Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC), huyện Bình Chánh, TP.HCM (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
“Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” là chủ đề và đặt ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện chủ đề năm 2023.
Đó là nội dung báo cáo của UBND TP. HCM tại Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân TP. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra ngày 7/12.
Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, dự báo năm 2023, thành phố sẽ có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, khó dự đoán.
TP. HCM đặt mục tiêu giữ vững ổn định, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế; ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và tăng trưởng, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư. Tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, hấp thụ nhanh và huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng, giao thông, đô thị. Tạo bước chuyển biến mang tính đột phá về chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức gắn với khai thác tiềm lực khoa học, công nghệ.
UBND TP. HCM cũng đưa ra 17 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế-xã hộ năm 2023, gồm 7 chỉ tiêu về kinh tế, 3 chỉ tiêu về xã hội, 2 chỉ tiêu về đô thị, 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính và 4 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội; trong đó, về chỉ tiêu kinh tế phấn đầu mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) từ 7,5-8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhân sách nhà nướ; đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ 90% trở lên; phấn đấu tổng thu du lịch đạt 120 nghìn tỷ đồng, khách quốc tế đạt 4,5-5 triệu lượt.
Nhằm thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2023, UBND TP. HCM xác định sẽ tập trung chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế-xã hội; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao; tập trung phát triển thị trường.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá; phối hợp nghiên cứu chủ động đề xuất cơ chế, chính sách phát triển và cơ chế thực hiện thí điểm những vấn đề mới phát triển TP. HCM.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, hiệu quả hoạt động công vụ và đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại; xây dựng thành phố thông minh.
Cũng theo bà Phan Thị Thắng, năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế-xã hội TP. HCM đã có nhiều kết quả tích cực; trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,03% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6-6,5%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 16,44% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP. HCM ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu du lịch ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với năm trước, lượng khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Thu ngân sách có sự tăng trưởng tích cực, ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán được giao và tăng 17,05% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của UBND TP. HCM, trong năm 2022, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội TP. HCM giai đoạn 2022-2025 tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá.
Các dự án công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư. Cùng đó, việc chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục được xác định là trọng điểm và được thực hiện quyết liệt, chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách dành cho thành phố tiếp tục được thực hiện rộng rãi và tạo động lực để TP. HCM phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là Nghị quyết 54 của Quốc hội, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị trên thành phố và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và TP. Thủ Đức.