Hóa giải áp lực lớn trên thị trường ngoại hối
“Bất trắc” là từ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước dùng để nói về biến động trên thị trường quốc tế năm qua, khi phát biểu tại một diễn đàn đầu năm 2023. Với độ mở lớn của nền kinh tế, tác động từ diễn biến đó đặt ra thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam.
Với tỷ giá, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà dẫn lại mức độ của bất trắc thể hiện ở cú sốc chỉ số USD (DXY) có thời điểm lên trên 115, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ giá USD/VND có thời điểm cũng tăng tới trên 9%.
Theo ông Hà, với các giải pháp chính sách tiền tệ được triển khai đồng bộ, năm 2022 ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế. Những áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.
Từ mức biến động chứng từng có trong lịch sử theo thời điểm, tỷ giá USD/VND khép lại năm 2022 với mức tăng khoảng 4,8%, ổn định hơn so với nhiều đồng tiền trên thế giới.
Chuyển tiếp sang đầu 2023, tỷ giá USD/VND nối dài quãng lao dốc mạnh, từng đe dọa mốc 25.000 VND rơi sâu xuống dưới 23.450 VND trên thị trường liên ngân hàng. Mốc 23.450 VND được chú ý, nó đánh dấu tình huống Ngân hàng Nhà nước trở lại mua vào ngoại tệ sau khi tạm ngừng trong khoảng một năm qua, thậm chí phải bán ra lượng lớn từ giữa năm 2022…
Dấu mốc trên ghi nhận từ ngày 10/1/2023, khi tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng xuyên thủng mốc 23.450 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước yết mua vào. Và chỉ trong khoảng một tuần giao dịch sau đó, dữ liệu mà người viết tìm hiểu ở kênh cấp cao cho thấy Nhà điều hành đã mua ròng khoảng 3 tỷ USD chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn đó.
Một mặt, với lượng mua ròng trên, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng có bù đắp trở lại đáng kể; mặt khác, thị trường được bổ sung ngay nguồn VND cung ứng. Khoảng 70.000 tỷ đồng cung ứng qua kênh mua vào ngoại tệ này có ngay đầu năm mới, vừa giúp xoa dịu vấn đề thanh khoản vừa góp thêm yếu tố để bình ổn lãi suất sau khi đã lên mặt bằng khá cao.
Từ 10/1/2023 Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua ròng ngoại tệ với khoảng 3 tỷ USD - Ảnh minh họa: Bloomberg |
Trước đó, nhìn lại đỉnh điểm căng thẳng tỷ giá USD/VND trong tháng 10/2022, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực trước xu hướng tỷ giá tăng kịch trần, thanh khoản thị trường kém, tâm lý găm giữ ngoại tệ gia tăng. Để giải tỏa áp lực thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách như: tăng biên độ giao dịch của tỷ giá và cho phép VND biến động linh hoạt hơn như đề cập ở trên; sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp; tăng 1% các mức lãi suất điều hành; hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước, cuối năm 2022 các áp lực đối với tỷ giá có phần dịu bớt, nhất là từ bên ngoài. Lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh và hạ nhiệt dần; mức độ tăng lãi suất tại nền kinh tế đầu tàu này đã có phần nhẹ bớt; chỉ số DXY giảm rất mạnh và nằm dưới mức 102 điểm…
Trong nước, như Phó thống đốc đề cập ở trên, có tâm lý găm giữ trên thị trường còn nền kinh tế không hẳn thiếu ngoại tệ. Kết năm 2022, nhiều dữ liệu thống kê cho thấy những cân đối thuận lợi, như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng cao; vốn đầu tư gián tiếp (FII) thể hiện ở chuỗi mua ròng bùng nổ của khối ngoại trên thị trường chứng khoán; xuất siêu năm 2022 lập kỷ lục; và thời điểm này lượng kiểu hồi lớn (ước khoảng 19 tỷ USD) đang tập trung đổ về…
Trong khi đó, cân đối lợi ích sát sườn, lãi suất VND tiếp tục cao vượt trội so với lãi suất USD ở thị trường huy động dân cư và tổ chức, cũng như chênh lệch đáng kể trên thị trường liên ngân hàng. Ở cân đối mức độ trượt giá của đồng tiền, lạm phát tại Việt Nam vẫn kiểm soát ở mức thấp, thấp hơn nhiều so với lạm phát tại Mỹ.
Với những chuyển biến cuối năm 2022 nối sang đầu 2023, cùng những cân đối thuận lợi trên, kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục được bình ổn, cùng hướng khả năng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng thêm ngoại tệ để gia cố nguồn lực dự trữ quốc gia.