Lợi nhuận quý 2 của HPG, HSG, NKG đồng loạt giảm sâu, thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp ngành thép đang đến?
(Ảnh minh họa) |
Đến thời điểm cuối tháng 7, bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết đã gần hoàn thiện với những gam màu tương phản. Trong khi nhóm doanh nghiệp dầu khí, thủy sản, phân bón - hóa chất, bán lẻ... vẫn duy trì được mức lợi nhuận cao thì nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính và đặc biệt là nhóm ngành thép lại chứng kiến lợi nhuận sụt giảm sâu.
Theo số liệu của VNDirect cập nhật đến ngày 29/7, đã có 778 công ty công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 45,1% tổng số cổ phiếu và 55,9% tổng vốn hóa toàn thị trường. Tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 tăng lần lượt 16,9% và 9,4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhóm ngành kim loại, bao gồm sắt, thép, gang, tôn mạ,... lại đang ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu giảm 2,2% so với cùng kỳ, thậm chí tăng trưởng lợi nhuận giảm 63,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là nhóm ngành hiện dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành đã công bố báo cáo tài chính quý 2 (88% vốn hóa ngành đã công bố báo cáo tài chính).
Lợi nhuận sụt giảm mạnh, có doanh nghiệp tăng trưởng âm
Tăng trưởng lợi nhuận quý 2 của nhóm ngành kim loại giảm mạnh so với cùng kỳ là điều dễ hiểu khi phần lớn các doanh nghiệp trong ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Tôn Nam Kim, Đầu tư Thương mại SMC, Gang thép Thái Nguyên,... đều đồng loạt công bố lợi nhuận quý 2 giảm sâu so với cùng kỳ.
Là doanh nghiệp thép có vốn hóa lớn nhất ngành, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) báo doanh thu quý 2 đạt 37.714 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế (LNST) chỉ đạt 4.023 tỷ đồng, giảm hơn 58,7% so với mức 9.745 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 82.118 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ nhưng và lãi sau thuế giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12.229 tỷ đồng.
Tương tự Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) cũng cho biết doanh thu thuần trong quý 3 niên độ tài chính 2022 (tức quý 2 theo năm dương lịch, từ 1/4 đến 30/6) đạt 12.177 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. LNST của công ty giảm tới 84% so với cùng kỳ năm 2021, còn 265 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 6/2022), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần tăng 27% lên 41.772 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 66% còn 1.138 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tôn Nam Kim (mã NKG) công bố doanh thu thuần quý 2 đạt 7.196 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với quý 2/2021 nhưng LNST sụt giảm hơn 76% so với cùng kỳ xuống 201 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.347 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ song lãi sau thuế chỉ đạt 708 tỷ đồng, giảm gần 40% so với 6 tháng đầu năm 2021.
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã SMC) cho biết, trong quý 2, công ty ghi nhận doanh thu đạt 6.620 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, LNST chỉ đạt 42,5 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của SMC đạt 13.250 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ và LNST đạt 123 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ.
Tương tự, CTCP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) công bố doanh thu quý 2 đạt 3.190 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021và LNST chỉ xấp xỉ 6 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 6.923 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 6% trong khi LNST giảm 66% xuống còn 34,9 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thép khác cũng công bố kết quả kinh doanh kém sắc trong quý 2 như CTCP Thép Mê Lin (mã MEL) với doanh thu giảm 23% so với cùng kỳ, đạt hơn 162 tỷ đồng và LNST giảm mạnh 93% xuống chỉ còn gần 1,7 tỷ đồng; CTCP Gang thép Cao Bằng (mã CBI) với LNST giảm tới 88% còn 17,7 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế của công ty chỉ đạt 43 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ 2021. Tương tự, LNST quý 2 của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (mã TNS) cũng chỉ vỏn vẹn 3,8 tỷ đồng, giảm hơn 65% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng công ty lãi ròng 7,4 tỷ đồng, giảm 42,5% so với cùng kỳ...
Thậm chí, CTCP Thép Thủ Đức – Vnsteel (mã TDS) còn tăng trưởng âm trong quý 2, với doanh thu thuần đạt 358 tỷ đồng, giảm 45,4% so với cùng kỳ và LNST âm gần 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng.
Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu đạt 1.112 tỷ đồng, giảm 11,5% so với cùng kỳ và LNST đạt 6,1 tỷ đồng, giảm 87,1% so với cùng kỳ.
Khó khăn của quý 2 mới chỉ là khởi đầu?
Có thể thấy, mức lợi nhuận giảm sâu của một loạt doanh nghiệp ngành thép không nằm ngoài dự báo của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 rằng hoạt động của ngành thép năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ quý 2, 3, 4 và điều này sẽ phản ảnh rõ nét vào kết quả kinh doanh.
"Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Trần Đình Long nói.
Cùng với dự báo trên, ông Long nêu ra một số nguyên nhân khiến ngành thép sẽ gặp khó khăn trong các quý còn lại của năm. Thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn.
Việc nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất, qua đó làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao, gây áp lực không nhỏ lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.
Một nguyên nhân nữa là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm, trong khi đó các doanh nghiệp vẫn duy trì công suất hoạt động các nhà máy sản xuất, dẫn đến tồn kho tăng.
Thực tế, những khó khăn mà Chủ tịch Hòa Phát nêu ra không phải là của riêng tập đoàn này mà là bất lợi chung đối với toàn ngành thép.
Theo thống kê, tại thời điểm 30/6 tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán (đã bao gồm trích lập dự phòng) ước tính lên tới 110.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với cuối quý 1. Đây cũng là mức tồn kho kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay, vượt xa đỉnh cũ hồi cuối quý 3 năm ngoái.
Thời điểm cuối quý 2, tồn kho của 15 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm đến 95% tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép, trong đó có 10 doanh nghiệp ghi nhận giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng. Riêng lượng tồn kho của Hòa Phát đã lên tới hơn 57.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 762 tỷ đồng) và chiếm quá nửa tổng lượng tồn kho của ngành. Tương tự, lượng tồn kho của Hoa Sen cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tồn kho ngành thép tăng vọt trong bối cảnh giá thép liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 5. Theo Trading Economics, giá thép cây tại thị trường thế giới thời điểm 30/6 đã giảm khoảng 13% so với mức cao nhất trong quý 2 và thấp hơn gần 25% so với đỉnh. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm gần 40% trong quý 2 và vẫn đang tiếp tục giảm.
Giá thép trên thị trường thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ giữa tháng 5 và chỉ mới hồi phục nhẹ những ngày gần đây |
Trong bối cảnh giá thép trên thị trường thế giới giảm, giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo. Trong 11 tuần qua, giá thép trong nước đã giảm 11 lần với tổng mức giảm cao nhất khoảng hơn 3,9 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng việc lượng hàng tồn kho quá cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép trong đầu tháng 6/2022 đã giảm về mức 16,8 triệu đồng/tấn, giảm 2,1 triệu đồng/tấn so với lúc đỉnh.
Lượng thép tồn kho nội địa đến hết tháng 5/2022 đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn, tương đương sản lượng tháng 5/2022, so với trung bình 3 năm 2019-2021 chỉ ở mức 56% sản lượng tháng.
Đánh giá triển vọng ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022, Mirae Asset hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính. Nguyên nhân do áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo Chứng khoán SSI xuất khẩu trong nửa cuối năm của ngành thép còn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp bảo hộ mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt. EU gần đây đã bổ sung Việt Nam vào nhóm “các nước khác” với hạn ngạch nhập khẩu dành cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022, và tăng 4%/năm trong hai năm tới.
Theo EU, sản lượng xuất khẩu HDG của Việt Nam sang Châu Âu ước đạt 979.000 tấn vào năm 2021. Với điều chỉnh này, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU có thể sẽ giảm trong thời gian tới.
Trong khi đó, Chứng khoán Agribank cho rằng giá thép đã liên tục giảm mạnh kể từ đầu năm 2022 trở lại mức trước đại dịch COVID-19. Với việc đã giảm trước nhiều loại hàng hóa khác, giá thép có thể sẽ khó giảm mạnh nữa mà thiên về khả năng đi ngang, thậm chí có thể nhích tăng nhẹ khi Trung Quốc mở cửa, thị trường nhà ở sôi động trở lại dẫn đến nhu cầu xây dựng vật liệu xây dựng tăng. Giá than cốc (nguyên liệu đầu vào chính phục vụ luyện kim) đang giảm mạnh cũng là điểm tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất thép.
Về lợi nhuận cả năm 2022, SSI Research dự báo Hòa Phát có thể đạt 26.500 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với năm 2021 chủ yếu do giả định giá thép giảm. Tương tự, LNST năm 2022 của Hoa Sen cũng được dự báo giảm 67% so với cùng kỳ, còn 1.400 tỷ đồng chủ yếu do sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu giảm. Với Thép Nam Kim, dự phóng lợi nhuận năm 2022 cũng giảm 39% so với cùng kỳ xuống 1.350 tỷ đồng.