Vướng mắc nhất của các hợp tác xã là không không lập được phương án kinh doanh
Diễn đàn“Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã” |
Nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về tín dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) tổ chức diễn đàn“Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hợp tác xã”.
Ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nên cần bảo toàn vốn và kinh doanh có lãi, vì vậy, yêu cầu bên vay phải thế chấp tài sản cố định có giá trị, các hồ sơ vay vốn đảm bảo tính khả thi cao, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), các hợp tác xã thiếu tài sản thế chấp, không có phương án kinh doanh tốt, chưa minh bạch tài chính, chưa đủ độ tin cậy.
Cần đẩy mạnh hoạt động của các quỹ tín dụng để tăng tiếp cận vốn cho DNVVN và hợp tác xã
Nguyễn Tuấn Anh - Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN luôn xác định các DNVVN, hợp tác xã là một trong những đối tượng được ưu tiên, và một trong những khó khăn liên quan đến tín dụng hiện nay đầu tiên là tín dụng nội bộ của hợp tác xã, và khi Luật năm 2012 ra đời thì NHNN không được giao nhiệm vụ này nữa.
Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và dư nợ cho vay ở lĩnh vực này cũng đã phát triển đến 25% dư nợ của toàn nền kinh tế với hơn 14 triệu khách hàng. Cho vay không có tài sản bảo đảm hiện đang chiếm đến 22,3% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp.
Nghị định 55 và 156 cũng đề cập đến và khuyến khích cho vay sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, và cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 78% giá trị của phương án, dự án.
“Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của các hợp tác xã hiện nay là không hiểu rõ vấn đề tài chính như không lập được phương án kinh doanh, kế hoạch tài chính của đơn vị nên không thể hoàn thành hồ sơ tiếp cận vốn. Đề nghị các bộ, ngành địa phương có những lớp đào tạo cho hợp tác xã về tài chính kế toán và xây dựng phương án kế hoạch kinh doanh phù hợp.
Qua chia sẻ của các đại biểu chúng ta cần phải nhận diện ngoài nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại, còn một nguồn vốn rất quan trọng từ nhà nước thông qua các quỹ tín dụng. Tôi mong muốn các bộ, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh hoạt động của các quỹ tín dụng để tăng tiếp cận vốn cho DNVVN và hợp tác xã”, Vụ Chính sách NHNN nói.
18.795 HTX nông nghiệp nhưng số lượng giải ngân chỉ mới dừng ở mức là 2,18%
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, trong những năm qua tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân 12,17%. Trong đó, tín dụng cho xuất khẩu nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, rau quả, cà phê chiếm 40% tổng dư nợ toàn ngành. Cho vay nông nghiệp tập trung phục vụ sản xuất khoảng 60%, thu mua tiêu thụ khoảng 27%, chế biến khoảng 13%.
Theo chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà chỉ mới tập trung vào khâu giá trị gia tăng là chưa phù hợp, vì vậy cần phải thay đổi cơ cấu để đáp ứng trực diện hơn vào những khu vực trọng yếu tạo ra giá trị.
Hiện nay nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình chiếm khoảng 64,6%, doanh nghiệp chiếm 34% và nhóm chủ trang trại, hợp tác xã khoảng 0,7% là rất khiêm tốn.
Với hơn 18.795 hợp tác xã nông nghiệp và nhu cầu vốn của họ là có thật, bởi hợp tác xã là nhân tố vô cùng thiết yếu và quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng với cách tiếp cận vốn vay ưu đãi cho hợp tác xã thì số lượng giải ngân chỉ mới dừng ở mức là 2,18% là quá thấp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp có khoảng 14.000 DNVVN, chiếm khoảng 2/3 và khả năng hấp thụ, khả năng tiếp cận quy mô vốn bình quân khoảng 10 đến 15 tỷ/ doanh nghiệp. Tỷ lệ này rất mỏng so với nhu cầu của nền kinh tế và cũng như với doanh nghiệp và các hợp tác xã.
Cần thay đổi “khẩu vị” tín dụng nông nghiệp của các ngân hàng thương mại
Trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp có những vấn đề cần tập trung giải quyết.
Một là phương pháp đánh giá và định giá tài sản của hợp tác xã. Đây là vấn đề lớn và trực diện vì liên quan đến “khẩu vị” tín dụng của các tổ chức tín dụng. Bởi theo các giám đốc hợp tác xã, khó khăn lớn nhất là việc xác lập sở hữu tài sản như thế nào để ra được phương án cho vay.
Hai là tín dụng nội bộ, tháng 10/2022 các bộ, ngành liên quan sẽ trình Quốc hội sửa Luật hợp tác xã, trong thời gian này, để giải quyết những vướng mắc trên, nên chăng có những văn bản hướng dẫn cụ thể, bởi đặc thù tín dụng nội bộ là cho vay theo mùa vụ và các hợp tác xã rất cần.
Ba là, để giải ngân được hiệu quả cần triển khai mạnh mẽ và hiệu quả Nghị định 45, và phát huy vai trò của Liên minh hợp tác xã cơ sở kể cả vai trò của các Sở NN-PTNT.
Tư là, nâng cao năng lực quản trị về tài chính, về vốn của các hợp tác xã. Vì vậy cần phải đào tạo năng lực quản lý tài chính cho các giám đốc, bởi họ là một chủ doanh nghiệp cần có đầy đủ năng lực về tài chính, kiến thức điều hành.
Đối với DNVVN có 5 vấn đề như sau: Một là cần xem lại phương án kinh doanh của DNVVN. Hai là cần thay đổi khẩu vị tín dụng của các ngân hàng thương mại. Ba là cần xem xét hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản như một tài sản bảo lãnh.
“Các tổ chức tín dụng cần nhìn nhận nông nghiệp là lĩnh vực nhiều dư địa phát triển, vì có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp đã mang lại giá trị không chỉ kinh tế, còn là giá trị xã hội cho chính địa phương họ sinh sống và trong lĩnh vực hoạt động của họ. Hãy nhìn nông nghiệp không phải lĩnh vực là quá nhiều rủi ro, và nên chăng tiếp cận vấn đề này cụ thể và bao trùm hơn.
Ngoài ra, khi tham gia vào chuỗi liên kết không dừng ở sản xuất, và có rất nhiều DNVVN không thể thế chấp bằng sổ đỏ, nhà cửa, ... Vì vậy, đề nghị NHNN tham mưu cho Vụ tín dụng và các ngân hàng thương mại xem xét thay đổi “khẩu vị” tín dụng cho phù hợp, và có chính sách cho vay đối với DNVVN”, ông Toản khuyến nghị.