![]() |
Sản phẩm cá tra cắt khúc đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Huyền |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 7 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 3 thị trường xuất khẩu chính lần lượt là Trung Quốc, Mỹ và khối CPTPP đều tăng trưởng mạnh mẽ, riêng khối thị trường CPTPP có mức tăng trưởng thấp nhất top với mức tăng 72,7%.
Thị trường Trung Quốc có thể sẽ duy trì được tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm
Trong 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc có mức tăng trưởng kỷ lục 100,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 476,172 triệu USD, nhưng do Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách “Zero COVID” lại đang siết chặt các tiêu chuẩn về ATTP, gây quan ngại hoạt động xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong các tháng cuối năm sẽ tốt như đầu năm.
Ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thuỷ sản Gò Đàng (GODACO) cho rằng việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero COVID” cứng nhắc, và dù họ vẫn chưa tuyên bố hủy bỏ chính sách này nhưng do Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh trong nội địa nên có động thái nới lỏng rất nhiều. Nhờ vậy xuất khẩu cá tra vào thị trường này có thể sẽ duy trì được đà tăng trưởng trong các tháng cuối năm.
Song, Trung Quốc đang đi vào quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc để dần hướng vào các tiêu chuẩn cao như các thị trường phát triển châu Âu, châu Mỹ. Do vậy, buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải đi theo các tiêu chuẩn nước nhập khẩu quy định, như truy xuất nguồn gốc quản lý chất lượng và chịu trách nhiệm đến tay người tiêu dùng.
Trong 7 tháng đầu năm nay, thị trường lớn thứ hai của xuất khẩu cá tra là Mỹ đạt 388,322 triệu USD, tăng 92,3% so với cùng kỳ, và là thị trường đang có giá xuất khẩu tốt nên cạnh tranh ở đây cũng rất khốc liệt. Và theo Chủ tịch HĐQT của GODACO, Mỹ là thị trường lớn thứ hai của xuất khẩu cá tra nhưng là thị trường lớn nhất của xuất khẩu thủy sản Việt Nam nên mức độ cạnh tranh ở đây rất khốc liệt.
Điều này cũng đúng, vì thị trường nào mua nhiều thì có nhiều người tìm đến bán, khi có nhiều người bán thì sự cạnh tranh sẽ càng dữ dội hơn. Trước thực tế đó, buộc mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược riêng để tiếp cận thị trường.
“Để có thể tiếp cận thị trường Mỹ một cách tốt nhất doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm, chọn những sản phẩm có độ cạnh tranh ít hơn và đi vào những sản phẩm riêng lẻ, có giá trị gia tăng cao để tiếp cận thị trường Mỹ”, CEO của GODACO nói.
Khối CPTPP sẽ giữ được đà tăng trưởng tốt cho đến cuối năm
Tuy chỉ đứng thứ ba trong top 3 thị trường xuất khẩu cá tra, nhưng nhóm thị trường các nước CPTPP vẫn có sức hút lớn và có nhiều dư địa cho doanh nghiệp cá tra.
Trong 7 tháng đầu năm nay, khối thị trường này tiêu thụ hơn 13% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị 211,4 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tháng 7/2022, xuất khẩu cá tra sang các nước thuộc CPTPP vẫn giữ được mức tăng trưởng 3 con số 123% đạt trên 31 triệu USD.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, các thị trường trong khối CPTPP đều tăng mạnh nhập khẩu cá tra. Trong đó, Mexico là thị trường đứng đầu khối đạt gần 73 triệu USD, tăng 70,9% so với cùng kỳ, nhưng Canada mới là thị trường xuất khẩu có tăng trưởng đột phá nhất, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra sang Canada chiếm tỷ trọng 2,5% với trên 40 triệu USD trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, 92% sản phẩm cá tra xuất khẩu sang thị trường này là cá phile/cắt khúc đông lạnh, sản phẩm cá nguyên con đông lạnh chỉ chiếm hơn 6%, còn lại là cá tra chế biến.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang các thị trường Australia, Singapore, Malaysia và Chile đều tăng trưởng 3 con số trong tháng 7, với tỷ lệ tăng từ 108 – 166% so với cùng kỳ. Trong tháng 7, Nhật Bản cũng tăng 66% nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Những thị trường trên đều chiếm từ 1,3 – 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Nhìn chung trong các thị trường thuộc khối CPTPP, cá tra xuất khẩu sang Canada vẫn có giá trung bình cao nhất. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất khẩu sang Canada trong tháng 7 đạt 3,34 USD/kg, giảm nhẹ so với mức trung bình 3,66 USD/kg trong tháng 6.
Dù Mexico đứng đầu khối về nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng giá trung bình xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm nay chỉ đạt 2,8 USD/kg. Australia cũng là thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp cá tra Việt Nam với giá trung bình nhập khẩu tương đối cao, đạt 3,26 USD/kg trong 6 tháng đầu năm và 3,3 USD/kg trong tháng 7/2022.
Trong khi giá trung bình xuất khẩu sang một số thị trường có xu hướng chững lại trong tháng 7 thì giá xuất khẩu cá tra sang Singapore lại tăng lên 3,05 USD/kg, sau khi đạt trung bình 2,39 USD/kg trong 6 tháng đầu năm.
Theo bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, trong khi xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sang nhiều thị trường gặp bất ổn vì biến động tiền tệ và cước vận tải quá cao, thì CPTPP lại ít bị tác động bởi những thách thức trên.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu 0% theo hiệp định CPTPP và sự lựa chọn của người tiêu dùng chuyển sang loài cá có giá vừa phải như cá tra, là những yếu tố giúp xuất khẩu cá tra sang các nước CPTPP giữ được tăng trưởng đầy lạc quan từ đầu năm đến nay, và vẫn có thể giữ đà tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm. Do vậy, khối thị trường CPTPP còn dư địa rộng lớn cho cá tra Việt Nam.