Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Có nên duy trì?
Đây là một trong nhiều ý kiến của các đại biểu thảo luận tại tổ về Luật giá (sửa đổi) chiều ngày 7/11 về việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trước đó, trong tờ trình, Chính phủ đề xuất trước mắt chưa bỏ quỹ này.
KHÔNG CẦN THIẾT DUY TRÌ BẰNG MỌI GIÁ?
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), qua nghiên cứu, theo dõi cho thấy tại thời điểm này giá xăng dầu diễn biến vẫn rất thất thường, khó dự báo, nên cơ chế Quỹ rất cần thiết để điều hành giá trong nước nhằm hạn chế những biến động lớn về giá vì thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước.
Vì vậy, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp
“Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét quy định và duy trì đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có cơ chế đặc thù để trích lập, sử dụng gắn với các kỳ điều hành giá nhằm tạo bước đệm, hạn chế mức tăng, giảm giá đột biến, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu rõ.
Tuy nhiên, từ những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều bộ ngành cùng tham gia, đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cho rằng, nếu xác định Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ cần thiết phải giữ thì phải có định chế riêng cho quỹ này. Tuy nhiên, Quỹ này chỉ ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ.
“Xăng dầu là loại hàng đặc biệt nên phải có chế định đặc biệt để quản lý nhưng không thể can thiệp bằng cách phi thị trường”, đại biểu Trịnh Xuân An nhìn nhận.
Đồng quan điểm, theo đại biểu Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai), thời gian vừa rồi khi kiểm chứng các vấn đề xăng dầu phát sinh, cho thấy một điều, dù tồn tại Quỹ này nhưng tác động không hề lớn, vì một khi nguồn cung không đảm bảo, Quỹ cũng không giải quyết được, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung. Do vậy tác động của Quỹ này không lớn đến mức cần duy trì bằng mọi giá.
“Cơ quan soạn thảo cần có đánh giá việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không trong bối cảnh tới đây sẽ điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu”, đại biểu Nguyễn Công Long đề nghị.
LÂU DÀI SẼ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN TẮC THỊ TRƯỜNG
Trước những ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, Quỹ bình ổn xăng dầu được quy định tại Nghị định số 84/2009 của Chính phủ, sau đó được quy định tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95 năm 2021, tiếp tục duy trì quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu. Như vậy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã có từ trước khi Luật giá 2012.
Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và cũng có ý kiến về tính công khai minh bạch trong việc trích lập và sử dụng Quỹ. Tuy nhiên do xăng dầu và một mặt hàng chiến lược và có tác động rất lớn tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế. Tình hình thực tiễn vừa qua cho thấy giá xăng dầu tại thị trường trong nước và quốc tế biến động rất thất thường.
“Theo đề nghị của các bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, Chính phủ đã quyết định tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu trong giai đoạn hiện nay để tránh những biến động quá bất thường của giá xăng dầu”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Về nguyên tắc bình ổn giá thì có những thời hạn, thời điểm vì khi bình ổn giá thì chỉ bình ổn lúc giá lên hoặc xuống biến động thất thường. Hiện nay ban soạn thảo Luật Giá (sửa đổi) đã đưa ra các phương án khác nhau về Quỹ bình ổn giá, trong đó có phân tích những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án.
“Cuối cùng trong bối cảnh hiện nay Chính phủ tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, về lâu về dài chúng ta phải kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn nói.