Trong năm ngoái, các doanh nghiệp dầu và khí đốt có lợi nhuận cao kỷ lục nhờ vào việc giá các sản phẩm hàng hóa năng lượng tăng vọt dù rằng chính phủ các nước tại EU và Anh áp dụng thuế lợi nhuận bất thường.
Nhóm các biện pháp này nhắm đến vực dậy tình hình tài chính nhà nước ở thời điểm mà các nền kinh tế đang chật vật duy trì tăng trưởng bởi giá năng lượng tăng quá cao. Đồng thời nó cũng dẫn đến cảnh báo từ ngành về khả năng các quyết định đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng và dự kiến sẽ không phài theo cách tích cực.
Chính phủ các nước châu Âu, cùng với chính phủ các nước tại Anh và Mỹ, hiện đang ở trong trạng thái mà một mặt họ vẫn cần phải tăng cường quy mô sản xuất dầu và khí đốt thế nhưng mặt khác họ vẫn phải giữ cam kết dịch chuyển năng lượng.
Theo báo cáo mới công bố bởi Wood Mac, sự xung đột về ưu tiên chính sách này sẽ khiến cho năm 2023 rất khó đối với ngành năng lượng và khí đốt. Theo nhiều chuyên gia phân tích thị trường, ngay từ hiện tại một số doanh nghiệp dầu và năng lượng đã cắt giảm chi tiêu bởi chính khoản thuế lợi nhuận bất thường. Họ phải làm vậy bởi chính phủ các nước cho đến nay chưa hề phát đi tín hiệu rằng những loại thuế trên sẽ ngưng được áp dụng nếu giá dầu và khí đốt giảm và trên thực tế đã giảm.
Một thách thức không nhỏ ở hiện tại là thuyết phục các doanh nghiệp năng lượng tăng quy mô sản xuất nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Nếu nhìn vào ví dụ từ Mỹ, các doanh nghiệp dầu và khí đốt sẽ từ chối các lời kêu gọi tái đầu tư lợi nhuận vào sản xuất. Chính quyền Biden đã không ngừng kêu gọi các doanh nghiệp dầu và khí đốt tăng cường sản xuất thêm bất chấp kêu gọi của chính quyền về kế hoạch phi các bon hóa, tuy nhiên cho đến nay ngành này chưa thực hiện nhiều theo đề nghị của chính quyền.
Nhu cầu khí đốt trong thời gian gần đây cũng tăng cao, chính vì vậy nó thúc đẩy hoạt động sản xuất loại hàng hóa này, kết quả, giá khí đốt tại nước sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới giảm đi nhờ vậy mà người tiêu dùng được hưởng lợi.
Cùng lúc đó, nhu cầu của châu Âu với khí đốt Mỹ giảm đi khi thời tiết ấm áp, chính vì vậy dự trữ khí đốt khá ổn định.
Trong lúc này, Cuộc tìm kiếm dầu ngoài khơi lại tiếp tục được triển khai, nguyên nhân chính do nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng cao, nguồn cung chịu nhiều gián đoạn do căng thẳng Nga - Ukraine và giá dầu thô hiện đang ở trên ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Nhiều tàu khoan dầu quy mô khủng như Titan từng bất động ở thời điểm cuối của thập kỷ trước giờ đây đang hoạt động ở những khu vực nước sâu của Brazil, còn các tàu khác có năng lực khai thác kém hơn giờ đang khai thác tại những khu vực nước nông ở Trung Đông.
Tính ở thời điểm cuối năm 2022, 90% trong tổng số khoảng 600 giàn khoan dầu dành cho thuê tại các dự án ngoài khơi đang vận hành hoặc đang trong hợp đồng thuê vận hành, số liệu của công ty nghiên cứu Westwood Global Energy Group cho hay. Tỷ lệ này cao đáng kể so với con số 63% của 5 năm trước đó.
Những bên hưởng lợi từ hoạt động khai thác dầu ngoài khơi là những doanh nghiệp kiểu như Transocean Ltd, Valaris và Noble Corp hiện đang sở hữu và vận hành các giàn khoan đó, đặc biệt doanh nghiệp sở hữu tàu khai thác dầu kiểu như Titan vốn được biết đến với khả năng có thể vận hành tốt tại các khu vực nước sâu. Những nhà thầu này hiện đang tính tiền thuê với các doanh nghiệp dầu cần thuê ước tính khoảng hơn 400.000USD/ngày, cao hơn đáng kể so với con số 300.000 vào đầu năm ngoái và chưa đến 200.000USD/ngày của thời điểm cách đây 2 năm. Các chuyên gia phân tích dự báo chi phí thuê ước tính sẽ vượt 500.000USD/ngày vào năm sau.
“Trong vòng khoảng 1 năm rưỡi vừa qua, các doanh nghiệp năng lượng trên thế giới đổ xô khai thác dầu ngoài khơi, và họ muốn sử dụng những tàu khai thác hiệu quả nhất. Chính vì vậy, không thể tránh khỏi tình trạng quá tải”, giám đốc điều hành công ty Noble – ông Robert Eifler phân tích. Cũng theo ông Eifler, sau 8 năm, về cơ bản chúng tôi đã tận dụng hết các tàu khai thác dầu công suất lớn.
Phần lớn các dự án khai thác dầu ngoài khơi hiện đang tập trung ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Khu vực bờ biển bên ngoài Brazil, Gyana và Suriname đông chật những tàu khai thác dầu bởi doanh nghiệp dầu nhà nước Brazil đang vận động tích cực mở rộng hoạt động quy mô này cũng như bởi những năm gần đây người ta liên tục tìm thấy dầu ở các khu vực hải phận lân cận.
Saudi Arabia và UAE hiện đang phụ thuộc vào hoạt động khai thác dầu ngoài khơi để tăng được quy mô sản xuất dầu thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027, nâng tổng mức khai thác lên 13 triệu và 5,5 triệu thùng. Ước tính khoảng 80% năng lực khai thác mới của Saudi Arabia sẽ đến từ các dự án khai thác dầu ngoài khơi, theo công ty nghiên cứu Evercore.