Hậu “dân số vàng”, Việt Nam làm gì để xây dựng lực lượng lao động bền vững?
HSBC vừa công bố báo cáo "Vietnam at a glance: Nâng cấp lực lượng lao động" với nhiều thông tin đáng chú ý về thị trường lao động của Việt Nam; những nhận định, dự báo cho tương lai gần khi những gián đoạn do đại dịch COVID-19 giờ đã tạm nằm lại ở phía sau...
Theo nhận định của HSBC, Việt Nam đang "chập chững" bước vào giai đoạn hậu "dân số vàng", tiềm ẩn nhiều thách thức như nhu cầu trên các thị trường suy giảm, lạm phát tiếp tục tăng lên...; bên cạnh đòi hỏi bức thiết là phải "nâng tầm, tăng chất" của lực lượng lao động để tiếp tục tạo động lực duy trì đà tăng trưởng.
Và để gợi mở lời giải cho "bài toán" lao động này, trong báo cáo mang tên: "Lực lượng lao động và Thế giới việc làm trong giai đoạn mới", Tập đoàn tuyển dụng đa quốc gia - ManpowerGroup cũng đã đưa ra một số tư vấn, khuyến nghị...
Thị trường lao động hưởng lợi lớn từ “dân số vàng”
Theo HSBC, sau khi Việt Nam mở cửa trở lại từ tháng 3, thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp quý 3/2022 ở mức 2,28%, tỷ lệ thấp chưa từng thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Lực lượng lao động đạt 51,9 triệu người và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7% tính đến cuối quý 3/2022, tiếp nối đà tăng trưởng kể từ thời điểm giãn cách xã hội trong quý 3/2021.
Các hoạt động kinh tế phục hồi trên diện rộng ở Việt Nam đã góp phần cải thiện tình hình thị trường lao động và cho thấy dấu hiệu nền kinh tế trong nước đang trên đà lấy lại phong độ toàn diện. Trong đó, nhu cầu sử dụng lao động trong các ngành liên quan đến dịch vụ hồi sinh đáng kể. Ghi nhận của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực này đã tiếp nhận lượng lao động bình quân mới cao nhất.
Nhu cầu lao động tăng cao cũng được phản ánh trong dữ liệu về thu nhập, trong đó, thu nhập bình quân tháng tiếp tục tăng. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lao động đang chuyển dịch từ khu vực nông nghiệp trở lại với các công việc phi nông nghiệp và từ việc làm phi chính thức sang chính thức khi các hoạt động ở thành thị sôi động trở lại.
Về vĩ mô, HSBC cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng kiến một sự chuyển dịch ngoạn mục. Theo đó, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài để thay đổi cơ cấu thị trường lao động, chuyển lao động tham gia ngành nông nghiệp sang ngành sản xuất giá trị gia tăng cao hơn và khu vực dịch vụ.
Báo cáo chỉ ra rằng, thị trường lao động của Việt Nam được hưởng lợi nhờ “dân số vàng”, với tỷ lệ dân số phụ thuộc luôn dưới 50% kể từ năm 2006. Theo đó, trong ngành sản xuất, Việt Nam chủ yếu thu hút các công việc thủ công như lắp ráp linh kiện, xuất phát từ việc tận dụng lợi thế cạnh tranh về lương.
Tuy nhiên, để Việt Nam có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, việc phát triển thêm lợi thế cạnh tranh cho lực lượng lao động là một nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, cải thiện giáo dục và đầu tư thêm cho nguồn nhân lực đã được nhấn mạnh là một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của chính phủ cho giai đoạn 2021-2030.
Nguồn: Báo cáo của HSBC |
Sự hạn chế về lực lượng lao động đã qua đào tạo của Việt Nam được chỉ ra trong khảo sát của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) khi ước tính chỉ có khoảng 9% nghề nghiệp ở Việt Nam có thể được xếp vào dạng tay nghề cao trong năm 2021, so với mức 65% ở Singapore.
Tổng kết lại, dù ghi nhận, khích lệ những bước phát triển tích cực của thị trường lao động Việt Nam song HSBC cho rằng những kết quả này có được chủ yếu là do phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đồng thời tiếp tục nhấn mạnh khuyến nghị về lâu dài, Việt Nam cần đặt trọng tâm vào những biện pháp khác nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động để thúc đẩy năng suất và duy trì đà tăng trưởng.
Cần làm gì để xây dựng lực lượng lao động bền vững cho tương lai?
Liên quan đến "bài toán" về lao động trên, trong báo cáo mang tên: "Lực lượng lao động và Thế giới việc làm trong giai đoạn mới" công bố cách đây ít ngày, ManpowerGroup cũng đã đưa ra một số phân tích và tư vấn thiết thực nhằm hỗ trợ các nhà quản trị nhân sự và tổ chức vượt qua những thách thức, khó khăn trong tình hình mới.
Nghiên cứu trên được phát triển dựa trên những số liệu khảo sát tiến hành bởi hơn 200 nhà quản trị nhân sự cấp cao từ nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ, lĩnh vực và quy mô doanh nghiệp khác nhau. Mỗi phần của nghiên cứu giải quyết một vấn đề trọng tâm về việc làm, đó là: Địa điểm làm việc, Người lao động, và Cách thức làm việc trong tương lai.
Theo ManpowerGroup, từ trước năm 2020, thị trường việc làm trên thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng của các tiến bộ như vũ bão về công nghệ, những thay đổi về nhân khẩu học của người lao động, và những mong đợi ngày càng cao của khách hàng.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của COVID-19 đã thúc đẩy những xu hướng này diễn ra nhanh hơn, đồng thời tạo ra những thay đổi sâu sắc.
Đó là sự xuất hiện và phổ biến của mô hình làm việc từ xa; tình trạng thiếu hụt nhân tài trên toàn cầu năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong vòng 16 năm qua; tầm quan trọng và sự tăng cường tính đa dạng, công bằng, hòa nhập lao động (DE&I) ở các tổ chức; hay sự tìm kiếm những giải pháp mới giúp giải quyết bài toán thiếu hụt nhân tài…
Cùng với đó là xu hướng các doanh nghiệp đang ngày càng tăng cường áp dụng kỹ thuật số vào phương thức làm việc, và giải quyết những thách thức ngày càng lớn về nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "Xây dựng lực lượng lao động bền vững cho tương lai", báo cáo đã đưa ra 6 nguyên tắc "trụ cột" để hiện thực hóa mục tiêu này. Cụ thể là: Đào tạo lại & nâng cao kỹ năng; Hướng tới quy mô toàn cầu; Có khả năng làm việc từ xa; Tăng cường ứng dụng công nghệ số; Đảm bảo tính linh hoạt và Đảm bảo tính đa dạng của lực lượng lao động.
Nguồn: Báo cáo của ManpowerGroup. |
Cũng tại báo cáo này, Manpower Group cho rằng trong khi hầu hết các tổ chức đều nhận thấy lợi ích của mô hình làm việc kết hợp thì việc lên kế hoạch và triển khai trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó các khó khăn chính có thể kể tới như: Duy trì gắn kết với người lao động; Duy trì văn hóa doanh nghiệp; Bảo mật thông tin & quy trình làm việc...
Đồng thời, tại báo cáo, nhóm nghiên cứu cũng đã gợi ý các doanh nghiệp một số bước tiếp cận bài bản và hiệu quả hơn khi áp dụng mô hình làm việc linh hoạt.
"Các nhà quản lý cũng như nhân viên của họ đang nhận ra ngày nay chúng ta có thể hoàn thành tốt công việc dù ở bất kỳ nơi đâu. Những nhà lãnh đạo thức thời là người biết tạo nên những thay đổi cần thiết để giúp đội ngũ nhân viên của mình luôn cảm thấy hạnh phúc và làm việc hiệu quả, không quan trọng việc họ làm việc ở đâu...", ông Andree Mangels – Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam chia sẻ trong báo cáo.
Ông Andree Mangels cũng nhấn mạnh, mô hình làm việc kết hợp chỉ là một phần bức tranh việc làm trong tình hình mới. Trong đó, những yếu tố khác liên quan đến người lao động, địa điểm làm việc và cách thức thực hiện công việc sẽ là những mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo nhằm xây dựng thành công chiến lược nhân tài trong bối cảnh thế giới việc làm không ngừng thay đổi.
Khảo sát cho thấy, trong bối cảnh thiếu hụt nhân tài sâu sắc, các mô hình kinh doanh liên tục thay đổi cùng nhiều yếu tố bất ổn về kinh tế đang diễn ra, lao động thời vụ/ngắn hạn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Cụ thể, có tới 73% các tổ chức mong muốn tăng cường sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn trong 12-18 tháng tới. Để tối đa hóa những lợi ích mà chiến lược nhân sự mang lại cho doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu cho rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo tối ưu việc sử dụng lao động thời vụ/ngắn hạn – thông qua 4 bước hành động được đề xuất trong nghiên cứu này.
Về "cách thức làm việc trong tương lai", theo ManpowerGroup, các tổ chức cần phân biệt rõ ràng giữa tăng cường ứng dụng kỹ thuật số ở lực lượng lao động với nguy cơ công nghệ thay thế con người.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, với sự gia tăng và phát triển của công nghệ, vai trò của con người tại nơi làm việc sẽ không suy giảm, mà trái lại được “tiến hóa” theo thời gian. Vì vậy vậy, cả doanh nghiệp và người lao động cần hiểu rằng: mục đích cuối cùng của tăng cường số hóa là để hỗ trợ và gia tăng sự đóng góp của người lao động cho tổ chức.
Nguồn: ManpowerGroup Vietnam |