“Làn sóng” cắt giảm lao động tại nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh
“Làn sóng” cắt giảm lao động tại nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa). |
Theo Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, vừa qua, do đơn hàng chưa phục hồi, ít đối tác đặt hàng nên Công ty PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã tiếp tục cắt giảm hơn 1.200 lao động. Đây là lần cắt giảm lao động thứ 3 của công ty này với quy mô lớn lên đến hàng ngàn người trong năm 2023. Trước đó, doanh nghiệp đã hai lần giảm lao động với tổng số khoảng 8.000 người.
Sau nhiều lần cắt giảm lao động và không tái ký hợp đồng với những người hết hạn, đến nay nhân sự của công ty còn khoảng 40.000 người, giảm gần một nửa so với lúc cao điểm.
Một công nhân tại PouYuen Việt Nam đã gắn bó với xóm trọ trong hẻm 58 đường số 5, phường Tân Tạo, quận Bình Tân được 12 năm nói rằng đây là lần đầu tiên anh thấy dãy trọ đìu hiu như thế này. Hiện tại, công ty cắt giảm giờ làm, chỉ làm bốn ngày/tuần, nên anh tranh thủ lúc rảnh chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm thu nhập, trang trải qua giai đoạn khó khăn.
Một người bán tạp hóa tại khu nhà trọ ở đây hơn 10 năm, nói rằng bà chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn như hiện nay. Nhà có hơn 20 phòng nhưng giờ còn 9 phòng là có người thuê, chủ yếu là công nhân bị giảm giờ làm, cố bám trụ lại thành phố. Dù khu vực này từng được xem là ‘thủ phủ’ nhà trọ ở TPHCM với tình trạng luôn luôn kín phòng, nhưng giờ đây chủ trọ treo biển cho thuê liên tục hơn một năm vẫn không được bao nhiêu phòng.
“Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, nhiều hộ kinh doanh nhà trọ “vớt vát” bằng cách giảm tiền thuê xuống khoảng 20-30%, thậm chí cho trả góp để người thuê giảm áp lực. Tuy nhiên, tình hình không mấy khả quan, nhiều phòng trọ qua một thời gian dài không có khách thuê đã ẩm mốc, mạng nhện và lớp bụi bắt đầu đóng dày đặc”, người này cho biết.
Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động những tháng tiếp theo của năm 2023 cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức. Các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, nhất là trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… dẫn đến tình trạng người lao động tiếp tục bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 8-2023, thành phố đã tiếp nhận 99.206 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 93.877 người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ năm 2022, số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 2.787 trường hợp, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 2.960 người.