Đừng để lòng tin và kỳ nghỉ bị “đánh cắp” |
Công an các địa phương đồng loạt phát đi cảnh báo: “Những kẻ xấu đang lợi dụng mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ để giăng bẫy du khách bằng các fanpage, website du lịch giả mạo”. Không ít người đã mất tiền, mất thông tin cá nhân chỉ vì vài cú nhấp chuột tưởng chừng vô hại.
![]() |
Theo khảo sát từ nhiều hội nhóm du lịch trên mạng xã hội, các website và fanpage giả mạo được thiết kế vô cùng tinh vi, gần như sao chép y nguyên giao diện của các công ty du lịch, khách sạn nổi tiếng. |
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, các hội nhóm, diễn đàn du lịch sôi động với những bài đăng tìm kiếm vé máy bay giá rẻ, combo du lịch ưu đãi hay phòng nghỉ “view đẹp, giá mềm”. Song song với nhu cầu tăng cao, các chiêu trò lừa đảo cũng xuất hiện với tần suất đáng báo động.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an các tỉnh, thành phố đã đồng loạt phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh trong dịp lễ, đặc biệt trong lĩnh vực đặt vé máy bay, tour, khách sạn.
Theo lực lượng chức năng, thủ đoạn phổ biến nhất là giả mạo fanpage, website của các resort, khách sạn, công ty du lịch uy tín, sau đó dụ khách chuyển khoản giữ chỗ hoặc thanh toán trước và chặn liên lạc ngay sau đó.
Chị Đinh Thị Hà, 35 tuổi đang sinh sống tại Gò Vấp (TP.HCM) cho biết qua tìm hiểu trên mạng có thấy một fanpage mang tên resort khá nổi tiếng ở Phú Quốc chạy quảng cáo combo 3 ngày 2 đêm giá chỉ 2,9 triệu đồng. Fanpage có tích xanh, hơn 50.000 lượt theo dõi, ảnh chụp đẹp, review 5 sao.
“Tôi tin tưởng và chuyển tiền cọc. Sau đó họ nhắn sẽ gửi mã xác nhận qua email, nhưng đợi mãi không thấy gì. Gọi lại thì số thuê bao không liên lạc được. Lúc đó tôi mới hiểu mình bị lừa”, chị Hà bức xúc.
Tình huống của chị Hà không phải cá biệt. Trên các nền tảng như Facebook, Zalo, Instagram, thậm chí cả các trang tìm kiếm như Google Ads, nhiều người dùng dễ dàng bị lôi kéo bởi những từ khóa “giá rẻ bất ngờ”, “ưu đãi phút chót”, “combo gia đình tiết kiệm”. Không ít nạn nhân khi đến nơi nghỉ thì mới vỡ lẽ… không có tên mình trong danh sách đặt phòng.
![]() |
Các đối tượng lừa đảo còn sử dụng những hình ảnh thật của khu nghỉ dưỡng, đánh giá ảo từ khách hàng, thậm chí thuê KOLs hoặc chạy quảng cáo Facebook để tạo độ tin cậy. |
Theo thông tin từ Công an TP.HCM, những fanpage và website lừa đảo được thiết kế bài bản, có giao diện gần như giống hệt các trang thật như dùng màu sắc, bố cục, ảnh chụp chuyên nghiệp, thậm chí sao chép luôn cả nội dung giới thiệu từ website thật. Một số trang còn được xác thực "tích xanh" do mạo danh các doanh nghiệp lâu đời từng bị tạm ngưng hoạt động, sau đó chiếm dụng lại tài khoản cũ.
Khi khách hàng tin tưởng và để lại thông tin, nhóm đối tượng lập tức dùng chiêu “ép chuyển khoản nhanh để giữ ưu đãi”. Họ giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng, sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp, thậm chí gửi file PDF giả dạng hóa đơn, phiếu xác nhận. Nếu nạn nhân yêu cầu xác minh, chúng sẵn sàng gọi điện video, gửi hình ảnh chụp màn hình hóa đơn có con dấu công ty.
Một trong những thủ đoạn nguy hiểm nhất là gửi mã OTP hoặc đường dẫn thanh toán giả, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đã có người bị rút sạch tiền chỉ vì “bấm nhầm” một liên kết lạ từ fanpage du lịch giả mạo.
Chị Nguyễn Ngọc Diễm (28 tuổi, Hà Nội), người từng bị mất hơn 12 triệu đồng khi đặt combo du lịch Côn Đảo chia sẻ lúc đầu cũng “bán tín bán nghi”, nhưng họ gửi ảnh xác nhận, hóa đơn đầy đủ nên không đề phòng.
Sau vụ đó, chị Diễm đã học cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia, kiểm tra fanpage có bình luận thật hay không, gọi trực tiếp đến số tổng đài chính thức của khách sạn để xác minh.
![]() |
Một khách hàng bị lừa sau khi đặt vé du lịch combo giá rẻ, chia sẻ trên mạng xã hội. |
Một số du khách có kinh nghiệm lâu năm gợi ý, không nên đặt vé hoặc tour qua fanpage lạ, kể cả có “tích xanh” hoặc nhiều lượt theo dõi. Ưu tiên đặt qua website chính thức của hãng hàng không, khách sạn hoặc các nền tảng lớn như Traveloka, Agoda, Booking.com... Tránh các ưu đãi “giảm giá bất ngờ – hết hạn trong ngày” vì thường đây là chiêu thúc ép quyết định sớm để lừa đảo.
Không chỉ du khách, nhiều công ty du lịch, hãng hàng không cũng trở thành “nạn nhân gián tiếp” khi liên tục bị mạo danh. Đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết: “Chúng tôi phát hiện ít nhất 4 fanpage giả đang hoạt động dưới tên công ty. Họ lấy hình ảnh, địa chỉ thật, thậm chí chạy quảng cáo trên Facebook. Điều đó khiến rất nhiều khách hàng gọi đến phản ánh, dù chúng tôi không liên quan.”
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng xác nhận, trong năm 2024 và quý đầu năm 2025 số lượng phản ánh về website giả mạo và hành vi mạo danh doanh nghiệp du lịch để lừa đảo tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước đại dịch.
Kỳ nghỉ lễ là thời điểm mọi người cần được thư giãn, nghỉ ngơi. Thế nhưng, chỉ một cú click thiếu tỉnh táo, một lần “ham rẻ” mà không xác minh kỹ, chuyến đi mơ ước có thể biến thành nỗi ám ảnh tài chính.
Trong kỷ nguyên số, du lịch không chỉ là chuyện hành lý và vé máy bay, mà còn là kỹ năng nhận diện thật – giả, bảo vệ dữ liệu cá nhân và giao dịch an toàn. Người dùng cần học cách phòng vệ trước khi quá muộn.
Đường dây nóng tố cáo lừa đảo qua mạng: Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo; Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053; Đối với người dân tại TP. Hồ Chí Minh: Gọi đến số điện thoại đường dây nóng 0693187200 Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn. |
![]() Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang chuyển mình hướng tới phát triển bền vững, du lịch xanh đang trở thành xu hướng ... |
![]() Chuyển đổi số không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ. Với tầm nhìn đúng đắn, nó còn có thể trở thành “lá chắn” ... |
![]() Xuất khẩu lao động có thể là một con đường đầy hứa hẹn để cải thiện cuộc sống, nhưng nó cũng tiềm ẩn không ít ... |