Với những mặt trái đó, vốn ODA không chỉ có "màu hồng" và Việt Nam cần thay đổi ứng xử để phù hợp hơn, theo ý kiến chuyên gia.
Hình minh họa |
Tưởng rẻ mà hóa đắt
Năm 2015, lần đầu tiên có Dự án từ chối nguồn vốn ODA là Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 thuộc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng. Với tổng kinh phí 1.100 tỷ đồng, doanh nghiệp đã mời gọi và đề nghị Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho vay vốn.
Song, với kinh phí thuê tư vấn giám sát cùng nhiều loại phí khác mà các tổ chức cho vay ODA đưa ra, mất gần 30% “ăn” vào tổng vốn vay. Vì vậy, doanh nghiệp đã quyết định tự huy động vốn chứ không phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện, ràng buộc từ phía tổ chức cho vay vốn ODA.
Trên thực tế, lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, thời gian ân hạn có khi tới cả chục năm… nguồn vốn ODA nếu chỉ nhìn đơn thuần sẽ là khoản vay giá rẻ. Nhưng thực tế trong một số trường hợp lại không hẳn như vậy.
Bởi đi kèm với nó thường là rất nhiều các điều kiện bắt buộc, chẳng hạn: Khi xây một dự án như muốn dùng vốn ODA thì phải cõng thêm các điều kiện về chuyên gia từ tư vấn, giám sát, thực hiện đến từ các quốc gia cấp vốn… Chưa kể, thiết bị thi công, công nghệ áp dụng cho dự án cũng thường được chỉ định…
Theo Kiểm toán Nhà nước, có những dự án gấp cả chục lần, bởi chuyên gia tư vấn thiết kế nước ngoài lương 20.000-25.000 USD/tháng trong khi chuyên gia trong nước trung bình chỉ tương đương 2.000 USD/tháng.
“ODA kể cả viện trợ không hoàn lại bao giờ cũng có điều kiện, dù là lãi suất thấp nhưng các điều kiện chi phí ban đầu rất là cao. Chính vì vậy, nếu không tiếp cận cẩn thận ngay từ đầu sẽ rất dễ mắc vào bẫy của các tài trợ bởi các điều kiện đi kèm như điều kiện về mặt kĩ thuật, về mặt chuyên gia. Kiểm toán cũng đã có những khuyến cáo, khuyến nghị đến Chính phủ cũng như các cơ quan có thẩm quyền cần phải lưu ý”, đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.
Còn theo ông Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế, không chỉ ràng buộc sử dụng tư vấn nước ngoài, còn có những ràng buộc về việc phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay.
“Nguồn nguyên nhiên vật liệu để thực thi dự án nhiều khi cũng phải xuất phát từ đất nước của nhà tài trợ và không ít trường hợp giá đó cao hơn giá ở thị trường cạnh tranh mà chúng ta có thể tiếp cận nếu đó không phải dự án ODA”, ông Ánh cho biết.
Chẳng hạn như Dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài chiếm tới 77% tổng mức đầu tư. Còn Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên phải sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ nước tài trợ vốn từ 30% trở lên và nhà thầu chính cũng phải là nhà thầu nước này.
Nên từ chối những dự án không hiệu quả
Cảng Đà Nẵng từ chối ODA để mở rộng giai đoạn 2 không phải là trường hợp duy nhất.
Từ những năm 2006, Đà Nẵng cũng đã từ chối nguồn vốn ODA từ một nước châu Âu trong đầu tư xử lý rác thải. Bởi, phía cho vay này muốn đầu tư dây chuyền xử lý rác giá 6 triệu USD cho Đà Nẵng, song công nghệ lại lỗi thời.
Năm 2016, UBND tỉnh Quảng Ninh cũ đã từ chối gần 7.000 tỷ đồng ODA Trung Quốc bởi các điều kiện về nhà thầu của Trung Quốc là khó khăn, trong khi các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có khả năng làm con đường này.
Theo tính toán, lãi vay ODA chỉ từ 1% - 2%/năm. Nếu cộng thêm các khoản ngoài lãi như tư vấn, dàn xếp vốn, chi phí đội vốn vật tư nhà thầu… thì tổng chi phí vay ODA nhiều khi còn cao hơn các khoản vay thương mại hiện nay với lãi suất khoảng 7%/năm.
“Vì vậy, các nhà quản lý cần đánh giá toàn diện về việc lập kế hoạch đầu tư, hiệu quả, chất lượng, nhu cầu vốn ODA và chỉ lựa chọn và chấp nhận những ODA có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả kinh tế - xã hội. Thậm chí, là từ chối những dự án không hiệu quả để ODA thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn mà không trở thành món nợ của tương lai”, ông Ánh nhìn nhận.
Còn theo ông Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, dù là những khoản vốn ưu đãi nhưng vốn ODA sẽ là quá đắt nếu vẫn còn tình trạng giải ngân thấp. Đặc biệt, với trường hợp các bộ, ngành, địa phương đã nhận vốn rồi trả lại, thì Chính phủ cần có chế tài nghiêm để tránh tâm lý cứ “ôm” vốn về cho chắc, làm được bao nhiêu thì làm, đến lúc chắc chắn không làm được thì mới trả.
“Phải xử lý trách nhiệm của cả các bộ, ngành chậm giải ngân vốn và các bộ, ngành không giải ngân được nhưng đề xuất trả lại vốn vì nếu không xử lý nghiêm để răn đe thì bệnh nan y này sẽ còn tiếp diễn không chỉ những tháng cuối năm mà còn cả năm sau” ông Long đề xuất.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thẩm định, cấp, phân bổ vốn, nếu họ không giải ngân được vốn mà vẫn giao thêm vốn thì cũng cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan này. Hằng năm việc phân bổ vốn đầu tư công đều được xem xét rất kỹ nên cần làm nghiêm từ khâu này.
Tránh các điều khoản bất lợi?
Nếu như cách đây 5 năm (2017), nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay ODA chỉ là hơn 44 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2000 con số này đã cao hơn gấp đôi nhưng sang năm và năm tiếp theo nữa là 2024 mới đến giai đoạn cao điểm của trả nợ và lãi vay cho ODA với số tiền ước lên tới 104 nghìn tỷ đồng/năm.
Đánh giá về sự gia tăng này, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trường Trường Đại học Kinh tế cho rằng, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cao của việc trả nợ. Bình quân ngân sách nhà nước trả nợ ODA khoảng một tỷ USD mỗi năm, thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào năm 2022 - 2025.
Vì vậy, các bộ ngành và địa phương cần phải thay đổi phương thức vay và sử dụng vốn ODA. Trong đó, phải tăng vai trò, trách nhiệm của đơn vị nhận vốn ODA.
Không phải nhận vốn rồi sau này hiệu quả không quan tâm mà phải tăng yếu tố tự vay tự trả, không thể nhận vốn rồi trách nhiệm trả lại của Nhà nước. Khi tăng phần tự vay tự trả thì đơn vị nhận vốn sẽ có trách nhiệm hơn để thiết kế dự án, thảo thuận điều khoản để làm sao ít bất lợi nhất cho người sử dụng vốn.
"Đối với dự án dùng vốn ODA thuộc diện 100% Nhà nước tự vay tự trả phải tăng cường vai trò của cơ quan trong nước trong việc thiết kế dự án để tránh sai lệch trong triển khai. Ngoài ra, quá trình thỏa thuận phải tránh lệ thuộc vào những điều khoản bất lợi như thời gian vừa qua", ông Cường khuyến nghị.