2 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ 1/1/2025 người lao động cần biết
Hơn một năm xảy ra 3 vụ tai nạn lao động tại Công ty Sumitomo Heavy Industries Việt Nam |
Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Người lao động thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 143/2024/NĐ-CP là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.
Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
- Không thuộc các trường hợp không được hưởng các chế độ tai nạn lao động quy định dưới đây.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ, người lao động không được hưởng các chế độ tai nạn lao động nếu tai nạn xảy ra do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân hoặc sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần. Ảnh minh họa |
2 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định 2 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện gồm:
Giám định mức suy giảm khả năng lao động
Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định: Người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định;
- Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;
- Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả phí giám định đối với người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Thời điểm chi trả phí giám định đối với các trường hợp đủ điều kiện được thực hiện cùng với thời điểm trả trợ cấp tai nạn lao động.
Trợ cấp tai nạn lao động một lần
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần như sau:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là tháng lương tối thiểu vùng IV), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;
Ngoài mức trợ cấp nêu trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV;
Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Ngoài ra, thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng IV, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;
- Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Thời điểm hưởng trợ cấp đối với trường hợp này được tính tại tháng người lao động bị chết
Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam trao hỗ trợ cho các nạn nhân vụ tai nạn lao động ở Yên Bái Ngày 23/4, đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đến thăm hỏi, động viên ... |
Yêu cầu kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách cho người bị nạn và thân nhân UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách ... |
Xảy ra 3 vụ tai nạn lao động ở doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam trong hơn 1 năm Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành kết luận thanh tra số 19/KL-CATLĐ ngày 16/05/2024 việc chấp hành các quy định pháp ... |