Ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình? |
Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 là một chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước tới đời sống người lao động và các đối tượng thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hành trình hiện thực hóa mục tiêu này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trước bối cảnh mới, với những động thái quyết liệt từ Quốc hội và Chính phủ, cùng những kiến nghị tâm huyết từ các chuyên gia, tổ chức, hy vọng về một “cú hích” cho nhà ở xã hội đang dần rõ nét hơn.
4 rào cản
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) và các chuyên gia của VARS, mặc dù đã có những kết quả bứt phá gần đây, tuy nhiên việc triển khai phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng tại Hội thảo “Đầu tư phát triển nhà ở xã hội: Bối cảnh mới, cơ hội mới” tổ chức ngày 27/5/2025, sau hơn ba năm triển khai Đề án, mới có 657 dự án được triển khai và số căn hoàn thành chỉ đạt 15,6% mục tiêu đến năm 2025.
![]() |
Những trăn trở về nhà ở xã hội không phải là vấn đề mới, nhưng quyết tâm và hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn đang mang lại nhiều hy vọng cho người dân. |
Những rào cản chính đã được VARS và các chuyên gia chỉ ra.
Thứ nhất, Quỹ đất hạn hẹp. Nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất hợp lý cho phát triển nhà ở xã hội. Thậm chí, một số nơi đã bố trí quỹ đất nhưng thiếu cơ sở hạ tầng, không phù hợp để triển khai dự án.
Việc chủ đầu tư phải tự tìm quỹ đất, tự giải phóng mặt bằng đẩy giá thành lên cao. Cơ chế thu hút quỹ đất tư nhân và việc triển khai quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại cũng chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể dẫn đến tình trạng quỹ đất này bị bỏ ngỏ.
Tại Hội thảo ngày 27/5, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng lưu ý việc nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Thứ hai, thủ tục đầu tư phức tạp. Theo đánh giá của VARS, các thủ tục chấp thuận chủ đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội không khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn. Bên cạnh đó, do lợi nhuận thấp đã khiến cho chủ đầu tư không “mặn mà” tham gia phát triển.
Tại Hội thảo ngày 27/5, bà Tống Thị Hạnh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đánh giá, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn khi đầu tư nhà ở xã hội so với nhà thương mại, thủ tục đầu tư kéo dài và chính sách ưu đãi khó tiếp cận.
Thứ ba, nguồn vốn và cơ chế tín dụng chưa phù hợp. Việc phát triển nhà ở xã hội chủ yếu dựa vào vốn tự có của doanh nghiệp và vay tín dụng. VARS cho rằng, lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn cao, thời hạn ngắn, không phù hợp với cả nhà đầu tư cũng như người mua nhà thu nhập thấp. Đồng thời, chưa có nguồn vốn trung và dài hạn ổn định từ ngân sách hay các quỹ chuyên biệt.
Thứ tư, vướng mắc về đối tượng và điều kiện thụ hưởng. Luật Nhà ở 2023 có nhiều điểm tích cực, nhưng theo VARS vẫn thiếu hướng dẫn chi tiết trong việc xác nhận đối tượng đủ điều kiện, nhiều người lao động không thể tiếp cận nhà ở xã hội tại nơi làm việc do vướng mắc hộ khẩu.
Yêu cầu về vốn tự có tối thiểu khi vay mua nhà 20% là thách thức không nhỏ đối với người thu nhập thấp. Tình trạng thiếu nghiêm trọng sản phẩm nhà ở xã hội cho thuê và chưa có chính sách riêng cho nhóm lao động thời vụ cũng là những bất cập lớn.
Tạo “luồng gió mới”
Trước những bất cập kéo dài, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tháo gỡ các rào cản, tạo “luồng gió mới” cho phát triển nhà ở xã hội. Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 27/5/2025 đã thảo luận và thống nhất nhiều định hướng chính sách quan trọng, hứa hẹn tạo đột phá.
![]() |
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. |
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã trình bày các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Đáng chú ý, dự thảo cho phép chủ đầu tư tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng vào chi phí đầu tư dự án.
Về xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội, sẽ chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, chủ đầu tư tự xây dựng, phê duyệt giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội," sau đó kiểm toán và gửi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh kiểm tra. Chính phủ cũng tiếp thu, chỉnh lý về việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, xác định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, gồm Quỹ trung ương và địa phương.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cần đơn giản hóa thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa để thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở xã hội nhanh chóng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ giải pháp kiểm soát đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội, đặc biệt quan tâm đến chất lượng công trình và công tác phòng cháy chữa cháy và “những gì ách tắc hiện nay là cần tháo gỡ ngay trong Nghị quyết này”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thông báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết đã chỉnh lý.
Đồng thời, yêu cầu Chính phủ tăng cường trách nhiệm trong việc quy định việc phòng ngừa sơ hở, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút gọn thời gian xử lý, để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, đảm bảo chất lượng nhà ở xã hội và phòng ngừa tiêu cực.
Có thể thấy, các giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ Quốc hội, Chính phủ nhằm đơn giản hóa thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù và định hướng thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia đang thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ.
Việc triển khai hiệu quả các chính sách này, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng sự vào cuộc trách nhiệm của các cấp và giám sát chặt chẽ, sẽ là then chốt để tháo gỡ nút thắt, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo an sinh cho người dân.