![]() |
Ảnh minh hoạ |
Báo cáo tại hội thảo “Giải pháp công nghệ trong sản xuất thịt thực vật”, Tiến sĩ Aparna Venkatesh – Giám đốc Phát triển Công nghệ khu vực Đông Nam Á – Tập đoàn Bühler cho biết, 10 năm trước thịt thực vật đã xuất hiện trên thế giới và đang chiếm từ 1% đến 3% thị phần thực phẩm tiêu dùng trên toàn cầu. Dự báo, thị trường thịt thực vật sẽ đạt 10% vào năm 2025.
Đến năm 2040 các loại thịt thông thường sẽ giảm dần để bắt đầu một xu hướng mới đó là thịt nuôi cấy hoặc thịt thực vật. Xu thế này phát triển không bởi vì nhu cầu thị trường mà còn cần thiết để đáp ứng nhu cầu protein cho lượng dân số thế giới đang ngày càng gia tăng.
Năm 2020, thương mại thịt thực vật toàn cầu chỉ đạt 3,1 tỷ USD, vào năm 2021 đã tăng lên 61,29% và đạt 5 tỷ USD, trong đó, Châu Á -Thái Bình Dương (APAC) đạt 162 triệu USD vào năm 2021 đạt 312 triệu USD, tăng 92,59%. Đây là một mức tăng trưởng ấn tượng.
Việc tiêu thụ thịt thực vật tại châu Á vẫn còn khiêm tốn so với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thế giới, và chỉ chiếm khoảng 5% so với các loại thịt khác nhưng có xu hướng phát triển tốt.
Mặt khác, châu Á là khu vực sản xuất nông nghiệp nên nguồn nguyên liệu sản xuất thịt thực vật rất đa dạng và phong phú, vì vậy sắp tới châu Á sẽ là một thị trường rất sôi động trong lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, thị trường thịt thực vật cũng phát triển vượt bậc trong vài năm gần đây. Cuối năm 2020, thị trường Việt Nam đã đạt 249 triệu USD, với 70% là các sản phẩm có nguồn gốc đậu nành. Nhu cầu thị trường ngày càng tăng mạnh do người Việt ngày càng chú trọng đến sức khỏe, và một phần từ văn hóa ăn chay đã có từ lâu đời.
Giai đoạn 2021-2025, dự báo thị trường thịt thực vật ở Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng 11,85%/năm, và sẽ đạt mốc 500 triệu USD vào cuối năm 2025.
Thị trường thịt thực vật tại Việt Nam còn nhiều dư địa
Thị trường thịt thực vật có tiềm năng rất lớn để chiếm thị phần tốt hơn tại châu Á cũng như Việt Nam, và ngày càng trở nên rất hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các start-up, các nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu và thậm chí các công ty sản xuất thịt động vật cũng tham gia.
Do đi sau nên thịt thực vật tại châu Á là một thị trường chưa có nhiều người khai phá, vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Hiện APAC cũng đang dẫn đầu các hoạt động nghiên cứu sản xuất thịt thực vật.
Thị trường thịt thực vật tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, vì cho rằng nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ mỡ động vật, thịt đỏ nên có ý thức ăn lành mạnh hơn, cùng với suy nghĩ giảm bớt sát sinh khi giết mổ động vật.
Ngoài ra, chăn nuôi quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường...
TS. Aparna Venkatesh – Giám đốc Phát triển Công nghệ khu vực Đông Nam Á – Tập đoàn Bühler
“Chúng tôi mong muốn tận dụng được tối đa tiềm lực của những trung tâm công nghệ để giúp cho các start-up, hoặc những công ty chuẩn bị tham gia vào thị trường thịt thực vật có thể tạo ra được những sản phẩm tốt nhất, có mùi vị, màu sắc, hình dáng và có giá bán phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng từng nước, từng khu vực và có thể ra mắt các sản phẩm này trên toàn thế giới.
Đó cũng là cách mà Bühler giúp APAC phát triển mạnh để đến năm 2025 có thể đạt mức tăng trưởng ít nhất là 10% mỗi năm so với 5% như hiện nay.
Thực ra thực phẩm chay thông thường tại Việt Nam vẫn có giá bán tương đối cao hơn so với những sản phẩm thịt cá người tiêu dùng thường sử dụng, và người ăn chay hay theo trường phái ăn sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thực vật sẽ không ngại chi tiền nhiều hơn một chút để tìm được nguồn thực phẩm vừa ý”, TS. Aparna Venkatesh nói.
Việt Nam là nước nông nghiệp có sẵn nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm từ thực vật, như gạo hoặc các loại cây trồng khác, cùng với máy móc, thiết bị và các giải pháp công nghệ hiện đại của Bühler sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thịt thực vật theo quy mô công nghiệp, tối ưu hóa giá thành sản phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận.
“Tôi nghĩ người tiêu dùng Việt Nam sẽ sẵn sàng trả tiền mua thức ăn chay ở một phân khúc cao hơn so với những thức ăn thông thường, bởi một khi họ đã tìm đến thức ăn chay rồi thì đó là niềm tin.
Việt Nam là nước nông nghiệp và thuộc khối ASEAN nên có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú của các nước trong khối để được hưởng về ưu đãi thuế quan.
Đối với sản xuất thịt thực vật nguồn nguyên liệu chiếm giá thành cao nhất, nếu giá đầu vào giảm thì giá thành sản phẩm cũng giảm theo, và đồng thời khuyến khích được những công ty start-up tận dụng những công nghệ mới trong các quá trình sản xuất.
“Tại Việt Nam, Bühler sẽ cùng với đối tác chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm phù hợp với người Việt Nam. Bühler là nhà sản xuất thiết bị cũng là công ty cung cấp các giải pháp công nghệ, chúng tôi sẽ làm việc cùng đối tác như Givaudan - công ty chuyên cung cấp các hương liệu sản xuất để cho ra loại thịt thực vật có hương vị, mùi vị đặc trưng cho từng vùng, miền ở Việt Nam.
Chúng tôi đang cùng với một đối tác Việt Nam nghiên cứu phân tích sản phẩm làm thử nghiệm tại Trung tâm công nghệ của Bühler ở Singapore. Trong tương lai gần, công ty này sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực đầu tư sản xuất sản phẩm thịt thực vật quy mô lớn tại Việt Nam.
Như vậy, thịt thực vật sản xuất tại Việt Nam với nguồn nguyên liệu trong nước sẽ sớm được bày bán trên thị trường Việt Nam”, TS. Aparna Venkatesh nhấn mạnh.