Nguy cơ phá sản do nợ đọng xây dựng, doanh nghiệp kêu cứu
Hội thảo với chủ đề 'Nợ đọng xây dựng - kiến nghị và giải pháp' ngày 18/8 |
Nợ đọng là vấn đề nhức nhối trong ngành xây dựng từ nhiều năm nay, ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền cũng như sự sống còn của doanh nghiệp.
Một lần nữa, vấn đề trên được các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp nêu ra cụ thể tại hội thảo "Nợ đọng xây dựng - kiến nghị và giải pháp", do Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 18/8.
Tình trạng "nợ chồng nợ"
Là doanh nghiệp lớn tham gia xây dựng nhiều dự án, công trình lớn của đất nước, ông Dương Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, tính đến đầu tháng 4/2022, tổng số nợ phải thu của doanh nghiệp là hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó, số nợ đối với công trình có vốn ngân sách nhà nước là hơn 1.000 tỷ đồng. Các khoản nợ kéo dài từ 1-3 năm, thậm chí có những khoản nợ trên 5 năm…
“Có nhiều lý do, song chủ yếu vẫn là do chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, liên quan đến thiết kế bị điều chỉnh… dẫn đến chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt chậm. Theo đó, nhiều công trình thực hiện 2-3 năm và đã đi vào khai thác nhưng công tác nghiệm thu công trình cuối cùng và quyết toán chưa thực hiện được”, ông Thắng chia sẻ.
Ông Dương Tất Thắng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn |
Tương tự, ông Vũ Xuân Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho biết, thủ tục thanh toán, quyết toán rất rườm rà, phiền phức khiến nhà thầu là những người đầu tiên chịu thiệt hại.
Ông Thắng lấy ví dụ, hợp đồng thi công là chế tạo 500 tấn của một hạng mục thiết bị cơ khí, nhưng thực tế khi làm xong là 530 tấn, nhà thầu chỉ được thanh toán tạm 500 tấn, còn 30 tấn vượt khỏi khối lượng nhà thầu đã bỏ tiền ra làm rồi bị tạm giữ lại, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán.
“Đây là lỗi của công tác lập khối lượng của chủ đầu tư hoặc tư vấn, nhưng thiệt hại lại dồn về nhà đầu tư”, ông Thắng cho biết.
Ông Vũ Xuân Thắng - Phó tổng giám đốc COMA |
Theo Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, trong 2.000 doanh nghiệp xây dựng trên cả nước, có 90% doanh nghiệp có quy mô khoảng100 tỷ đồng, còn doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tất cả doanh nghiệp xây dựng đều có nợ đọng, ít thì 30 đến 50 tỷ đồng và doanh nghiệp đang "gánh" số nợ trên 1.000 tỷ đồng cũng rất nhiều.
Các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để tiếp tục thi công. Vốn bị nợ gấp đôi vốn doanh nghiệp hiện có, thêm lãi vay ngân hàng thì càng làm càng "lỗ", rơi vào tình trạng "nợ chồng nợ". Nhưng nếu doanh nghiệp không làm thì chậm tiến độ mà làm thì công nợ phải chịu lãi vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam |
“Tình trạng trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà ở cả các dự án sử dụng các nguồn vốn khác. Rất nhiều khó khăn đến với các doanh nghiệp nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp xây dựng thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam quan ngại.
Cần những giải pháp tháo gỡ
Trước thực trạng trên, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, nếu không được giải quyết, nhiều nhà thầu tốt sẽ không tham gia gói thầu cho Chính phủ, cho Nhà nước, mà cũng khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bị chiếm dụng vốn và không có vốn để tái đầu tư và phát triển.
Theo ông Tuấn cần thực hiện một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng. Cụ thể, về những quy định liên quan đến xây dựng và đấu thầu cần phải rà soát sửa đổi để bổ sung, tăng quyền của nhà thầu xây dựng trong; đồng thời, cần phải quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư.
Về mặt hệ thống tư pháp, ông Tuấn đề xuất cần có cải cách mạnh mẽ hơn nữa để những tranh chấp giải quyết tại tòa án diễn ra một cách thuận lợi, công bằng minh bạch, để làm sao doanh nghiệp không phải mất hàng năm trời để bảo vệ quyền của mình.
Cùng với đó, phải nâng cao vai trò của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam để có thông tin về các nhà thầu; có những chuyên trang pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp hội viên và có thể ban hành hợp đồng mẫu để bảo vệ tốt nhất cho doanh nghiệp hội viên.
“Ngoài ra cần có những giải pháp phi tư pháp khác như công khai, tập hợp những chủ đầu tư chây ì, chủ đầu tư bội tín, và chủ đầu tư thường xuyên vi phạm hợp đồng”, ông Tuấn đề xuất.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp phân tích nguyên nhân chính của nợ đọng xây dựng đối với đầu tư công là do thủ tục thanh quyết toán phức tạp, nhất là với những dự án có khối lượng phát sinh vì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên tốn nhiều thời gian.
Với những dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai nên khi có biến động bất thường thì thì không có tiền trả cho nhà thầu. Cùng với đó, nhiều chủ đầu tư còn chây ỳ không trả hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm khiến doanh nghiệp xây dựng tiếp tục rơi vào bế tắc khi phải xử lý tình huống này.
Từ thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính cần rà soát lại toàn bộ việc nợ đọng xây dựng hiện nay để có biện pháp xử lý dứt điểm.
Còn đối với vốn ngoài ngân sách, nên có cơ chế hợp đồng là 20% cuối cùng của chủ đầu tư buộc phải có bảo lãnh thanh toán. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương cần công khai danh sách những chủ đầu tư nợ đọng xây dựng để có cảnh báo cho họ phải nghiêm túc hơn nếu muốn đầu tư tiếp.
"Nếu tình trạng nợ đọng không giải quyết thì trong 5-7 năm nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành xây dựng sẽ không còn tồn tại. Vì vậy, đây là tiếng kêu cứu của ngành xây dựng mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét và giải quyết”, ông Hiệp nhấn mạnh.