Nhiều công ty lỗ hàng trăm tỷ trong quý 2 vì đầu tư chứng khoán
Ảnh minh họa |
Tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý 2. Trong khi một số doanh nghiệp báo lãi lớn cũng có không ít doanh nghiệp chứng kiến lợi nhuận đi lùi.
Đặc biệt, trong quý 2, trước sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều doanh nghiệp dù không phải là công ty chứng khoán (CTCK) cũng ghi nhận khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán.
Doanh nghiệp bất động sản, thép lỗ nặng vì "tay ngang" đầu tư chứng khoán
Được biết đến là hai doanh nghiệp bất động sản nhưng CTCP Licogi 14 (mã L14) và CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) lại chi khá mạnh tiền cho đầu tư chứng khoán. Việc đầu tư xa rời mảng kinh doanh cốt lõi đã khiến hai doanh nghiệp “nếm trái đắng”, nhất là khi TTCK điều chỉnh mạnh.
Theo báo cáo tài chính quý 2, Licogi 14 lần đầu báo lỗ ròng 238 tỷ đồng kể từ khi lên sàn. Trong kỳ, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 45% so với cùng kỳ lên gần 88 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động tài chính của công ty chỉ mang về doanh thu hơn 7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại lên tới hơn 402 tỷ đồng. Như vậy, riêng mảng tài chính Licogi 14 đã lỗ gộp hơn 390 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Licogi 14 lỗ trước thuế gần 367 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 29 tỷ. Phần lỗ của công ty mẹ xấp xỉ 238 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 23 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của Licogi 14 đạt hơn 793 tỷ đồng, giảm gần 370 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do giảm khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn. Thời điểm 30/6, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn của Licogi 14 đạt gần 421 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản. Trong đó, chứng khoán kinh doanh ghi nhận 689 tỷ đồng, tăng gần 203 tỷ đồng so với đầu năm nhưng đã giảm hơn 10 tỷ so với cuối quý 1.
Đáng chú ý, công ty còn phải dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 380 tỷ đồng trong khi con số này cuối quý 1 mới gần 5 tỷ đồng.
Tương tự, dù kinh doanh chính trong lĩnh vực bất động sản, song những quý gần đây Nhà Đà Nẵng đầu tư hàng trăm tỷ vào chứng khoán. Giai đoạn 2020-2021 khi TTCK tăng trưởng, công ty thu về mức lãi tài chính tương đối tốt.
Nhưng sang quý 2 năm nay, do TTCK biến động, doanh thu tài chính của Nhà Đà Nẵng đã giảm hơn 81% so với cùng kỳ. Công ty phải trích lập dự phòng cho danh mục đầu tư chứng khoán khiến chi phí tài chính đột biến. Công ty vì thế lỗ nặng hơn 120 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ lãi 105 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, NDN lỗ 91 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6, tổng giá trị đầu tư của Nhà Đà Nẵng là 310 tỷ đồng, công ty đang dự phòng hơn 90 tỷ đồng cho danh mục đầu tư chứng khoán.
CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) cùng lúc chịu “thua lỗ kép” do thị trường sắt thép và TTCK cùng biến động mạnh trong quý 2. Theo đó, doanh thu của công ty giảm gần 51% so với cùng kỳ, đạt 306,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm gần 76% còn 47,4 tỷ đồng.
Trong kỳ chi phí tài chính của Thép Tiến Lên tăng gấp 6 lần cùng kỳ lên 64,6 tỷ đồng sau khi tăng khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh lên 54,4 tỷ đồng, gấp 21,8 lần cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 2, giá trị khoản chứng khoán kinh doanh của Thép Tiến Lên đạt 148,3 tỷ đồng, tăng 11,8 tỷ đồng so với cuối quý 1 và tăng 51,6 tỷ đồng so với đầu năm. Song, giá trị hợp lý chỉ còn lại 86,8 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ hơn 60 tỷ đồng, trong khi thời điểm cuối năm 2021 con số này chỉ 3,9 tỷ đồng trên giá gốc gần 97 tỷ đồng.
Trong quý 2, lợi nhuận của CTCP Hóa An (mã DHA) cũng gần như “bốc hơi” gần hết khi phải trích lập dự phòng khoản lỗ đầu tư. Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 95,6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Doanh thu hoạt động tài chính đi ngang ở mức 3,6 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng đột biến gấp 5 lần lên mức 21 tỷ đồng.
Theo giải trình, công ty không phát sinh chi phí lãi vay trong kỳ và gần như toàn bộ chi phí tài chính quý 2 đến từ việc trích lập dự phòng cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát hơn 20 tỷ đồng. Kết quả, DHA lãi ròng vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng, giảm đến 92% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty chứng khoán cũng lỗ trăm tỷ vì tự doanh
Không chỉ các doanh nghiệp “tay ngang” bị thua lỗ vì đầu tư chứng khoán, nhiều doanh nghiệp chứng khoán cũng công bố lợi nhuận quý 2 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ nặng do tự doanh kém hiệu quả.
Điển hình, CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) mặc dù đạt doanh thu hoạt động tăng 132% so với cùng kỳ lên 661,7 tỷ đồng trong quý 2, nhưng lại ghi nhận mức lỗ trước thuế kỷ lục với 161,2 tỷ đồng, giảm 372% so với mức lãi 59 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.
Khoản lỗ của công ty chủ yếu đến từ các hoạt động đầu tư tài chính, gồm cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp với mức lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) gần 528 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã cắt lỗ cổ phiếu niêm yết 87 tỷ đồng và bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết với mức lỗ hơn 280 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) thậm chí còn lỗ nặng hơn khi doanh thu hoạt động âm 64 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của công ty tăng vọt 50% lên mức 223 tỷ đồng. Kết quả SHS lỗ trước thuế 372 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 384 tỷ đồng.
Theo lý giải của SHS, thị trường diễn biến tiêu cực bất ngờ dẫn tới mảng tự doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Khoản lỗ chủ yếu do việc đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL bị sụt giảm hơn 485 tỷ đồng, khiến mảng đầu tư lỗ hơn 433 tỷ đồng.
Cùng ghi nhận mức lỗ hàng trăm tỷ từ tự doanh chứng khoán, CTCP Chứng khoán Apec (APS) công bố doanh thu hoạt động trong quý 2 đạt 56 tỷ đồng nhưng lỗ trước thuế lên tới 442 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý 2 cho thấy công ty có khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến gần 490 tỷ đồng.
Tương tự, trong quý 2, doanh thu hoạt động của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) giảm 33% xuống gần 330 tỷ đồng. Chi phí hoạt động kinh doanh tăng 67% lên gần 500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lỗ các tài sản tài chính FVTPL lên tới 370 tỷ đồng. Kết quả, công ty lỗ trước thuế hơn 198 tỷ đồng và lỗ sau thuế 161 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế 172 tỷ đồng và lãi sau thuế 139 tỷ.
Biến động mạnh của TTCK trong quý 2 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tự doanh của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và là nguyên nhân chính dẫn đến mức lỗ trước thuế 268 tỷ đồng và lỗ sau thuế 234 tỷ đồng của công ty mẹ. Trong kỳ, công ty lỗ ròng khoảng 290 tỷ đồng từ các tài sản tài chính FVTPL và lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng.
Ngoài ra, rất nhiều CTCK khác cũng lâm vào tình trạng thua lỗ khi đầu tư vào chứng khoán như CTCP Chứng khoán Bảo Minh (BMS), hay CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS),… Với Chứng khoán Bảo Minh, trong quý 2, lãi từ các tài sản tài chính FVTPL của công ty chỉ ghi nhận gần 122 tỷ đồng, giảm gần 40%. Trong khi đó, lỗ do đánh giá lại FVTPL tăng gấp 8 lần lên gần 277 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu mảng môi giới của công ty cũng sụt giảm mạnh. Kết quả công ty lỗ ròng hơn 130 tỷ đồng trong quý 2, trong khi lãi gần 130 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, vẫn có một số CTCK ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý 2 như CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) báo lãi trước thuế 647 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 35% lên hơn 524 tỷ đồng. Trong kỳ, hoạt động tự doanh của VNDirect vẫn khá ổn nhờ cổ phiếu PTI gồng gánh danh mục và ngược dòng thị trường trong quý 2 đầy biến động. Trong khi đó, VPS và 3 công ty chứng khoán nước ngoài là Mirae Asset, KBSV và Maybank Kim Eng lại tăng trưởng nhờ lãi cho vay và phải thu.