![]() |
Ảnh minh họa. |
Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nêu đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, với 5,5 triệu học sinh THCS và học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học/học sinh, ngân sách sẽ cấp bù mỗi năm gần 11.200 tỷ đồng.
Như vậy, nếu thực hiện đề xuất này thì NSNN phải tăng thêm là khoảng 25.199 tỷ đồng, trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Trước đề xuất này, Thủ tướng đã giao các cơ quan phối hợp, nghiên cứu đánh giá kỹ tác động. Trong đó, Bộ Tài chính tính toán các vấn đề liên quan tới ngân sách, theo tinh thần chung đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là cần rà soát, có lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, không gây khó khăn hơn cho người dân và học sinh.
Miễn học phí cấp học THCS không phải đề xuất mới của Bộ GD&ĐT. Trước đó, từ năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình.
Theo quy định hiện hành, trong các cấp học phổ thông, mới chỉ có học sinh tiểu học trường công lập được miễn học phí.
Tuy nhiên, tùy theo điều kiện, một số địa phương gần đây đã miễn học phí cho học sinh các cấp. Như TP. Hải Phòng từ năm học 2020-2021 đã thực hiện lộ trình miễn 100% học phí cho từ bậc mầm non tới THPT.
Năm học 2021-2022, TP.Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS, THPT trường công lập và ngoài công lập do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Một địa phương khác là TP.HCM hiện cũng đang xây dựng đề án miễn, giảm học phí năm học 2022-2023, từ nguồn ngân sách.