Khung giá điện mới cho các dự án năng lượng tái tạo: Liệu còn hấp dẫn các nhà đầu tư?
Hơn 14 tháng chờ khung giá điện…
Một đại diện Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc ủng hộ các chính sách của Chính phủ về năng lượng tái tạo và có những thành công đáng ghi nhận.
Tuy vậy, có một số doanh nghiệp không kịp hưởng một số chính sách ưu đãi về giá FIT của Chính phủ do không đảm bảo tiến độ về thời gian.
“Nguyên nhân khách quan là do đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn đến các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành năng lượng tái tạo”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Theo đó, với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021, chưa có cơ chế chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành.
“Khi chưa có bảng giá mới, doanh nghiệp không được phép bán điện, đồng nghĩa với doanh thu bằng không. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều chi phí từ vận hành, bảo trì thiết bị, quản lý, và lãi vay vốn ngân hàng, thậm chí sắp tới phải trả lãi gốc”, vị đại diện này quan ngại.
Cũng trong tình trạng tương tự, theo ông Trần Minh Tiến, đại diện pháp lý cho bốn Nhà máy điện gió tại Gia Lai, hiện nay các nhà máy này đã hoàn thành cách đây một năm với tổng công suất 160 MWh. Trong quá trình đợi cơ chế giá của nhà nước, tất cả các nhà máy này đều khủng hoảng về tài chính.
“Chúng tôi đầu tư 160 MWh điện gió với tổng đầu tư khoảng gần 300 triệu USD. Và sau hơn một năm hoàn thiện nhưng không được phát điện thì lãi suất ngân hàng phải trả hàng ngày, máy móc khấu hao và từ giờ đến lúc đàm phán giá điện thì chưa biết khi nào. Tất cả các nhà đầu tư đang có, đang nằm chờ này cứ như trên bờ vực thẳm” đại diện pháp lý này cho hay.
Khung giá mới, liệu doanh nghiệp có thể thu hồi vốn?
Sau hơn 14 tháng chờ đợi, mới đây, Bộ Công thương đã có Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023, ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
STT |
Loại hình nhà máy |
Mức trần của khung giá (đồng/kWh) |
1 |
Nhà máy điện mặt trời mặt đất |
1.184,90 |
2 |
Nhà máy điện mặt trời nổi |
1,508,27 |
3 |
Nhà máy điện gió trong đất liền |
1.587,12 |
4 |
Nhà máy điện gió trên biển |
1.815,95 |
Tuy nhiên, ông Trần Minh Tiến cho rằng, với mức giá trần này mà Bộ Công Thương quy định thì doanh nghiệp khó có thể có lãi và thu hồi vốn. Trong khi đó, để thỏa thuận được mức giá trần này cũng là điều không hề dễ dàng.
Cụ thể, theo khung giá mới mà Bộ Công Thương ban hành thì mức giá cao nhất cho điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, tương đương 6,8 CEN là rất thấp. Trong khi, mỗi KW điện gió khi đầu tư đã mất khoảng 7 CEN vốn đầu tư. Nếu bán giá 6,8 CEN, đương nhiên các dự án đã bị lỗ.
“Với mức giá trần đưa ra sẽ là cơ sở để Tập đoàn Điện lực và các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió thoả thuận giá phát điện theo quy định. Tuy vậy, để xác định giá bán thì phải đàm phán với nhiều chỉ tiêu như tổng đầu tư, thiết bị máy móc …Tôi tin rằng, phần lớn các dự án đều dưới mức giá trần đưa ra” ông Tiến nhìn nhận.
Trong khi đó, việc đám phán xong một cái hợp đồng mua bán điện không đơn giản, có dự án nhiều năm trời vẫn chưa ký được; trong khi nhanh nhất thì cũng phải vài ba tháng, thường thì mất cả năm. Vì vậy, việc cần trước mắt phải làm sao kết nối, đàm phán và bán được điện.
“Cách nào thì cách, nhà đầu tư phải để cho máy móc chạy ổn định, nếu không thiết bị máy móc sẽ hỏng hóc theo thời gian. Sau đó kiến nghị nhà nước tăng giá lên, chứ với giá này nhà đầu tư thua là chắc chắn” ông Tiến nêu rõ.
Còn theo đại diện Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre, trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam xác định, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là yếu tố trụ cột tạo nền móng cho cho tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững.
Tuy vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở trong trạng thái “lỗ chồng lỗ” thì rất khó cho ngành năng lượng này phát triển lâu dài tại Việt Nam.
“Quan điểm của các nhà đầu tư là cần đã đưa ra mức giá cho phù hợp, ít nhất là phải cứu được các nhà đầu tư nhà máy đã hoàn thành tại Việt Nam. Song, với mức giá mới công bố, các nhà đầu tư không thể hòa vốn được lợi nhuận và khó có thể phát triển được tiếp”, đại diện Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre đánh giá.
Ngoài ra, trong Quyết định 21 chỉ nói đến khi nói đồng tiền quy đổi là VND và không quy đổi ra tỷ giá với các đồng tiền mạnh trên thế giới như các Quyết định trước đây khiến nhà đầu tư lại đối mặt với rủi ro lớn khi lạm phát tăng cao và VND mất giá so với đồng tiền khác.
“Đồng tiền Việt Nam liên tục mất giá đã khiến nhiều doanh nghiệp đáng lẽ từ lãi chuyển sang lỗ. Nếu Bộ Công thương vẫn tính giá mua điện bằng tiền VND về lâu dài sẽ rất bất lợi cho doanh nghiệp bởi chi phí thuê chuyên gia, phí vận hành, chi phí nhập khẩu thiết bị… chúng tôi đều phải tính bằng USD” vị đại diện này lo lắng.
Vì vậy, với khung giá mới, các nhà đầu tư đang tìm hiểu thì đang phải tính toán lại xem có lãi không mới tiếp tục đầu tư, nếu không sẽ chuyển sang một nước khác có tiềm năng hơn. Còn một số nhà đầu tư có dự án xin nằm trong quy hoạch điện chỉ chờ có khung giá rồi bán thu tiền, chứ không mặn mà làm tiếp lâu dài.
Đại diện Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre hi vọng, tới đây, khi giá điện được tăng giá thì mức giá trần này sẽ được điều chỉnh theo. Bởi, khi giá điện lên như vừa qua thì EVN cũng phải mua điện từ nhiệt điện như điện than, điện khí, hay diesel với giá rất cao, cao hơn giá năng lượng tái tạo nhiều.
“Tôi mong muốn sẽ mức giá công bằng hơn cho năng lượng tái tạo để cứu các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, từ đó củng cố lòng tin ủng hộ các đầu đầu tư mới vào lĩnh vực này theo đúng đường lối chủ trương đề ra” vị đại diện này nhấn mạnh.