Tăng thuế thuốc lá: Cần lộ trình và giải pháp bổ trợ doanh nghiệp |
Trong khuôn khổ tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” diễn ra ngày 2/4/2025, các đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cùng các tổ chức liên quan đã nhìn nhận thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.
Việc thắt chặt pháp lý để ngăn ngừa hàng lậu cần cân nhắc đến tác động đa chiều để hài hoà các khía cạnh liên quan, đảm bảo việc thực thi hiệu quả mục tiêu Nghị quyết, bao gồm các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, thiết bị công nghệ; tác động đến môi trường đầu tư, thương mại và các cam kết quốc tế trong bối cảnh Cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã ban hành Công văn 17/TCHQ-GSQL; những phát sinh đối với ngành du lịch Việt Nam trong tương lai…
![]() |
Tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra”. |
Tình trạng buôn lậu và vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới diễn biến phức tạp
Tại tọa đàm, Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, tội phạm buôn lậu thuốc lá mới thông qua đường biên giới trên biển và đường bộ ngày càng tinh vi, bất chấp lệnh cấm, do lợi nhuận từ hoạt động này cao gấp nhiều lần so với nhập khẩu và kinh doanh truyền thống. Phần lớn các giao dịch diễn ra trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là trong các hội nhóm kín. Các phương thức vận chuyển cũng trở nên tinh vi, lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn quốc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và khó kiểm soát hơn.
Ông Nguyễn Đức Lê - đại diện Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, năm 2024, lực lượng chức năng đã thu giữ 240.000 sản phẩm thuốc lá điện tử cùng 200.000 bao thuốc lá điếu truyền thống. Số liệu này cho thấy, tỷ trọng thuốc lá mới nhập lậu ngày càng chiếm phần lớn và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Do đó, việc xác định nguyên nhân cốt lõi, từ cơ chế chính sách, công tác quản lý hay nhận thức của người dân, trở thành điều kiện cấp thiết để định hướng chiến lược phòng, chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách với các doanh nghiệp trong ngành
Chia sẻ về thách thức trong quá trình xử lý hàng tồn do doanh nghiệp không được phép triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, ông Phan Quốc Đông - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, hiện chưa được thống nhất hướng xử lý đối với 214 triệu sản phẩm liên quan đến linh kiện thành phẩm thuốc lá mới để xuất khẩu. Điều này cho thấy việc thực thi lệnh cấm không chỉ tác động đến các cá nhân mà tác động tới doanh nghiệp, môi trường đầu tư, chuỗi cung ứng.
Do đó, theo ông Đông, cần có giải pháp tháo gỡ cùng với lộ trình xử lý rõ ràng đối với lượng hàng tồn rất lớn này cũng như đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư. Những doanh nghiệp đã nhập nguyên liệu sản xuất theo các hợp đồng ký kết nên được tiếp tục hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định theo cơ chế chuyển tiếp và dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, việc gia hạn hợp đồng sản xuất để xử lý hàng tồn có thể được xem xét đến ngày 31/12/2025.
![]() |
Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA). |
Ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cho biết, trước năm 2025, Công ty thuốc lá Thăng Long - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã ký kết hợp tác với một đối tác nước ngoài về việc sản xuất linh kiện và thiết bị thuốc lá nung nóng để phục vụ cho mục đích xuất khẩu, và đã thông qua phê duyệt của Bộ Công Thương. Hiện toàn bộ máy móc, thiết bị, nhà xưởng, nguyên liệu - trị giá khoảng 15-17 triệu euro - đã được chuyển về và lắp đặt tại Việt Nam. Việc thay đổi quy định từ Công văn 17 có thể dẫn đến nguy cơ Công ty thuốc lá Thăng Long bị kiện, gây thiệt hại đáng kể.
Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: “Đây là những vấn đề đáng lo ngại, nếu không được giải quyết rốt ráo thì có khả năng bị các nhà đầu tư nước ngoài kiện”. Bởi trước thời điểm có Nghị quyết 173 thì việc kinh doanh của các doanh nghiệp là hợp pháp. Với những cam kết về thương mại với đối tác nước ngoài, trong trường hợp pháp luật Việt Nam thay đổi, nếu gây bất lợi với nhà đầu tư thì cần phải có giải pháp, trước hết là đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư bằng các hình thức khác nhau.
![]() |
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp. |
Mặt khác, thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Hiện đã có khoảng 8 doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực này, trong đó tập đoàn Hàn Quốc KT&G đã đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc. “Như vậy, quy định cấm xuất khẩu tác động rất lớn đến nhóm doanh nghiệp này”, ông Hải nhấn mạnh.
Về góc độ kinh tế, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định: “Cần phải có một lộ trình, đồng bộ hóa các cơ chế chính sách và đánh giá tác động toàn diện với các chủ thể liên quan trước khi ban hành chính sách”. Các nhà đầu tư nước ngoài thường quan ngại về rào cản thuế quan, rào cản thương mại khi tham gia vào thị trường sản xuất. Song hiện vấn đề quan ngại nhất là rủi ro trong quá trình đầu tư, cụ thể là những thay đổi đột ngột của chính sách. “Nếu chúng ta không tính trước các rủi ro này cho các nhà đầu tư thì ảnh hưởng rất lớn, khiến cho các nhà đầu tư lưỡng lự, thậm chí mất đi nguồn vốn tín dụng, cần phải bảo bộ các nhà đầu tư và có giải pháp cho vấn đề này”.
Các chuyên gia đồng thuận còn nhiều điểm nghẽn trong việc thực thi Nghị quyết 173 về cấm thuốc lá mới, trong đó bao gồm cả vấn đề khó khăn khi nhận diện sản phẩm trong công tác phòng chống buôn lậu và xử lý hành vi vi phạm. Do vậy cần thận trọng cân nhắc khi ban hành các quy định, hướng dẫn trên cơ sở đánh giá toàn diện tác động của tất cả các chủ thể liên quan để nhằm triển khai hợp lý, hoàn chỉnh, hiệu quả trong thực tiễn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI đang chịu tác động trực tiếp hiện nay.
![]() Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng - theo báo cáo ... |
![]() Từ 1/1/2025, Việt Nam chính thức thực thi lệnh cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá ... |
![]() Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15, quy định thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là hàng cấm. ... |