Thông điệp cứng rắn với sở hữu chéo ngân hàng, cho vay “sân sau”
Cụ thể, dự thảo nghị quyết yêu cầu hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Dự thảo nêu hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cùng đó, triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau”.
Kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong các cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, lành mạnh, chất lượng các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quá trình xin ý kiến dự thảo, có đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “triệt để” trong nội dung “khắc phục triệt để, hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau””.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” là những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an toàn, an ninh tài chính cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra nhiệm vụ trong tâm tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với yêu cầu “chấm dứt tình trạng “sở hữu chéo””, do vậy, xin giữ như dự thảo Nghị quyết.
Quá trình góp ý, một số ý kiến đề nghị nhấn mạnh rõ việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện quá chậm, đề nghị đưa ra các giải pháp, thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm 2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Dự thảo Nghị quyết đã nêu rõ: “Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh việc giải ngân các chính sách của Chương trình... Trong quá trình thực hiện, rà soát nội dung trong Chương trình không còn phù hợp với tình hình thực tế, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh phù hợp”, là đủ cơ sở để Chính phủ triển khai thực hiện các chính sách được nêu trong Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó có việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “dứt điểm” trong nội dung “Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, hóa chất”.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có nhiều nguyên nhân; một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành và địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm..., đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh.
Vì vậy, việc giải quyết “ngay lập tức”, “dứt điểm” cần được nhấn mạnh và quan tâm thực hiện, do vậy, xin cho giữ như dự thảo Nghị quyết.