Philippines "khát" gạo nhập khẩu năm 2023 và bài toán của Việt Nam
Cần tính toán, bởi xuất khẩu gạo của Việt Nam không hẳn luôn thuận lợi về giá, thậm chí có khi thiệt giá do doanh nghiệp mỏng vốn, tín dụng hạn hẹp, tỷ giá biến động quá mạnh...
Nhưng trước hết, nhu cầu từ thị trường Philippines đang mở ra cơ hội của một nguồn nhu cầu lớn năm tới.
Đảm bảo nguồn cung gạo ổn định cho tiêu dùng trong nước là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Philippines. Hiện Philippines là thị trường top đầu của gạo Việt Nam với lượng gạo xuất khẩu khoảng trên dưới 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 45%/tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 3 triệu tấn; dự báo cả năm 2022 có thể đạt khoảng 3,2 triệu tấn.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 11/2022, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines được 258.457 tấn, trị giá 121,932 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt gần 3 triệu tấn, trị giá 1,388 tỷ USD, tăng 30,12 % về lượng và tăng 18,01 % về trị giá so với cùng kỳ năm trước; chiếm gần 45% về khối lượng và chiếm 42,91% về kim ngạch của cả nước.
Cảnh báo về tình trạng thiếu gạo của Philippines
Cuối tuần qua, trên tờ The Manila Times, ông Leonardo Montemayor - cựu Bộ trưởng Nông nghiệp (DA) và Chủ tịch Hội đồng Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF) Philippines đã đưa ra cảnh báo về tình trạng thiếu gạo sắp xảy ra vào năm 2023 của Philippines.
“Dựa trên dự báo của FFF, đến cuối quý 3/2023, tồn kho cuối kỳ sẽ âm 427.000 tấn gạo. Vào cuối năm sẽ là 321.000 tấn, và chỉ đủ dùng trong chín ngày”, ông Leonardo nói.
Năm 2022, tổng lượng gạo nhập khẩu Philippines có thể đạt 3,4 triệu tấn, và trong năm 2023 nước này sẽ nhập khẩu lượng gạo tương đương trong năm rồi để đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định. Trong bối cảnh đồng peso mất giá đã đẩy giá bán lẻ gạo trên thị trường Philippines tăng lên từ 2 – 4 peso/kg gạo.
“Ngay từ tháng 7/2023, sẽ có áp lực tăng giá vì lượng hàng tồn kho chuyển từ kỳ đầu tiên sẽ chỉ tương đương với nguồn cung trong một tháng. Do vậy, cần phải nhập khẩu nếu không, chúng tôi sẽ thiếu nguồn cung gạo”, cựu Bộ trưởng DA và FFF nói.
Lâu nay Philipines chỉ nhập khẩu một lượng gạo nhỏ từ Ấn Độ - nước hiện đang chiếm đến 40% thương mại gạo toàn cầu, và lượng gạo tấm chiếm chưa đến 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này. Song, Philippines đang lo ngại với động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình lương thực toàn cầu, đẩy giá gạo xuất khẩu tăng lên.
Theo ông Montemayor, việc Chính phủ Ấn Độ áp 20% thuế xuất khẩu gạo trắng đã khiến các quốc gia trước đây nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sẽ chuyển sang mua gạo của Việt Nam, và có thể là nguyên nhân gây ra chi phí cao hơn, cộng với tác động lạm phát đã khiến đồng peso mất giá và đẩy giá lương thực nội địa Philippines tăng cao. Do vậy, Chính phủ Philippines cần đẩy nhanh việc phân phối các khoản trợ cấp phân bón để thúc đẩy sản xuất lúa địa phương.
“Nông dân dự kiến sẽ trồng lúa cho đến tháng 1 và thậm chí là cuối tháng 2/2023. DA nên cải thiện việc phân phối phân bón như một biện pháp can thiệp tức thời khác để chúng tôi có thể tăng nguồn cung tại địa phương”, ông Montemayor nói thêm.
“Hiện DA đang xem xét lượng hàng tồn kho của mình và chúng tôi cũng gặp vấn đề trong việc nhập khẩu của khu vực tư nhân. Chúng tôi sẽ không đưa ra bình luận nào để không gây ra vấn đề trên thị trường quốc tế", ông Rex Estoperezm - Phó phát ngôn viên DA nói.
Dựa trên khảo sát của DA, giá bán lẻ gạo xay xát thông thường trên thị trường nội địa Philippines đang dao động từ 37 - 38 peso/kg; gạo xát kỹ có từ 40 – 42 peso/kg; gạo cao cấp từ 42 – 46 peso/kg; và gạo đặc biệt từ 50 - 55 peso/kg (hiện nay 1 peso = 426,03 VND).
Bài toán cho gạo Việt Nam xuất khẩu
Ông Trần Tuấn Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm XNK miền Nam cho biết, chất lượng và độ an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam ngày được nâng cao nên được nhiều thị trường cao cấp trên thế giới lựa chọn; các nước nhập khẩu gạo lớn gồm Trung Quốc, châu Phi và khu vực Đông Nam Á như Philippines, Indonesia… đang có nhu cầu lớn mua gạo Việt Nam. Trong đó, thị trường Philippines chuộng mua các loại gạo như: DT8, OM18 và OM5451, vì ngoài chất lượng và ATTP thì gạo Việt Nam do tính chất mùa vụ nên luôn đảm bảo độ tươi mới.
“Người tiêu dùng Philippines đòi hỏi chất lượng gạo ngày càng cao và gạo Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này nhất là độ tươi mới, ngon dẻo. Song, các nhà nhập khẩu Philippines thường xuyên ép giá gạo Việt Nam và chờ khi gạo Việt Nam xuống thấp mới đàm phán mua vào”, Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm XNK miền Nam cho biết.
Theo ông Kiệt, để có thể xuất khẩu gạo được giá tốt vừa đảm bảo lợi ích cho nông dân lẫn doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp gạo cần chuẩn bị nguồn vốn để vào vụ Đông Xuân - vụ lúa chính cho sản lượng và chất lượng lúa gạo tốt nhất ở miền Tây mua dự trữ với khối lượng lớn, vì hầu hết các nước nhập khẩu gạo đều muốn mua gạo của Việt Nam trong vụ mùa này.
Tuy nhiên đầu vụ các nhà nhập khẩu không bao giờ đàm phán ký hợp đồng mà chờ đến thu hoạch rộ, nguồn lúa hàng hóa dồi dào, cung vượt cầu giá sụt giảm mới đàm phán mua vào. Còn doanh nghiệp Việt Nam do hạn chế tài chính cộng với bị siết tín dụng nên không có tiền mua gạo dự trữ, không có nguồn hàng bán ra khi các nhà nhập khẩu có nhu cầu. Điều này khiến cho doanh nghiệp đôi khi bị lỗ từ 500 đến 1.000 đồng/kg gạo.
Đó là những cấu phần chính của bài toán mà ngành gạo Việt Nam cần tính toán, cần được hỗ trợ để có được cân đối lượng và giá tốt hơn, hạn chế việc bỏ lỡ cơ hội hoặc giá không như kỳ vọng.
Dự kiến, trong quý 1/2023 ngân hàng sẽ nới room tín dụng và giải ngân cho doanh nghiệp gạo, khi đó các nhà cung ứng và các doanh nghiệp xuất khẩu có thể mua tạm trữ lúa gạo với khối lượng để chuẩn bị bán hàng vào tháng 5, tháng 6 khi nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu tăng cao.
“Để có thể bán gạo được giá tốt vào thị trường Philippines hay các thị trường nhập khẩu khác, doanh nghiệp cần có lượng tín dụng đủ để mua vào khi vụ Đông Xuân thu hoạch rộ. Đây là vụ lúa có sản lượng lớn và chất lượng tốt nhất nên doanh nghiệp cần mua tạm trữ chờ khi thị trường có nhu cầu mua với giá tốt, trong đó có Philippines sẽ ký bán.
Nếu thu hoạch rộ mà doanh nghiệp không có đủ lượng tiền để mua hết lượng lúa hàng hóa của nông dân có nguy cơ đẩy giá lúa gạo trên thị trường xuống thấp, làm thiệt thòi cho nông dân còn doanh nghiệp không có chân hàng trong kho dẫn đến bị bên mua ép giá. Bên cạnh đó, tình trạng doanh nghiệp trong nước tranh mua, tranh bán cạnh không lành mạnh cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu”, Giám đốc Công ty Lương thực thực phẩm XNK miền Nam phân tích.
Cuối năm nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu nhưng do tỷ giá USD/VND tăng xấp xỉ 25.000 đồng nên họ chưa dám mua vào vì sợ lỗ dẫn đến thiếu gạo phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện nay tỷ giá USD/VND đã về dưới mức 24.000 đồng, cộng với nhu cầu thị trường nhập khẩu từ cuối năm 2022 sẽ là yếu tố đẩy giá lúa gạo vụ Đông Xuân 2022-2023 tăng cao hơn so với với vụ Đông Xuân trước.
Năm nay lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long về nhiều mang lại phù sa cho đồng ruộng, nên nông dân giảm sử dụng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp kéo giảm chi phí sản xuất mà năng suất lúa vẫn cao. Cùng với những tín hiệu lạc quan về thị trường dự báo vụ Đông Xuân 2022-2023, sẽ vụ lúa được mùa được giá.
“Đầu năm 2023 sẽ có nhiều hợp đồng mua gạo đổ vào Việt Nam và trước những tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo lượng gạo xuất khẩu năm 2023 sẽ tương đương với năm 2022, thậm chí nhỉnh hơn và giá gạo xuất khẩu cũng sẽ tốt hơn năm rồi”, ông Kiệt lạc quan dự báo.