Xuất khẩu gạo đóng vai trò chủ đạo trong thương mại song phương Việt Nam – Philippines
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường truyền thống vào thập niên trước luôn chiếm khối lượng lớn, nhưng khi chính phủ các nước này chủ trương tăng sản xuất nội địa đảm bảo an ninh lương thực, thì xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia sụt giảm, nhưng riêng thị trường Philippines lại tăng trưởng mạnh mẽ.
Lượng xuất khẩu gạo tại các thị trường truyền thông biến động mạnh
Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 56.851 tấn, trị giá 27,620 triệu USD, tăng 4,91% về lượng và 4,09% về kim ngạch, chiếm 0,93%/ tổng lượng xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu gạo sang Malaysia đạt 396.263 tấn, trị giá hơn 179,888 triệu USD, tăng 57,21% về lượng và tăng 44,03% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6,51%/tổng lượng xuất khẩu cả nước.
Riêng thị trường Philippines đạt cao nhất với 2,739 triệu tấn gạo, với hơn 1,266 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 45,02%/tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước, tăng 30,84% về khối lượng và tăng 18,39% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi 10 năm trước (năm 2011), xuất khẩu gạo sang Indonesia đạt 1,883 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, trong thời gian này xuất khẩu gạo sang Malaysia đạt mức cao 530.433 tấn, trị giá 292,092 triệu USD, Philippines đạt 975.144 tấn, trị giá 476,32 triệu USD.
Đến năm 2021, xuất khẩu gạo sang Indonesia giảm còn 67.194 tấn, trị giá 32,95 triệu USD, giảm 96,43% về lượng và giảm 96,76% về kim ngạch so với năm 2011. Trong thời gian này, xuất khẩu gạo sang Malaysia đạt 286.308 tấn, trị giá 141,86 triệu USD, giảm 46,02% về lượng và giảm 51,43% về kim ngạch so với năm 10 năm trước. Hiện nay Malaysia đã cho tư nhân nhập khẩu gạo nhưng Cơ quan thu mua Lương thực Malaysia (Bernas) vẫn giữ quyền nhập khẩu gạo.
Năm 2021, xuất khẩu gạo sang Philippines tăng trưởng đáng kể, đạt 2,455 triệu tấn, trị giá 1,251 tỷ USD, tăng gấp 2,51 lần về lượng và tăng 2,62 lần về kim ngạch so với năm 2011. Sau 10 năm, xuất khẩu sang Indonesia và Malaysia giảm mạnh nhưng Philippines làm tăng gấp 2,5 lần.
Ông Trương Thanh Phong - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết từ năm 2008 - 2012 là giai đoạn xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ vào các thị trường tập trung nhờ 3 lợi thế: Một là điều kiện giao nhận gần; hai là cái chất lượng gạo người dân ở các nước này đã quen với chất lượng gạo luôn tươi mới của Việt Nam; ba là lợi thế về Hiệp định Thương mại tự do nội khối.
Đặc biệt vào năm 2012 là năm xuất khẩu gạo đạt kỷ lục với 7,72 triệu tấn, trong đó 3 thị trường truyền thống đạt 2,807 tấn, chiếm 36,36%/tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Cụ thể: Xuất khẩu sang Indonesia đạt 929.905 tấn, Malaysia đạt 764.692 tấn và Philippines đạt đạt 1,112 triệu tấn.
Nhiều năm qua, Chính phủ Philippines đã cho phép tư nhân nhập khẩu gạo nên không phụ thuộc vào hợp đồng chính phủ, hiện nước này vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do gạo Việt Nam đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và đây cũng là thị trường truyền thống.
Trước đây xuất khẩu gạo phụ thuộc vào các thị trường tập trung và các hợp đồng chính phủ, giờ đây chính sách nhập khẩu của các nước có xu hướng mở và đa dạng hóa thị trường. Do không thể dựa dẫm vào các hợp đồng tập trung buộc doanh nghiệp phải nhạy bén nắm bắt tình hình, thay đổi phương thức mua bán và quan hệ thị trường.
“Doanh nghiệp muốn chinh phục thị trường phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu, kế đến là uy tín của doanh nghiệp và sau đó mới đến giá cả. Mỗi thời kỳ thị trường sẽ khác đi, để thích nghi đòi hỏi người sản xuất và doanh nghiệp phải có sự thay đổi. Trước đây chúng ta có cái gì thì bán cái đấy, còn bây giờ phải bán theo đòi hỏi của thị trường.
Trong khi gạo thơm của Thái Lan cũng chỉ có một vài loại như gạo thơm Hom Mali, còn gạo thơm của Việt Nam có đến mười mấy loại nên phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, gạo thơm của Việt Nam không thua gì gạo thơm của Thái Lan nhưng nhờ sự đa dạng và có giá cả cạnh tranh nên người mua có nhiều sự lựa chọn, giúp gạo Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường xuất khẩu” nguyên Chủ tịch VFA nói.
Gạo thơm của Việt Nam ngày càng đa dạng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng |
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, một doanh nghiệp lão làng trong ngành gạo thì từ năm 2008 - 2012 là giai đoạn Việt Nam xuất khẩu gạo rất tốt vào ba thị trường truyền thống của Việt Nam là Philippines, Indonesia và Malaysia, có năm giá gạo xuất khẩu lên gần 1.000 USD/tấn.
Nhưng thời gian sau Indonesia và Malaysia giảm nhập khẩu gạo do họ chủ trương tự túc lương thực, và 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Indonesia chỉ đạt 56.851 tấn, tuy nhiên có thông tin “Xứ sở nghìn đảo” đang chuẩn bị nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo cho dự trữ năm 2023.
Bên cạnh, Chính phủ Indonesia vẫn muốn chủ động đảm bảo an ninh lương thực nên Cơ quan Hậu cần Quốc gia (Bulog) vẫn nắm quyền nhập khẩu gạo theo hợp đồng chính phủ.
Thương mại song phương Việt Nam – Philippines tăng trưởng tốt nhờ mặt hàng gạo
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 5,307 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu vào Philippines đạt 3,729 tỷ USD, riêng mặt hàng gạo đạt 2,132 triệu tấn, trị giá 884,947 triệu USD.
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,303 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 3,549 tỷ USD, mặt hàng gạo đạt 2,218 triệu tấn, trị giá hơn 1,056 tỷ USD, so với năm 2019 tăng 4,07% về lượng và tăng 19,36% về trị giá do giá gạo xuất khẩu tăng.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt 6,978 tỷ USD, cao nhất so với nhiều năm về trước. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt 4,573 tỷ USD, riêng mặt hàng gạo đạt 2,455 triệu tấn, trị giá 1,251 tỷ USD, tăng 10,65% về lượng và tăng 18,45% về kim ngạch so với năm 2020.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 6,646 tỷ USD, bình quân đạt trên 600 triệu USD/tháng, riêng xuất khẩu gạo đạt 2,739 triệu tấn, trị giá hơn 1,266 tỷ USD, tăng 30,84% về khối lượng và tăng 18,39% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Còn 3 tháng nữa mới hết năm 2022, có khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt 8,5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng thương mại như hiện nay rất có thể thương mại song phương hai nước sẽ đạt mốc 10 tỷ USD trước năm 2026.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos và ông cám ơn Việt Nam đã luôn là nguồn cung cấp gạo ổn định, giúp Philippines đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.
Năm 2026, Việt Nam và Philippines kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai nước đã xác định đưa thương mại song phương đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng. Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt thương mại về nông sản, đảm bảo cung cấp gạo với số lượng lớn, ổn định, với giá cả hợp lý, sẵn sàng nhập khẩu các sản phẩm Philippines có thế mạnh để cân bằng cán cân thương mại trong bối cảnh Philippines đang nhập siêu từ Việt Nam.