Ngày 9/8, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức buổi họp báo công bố báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam với tiêu đề “Điểm lại: Giáo dục để tăng trưởng, cập nhật triển vọng kinh tế” được công bố sáu tháng một lần. Các chuyên gia kinh tế của WB đã đưa ra nhiều quan điểm về thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong giáo dục, đào tạo nghề phục vụ cho phát triển kinh tế tuy nhiên cùng lúc cũng chỉ ra nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải cải thiện để có thể nâng chất lượng của lực lượng lao động nhằm hướng đến trở thành nước thu nhập vào năm 2045.
Ông Michael Drabbe, chuyên gia về giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh già hóa dân số ngày một tệ hại hơn trong 2 thập kỷ tới và phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần tăng cường đào tạo lực lượng lao động. Tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có trình độ giáo dục sau phổ thông chỉ đạt 11%, con số dự báo này chỉ tăng thêm chút và đạt 15% vào năm 2050. Chính vì vậy, vấn đề lớn nhất đối với Việt Nam lúc này là làm sao để cải thiện được lực lượng lao động, chuyên gia WB nhấn mạnh.
Xét về đào tạo sau phổ thông, Việt Nam cũng đã có những thành tựu. Số năm học tập bình quân của người Việt Nam đạt 10,2 năm chỉ đứng thứ 2 tại Đông Nam Á sau Singapore. Chỉ số vốn con người đạt 0,69/1, thuộc nhóm cao nhất trong nhóm các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Thế nhưng nhìn vào hệ thống giáo dục sau trung học, tỷ lệ nhập học bậc giáo dục sau trung học của Việt Nam chỉ đạt 28,6%, thấp hơn khá nhiều so với quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan.
Từ năm 2000-2010, tỷ lệ nhập học tăng rất nhanh. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, tỷ lệ này chậm lại. Để hiện thực hóa được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần đến 3,8 triệu học sinh nhập học sau đại học trong vài năm tới.
Việt Nam vượt trội về tỷ lệ vốn nhân lực, tuy nhiên xét về tỷ lệ nhập học chỉ ở mức thấp so với Trung Quốc. Một yếu tố gây ra thực trạng trên chính là thu nhập người dân, dù cải thiện trong những năm gần đây nhưng chưa đủ để đẩy tăng mạnh tỷ lệ nhập học. Ngoài ra, thanh niên thuộc nhóm các dân tộc thiểu số có tỷ lệ nhập học thấp hơn nhiều so với thanh niên thuộc nhóm đa số.
Vậy tại sao lại có thực trạng này? Chuyên gia WB lý giải nguyên nhân nằm ở chi phí cơ hội của việc theo học các bậc học giáo dục cao, nhiều hộ gia đình nghèo thường muốn con cái tìm việc đi làm nhiều hơn là theo học các bậc sau trung học. Trong năm từ 2010 đến 2020, chi phí theo học các bậc học sau trung học đã tăng đến gấp đôi. Chi phí đi lại và ăn ở tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm qua. Xét từ góc độ toàn cầu, đầu tư vào giáo dục nói chung ngày một giảm sút.
Từ phía cung cũng có những nguyên nhân nhất định bắt nguồn từ cơ cấu kỹ năng trong việc làm tại Việt Nam. Những công việc có kỹ năng cao tại Việt Nam chủ yếu tập trung trong ngành dịch vụ. Vì vậy Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh cao lắm trong thu hút nhân lực trình độ cao. Khảo sát của WB cho thấy 73% doanh nghiệp khó tuyển lao động trình độ lãnh đạo và quản lý, 54% gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng cảm xúc – xã hội và 68% gặp khó trong tuyển dụng lao động chuyên môn kỹ thuật theo vị trí làm việc cụ thể.
Việt Nam có tỷ lệ phân bổ ngân sách cao cho giáo dục nói chung, nhưng giáo dục sau trung học lại nhận được tỷ lệ thấp dù đã tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Hậu quả, rất khó để cung cấp dịch vụ giáo dục trình độ cao, thế hiện qua việc rất ít trường đại học tại Việt Nam có xếp hạng cao ví như trong Times Higher Education.
Số lượng bằng sáng chế/người dân của Việt Nam rất thấp, tính trên 1 triệu dân mới chỉ có 2 bằng sáng chế trong khi đó con số này tại Trung Quốc là 344, Nhật là 221, Hàn Quốc là 291, số liệu mà chuyên gia WB cung cấp cho hay.
Ông Drabbe đưa ra khuyến nghị chính sách dành cho Việt Nam: thứ nhất, cần cải thiện việc tuyển sinh, đặt ra mục tiêu tuyển sinh phù hợp cho lộ trình 5,10 năm; thứ hai, cần tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo sau trung học, để làm được điều này, các trường đại học của Việt Nam cần tăng cường hoạt động thực tập cho sinh viên; cần tăng cường phân bổ ngân sách cho giáo dục, tuy nhiên không nên chỉ trông vào ngân sách mà cần giúp cho giáo dục tư thục phát triển; cuối cùng cần tạo ra hệ thống chuẩn cho các trường đại học.
Vấn đề lớn nhất với hệ thống giáo dục sau trung học hiện nay chính là sự thiếu tập trung và thống nhất và cần phải nhanh chóng cải thiện vấn đề này, chuyên gia WB nhấn mạnh.