(Ảnh minh họa) |
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần 15-19/8, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, thị trường chứng khoán đã trải qua một tuần giao dịch giằng co với lợi thế sau cũng nghiêng về bên mua nhờ những thông tin vĩ mô tích cực như dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ và giá xăng dầu trong nước nối dài đà giảm giúp củng cố niềm tin rằng lạm phát tại Việt Nam sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Thị trường chứng kiến tín hiệu khá tích cực trong phiên cuối tuần khi dòng tiền chốt lời trong những phiên giao dịch trước đó có dấu hiệu quay trở lại thị trường.
Bước sang tuần giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ tiến sâu vào vùng kháng cự mạnh 1.260-1.280 điểm, kéo theo áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng.
“Trong bối cảnh thị trường sắp bước vào giai đoạn “trống thông tin” từ nay tới cuối tháng 9 sau khi kết quả kinh doanh quý 2 của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã được công bố, chúng tôi cho rằng thị trường cần nhịp nghỉ tại vùng quanh 1.260 điểm trước khi tích lũy đủ xung lực để có thể bứt phá qua vùng 1.260-1.280 điểm”, ông Hinh nói.
Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia VNDIRECT, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm cổ phiếu. Vì vậy, việc tìm kiếm “lợi nhuận ngắn hạn” là không hề dễ dàng và phụ thuộc lớn vào khả năng lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư.
Do đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp nghỉ này để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hướng đến những nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm 2022 và có giá cổ phiếu đã chiết khấu sâu trong giai đoạn vừa qua như nhóm cổ phiếu thủy sản, ngân hàng, bất động sản, đầu tư công, hoặc nhóm cổ phiếu có thiên hướng phòng thủ như nhóm cổ phiếu điện, dược phẩm, thực phẩm đồ uống.
Đồng thời, nhà đầu tư vẫn nên duy trì một tỷ trọng danh mục an toàn và hạn chế sử dụng đòn bẩy cao do các chỉ số chứng khoán đang tiến vào vùng kháng cự mạnh. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao những yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong trung hạn như (1) động thái chính sách tiền tệ của FED, (2) thời điểm NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các NHTM, (3) thời điểm Nghị định 153 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành. Những thông tin này có tầm quan trọng hàng đầu và quyết định xu hướng đi lên của thị trường trong thời gian tới.
Kết thúc tuần giao dịch trước đó, VN-Index chốt phiên tại mốc 1.262,3 điểm (+0,8% so với tuần trước). Cùng chung xu hướng tích cực, chỉ số HNX-Index và UPCOM-Index duy trì đà tăng từ tuần trước và đóng cửa lần lượt tại 303,4 điểm (+1,2% so với tuần trước) và 92,8 điểm (+1,7% so với tuần trước).
Thanh khoản thị trường suy giảm trong tuần qua với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm nhẹ 5,2% về mức 18.452 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại giảm mạnh mua ròng trên sàn HOSE với giá trị mua ròng đạt 93,9 tỷ đồng (-93,5% so với tuần trước) trong khi quay đầu bán ròng 117,2 tỷ đồng trên UPCOM (so với mua ròng 17,6 tỷ đồng trong tuần trước). Trái ngược với 2 sàn này, khối ngoại đã tích cực mua ròng 101,9 tỷ đồng trên sàn HNX-Index (so với bán ròng 18,7 tỷ đồng tuần trước).
Sự phân hóa đã diễn ra trên diện rộng trong tuần giao dịch vừa qua, điển hình như tại nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán.
Cụ thể, đối với ngành Ngân hàng, các cổ phiếu tăng giá tuần qua bao gồm TCB (+1,0%), HDB (+2,8%), VPB (+1,9%), trong khi VCB, CTG, SHB đều giảm lần lượt 0,5%/1,2%/1,7% trong tuần.
Bất động sản Khu công nghiệp tuần qua đã có ghi nhận mức tăng giá ấn tượng của các cổ phiếu như VGC (+13,0%), BCM (+3,9%), SZC (+3,6%). Tuy nhiên, sự phân hóa thể hiện rõ khi tên tuổi lớn trong ngành là PHR và KBC đều giảm lần lượt 1,6%/0,3%. Ngành Bất động sản nhà ở cũng chứng kiến sự phân hóa rõ nét khi BCG, DXG đều tăng mạnh lần lượt 5,2%/2,4 trong tuần, trong khi VHM, DIG giảm lần lượt 1,0%/1,2% tuần qua.