trình hành động của Thành ủy còn xác định đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy nguồn lực trí tuệ con người. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Thành phố ưu tiên phát triển các loại dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu ở khu vực phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước...
Hà Nội cũng tập trung cho sản xuất công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”.
Về phát triển nông nghiệp, thành phố sẽ cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa.