Trước "sự kiện Ấn Độ", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói về chuyến thăm của Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan đến Việt Nam
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo ngày 22/9 |
Ngày 16/9/2022, báo Nikkei Asia đưa tin rằng Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới, sẽ có các cuộc đối thoại nhằm bàn đến việc tăng giá gạo xuất khẩu.
Cũng theo nguồn tin của Nikkei, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chalermchai Sri-on sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 6 và 7/10/2022 để có các cuộc đối thoại với Bộ trưởng Nông nghiệp Việt Nam Lê Minh Hoan, bàn đến vấn đề hợp tác giữa hai nước trong vấn đề giá gạo xuất khẩu.
Nikkei đưa tin Việt Nam và Thái Lan có thể nâng giá gạo ước tính khoảng 20%, vì vậy sẽ đẩy giá thực phẩm tăng cao hơn và làm gia tăng thêm áp lực lạm phát trong bối cảnh thế giới đang đương đầu với nhiều thách thức địa chính trị.
Trong buổi họp báo Bộ Ngoại giao ngày hôm nay (22/9), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có trả lời báo chí về thông tin mà Nikkei đưa ra.
Nói về chuyến thăm chính thức mà Nikkei đề cập đến, bà Hằng nhấn mạnh: “Hiện nay chúng tôi chưa có thông tin về chuyến thăm”.
“Chúng tôi luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Thái Lan, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng nông sản và đổi mới khoa học công nghệ, mang lại lợi ích cho nông dân của cả hai nước cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.
Việt Nam có trách nhiệm trong vấn đề toàn cầu, trong đó có vấn đề an ninh lương thực”, bà Hằng nhấn mạnh.
Cũng theo người phát ngôn, trong bối cảnh hiện nay, từ đầu năm 2022, Việt Nam vẫn tiếp tục đẩy mạnh khối lượng xuất khẩu lương thực. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 4,19 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ của năm 2021.
Với vấn đề giá lúa gạo, với vai trò là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng quy luật thị trường cũng như tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.
Thị trường gạo thế giới gần đây đã trải qua khá nhiều diễn biến tiềm ẩn rủi ro đẩy cao giá gạo toàn cầu. Theo Wall Street Journal đưa tin ngày 10/9/2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo vỡ và đánh thuế cao hơn với nhiều loại hàng hóa xuất khẩu khác trong động thái tiềm ẩn khả năng sẽ gây ra nhiều áp lực hơn nữa lên lạm phát toàn cầu và làm căng thẳng thêm những yếu tố gây gián đoạn nguồn cung thực phẩm do căng thẳng Nga - Ukraine. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức.
Ngoài ra, chính quyền New Delhi đã áp quy định thuế xuất khẩu 20% đối với gạo trắng và gạo nâu xuất khẩu, 2 loại gạo chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Gạo đồ và gạo basmati không thuộc diện bị áp thuế xuất khẩu cao hơn.
Kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine thực sự leo thang, nhiều nước trên thế giới hiện đang phụ thuộc vào Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, để có thể tăng được nguồn cung thực phẩm. Ấn Độ là nước cung cấp các sản phẩm gạo và lúa mì quan trọng của thế giới. Liên hợp quốc (UN) đã cảnh báo rằng thế giới đương đầu với khả năng thiếu thực phẩm. Ấn Độ hiện đang chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch giao dịch thương mại gạo toàn cầu, theo một số dữ liệu chuyên ngành gần đây.