Yếu tố nào giúp doanh nghiệp ngành bán lẻ lãi lớn trong quý 2?
Theo báo cáo công bố mới đây của công ty chứng khoán VnDirect, dựa trên các báo cáo kết quả kinh doanh công bố cho đến ngày 29/07/2022, 778 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 45,1% tổng số cổ phiếu và 55,9% tổng vốn hóa toàn thị trường. Đến thời điểm hiện tại, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty đã công bố kết quả tăng lần lượt 16,9% và 9,4% so với cùng kỳ trong Q2/2022.
Ngành bán lẻ đứng thứ 7 về mức tăng trưởng lợi nhuận quý so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng doanh thu ngành ghi nhận đạt 50% và lợi nhuận 63%.
Bối cảnh ngành bán lẻ năm 2022 có nhiều thuận lợi hơn so với năm trước khi tình hình dịch COVID-19 ổn định, kinh tế phục hồi trên diện rộng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và các nghiên cứu của Fitch, chi tiêu thực tế của hộ gia đình được dự báo sẽ tăng 5,7% so cùng kỳ năm ngoái.
Khi nền kinh tế phục hồi trên diện rộng, tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong năm 2022 sẽ cao hơn. Chi tiêu thực tế của hộ gia đình trong năm nay dự báo ở mức khoảng 121,3 tỷ USD, cao hơn 8,3% so với mức 112,1 tỷ USD năm 2019. Với diễn biến tiêu dùng như trên, các doanh nghiệp ngành bán lẻ cũng đã ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành bán lẻ phục hồi mạnh
Báo cáo kết quả kinh doanh của PNJ quý 2/2022 cho thấy doanh nghiệp này đã làm ăn rất tốt. Cụ thể trong quý 2/2022, PNJ có doanh thu thuần đạt 8.067 tỷ, tăng trưởng 81,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 367 tỷ, tăng trưởng 64,8% so với quý 2/2021.
Lý giải của PNJ cho hay có ba yếu tố dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận của PNJ cao như vậy bao gồm bối cảnh thị trường bán lẻ rất sôi động sau dịch, một số chương trình marketing được triển khai linh hoạt góp phần quan trọng cho tăng trưởng doanh thu. Và cuối cùng, mức so sánh của quý 2/2021 có nền thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong quý 2/2021, thành phố Hồ Chí Minh trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài để phòng dịch COVID-19, chính vì vậy hoạt động sản xuất kinh doanh của PNJ cũng chịu ảnh hưởng.
Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG), sự khởi sắc của tiêu dùng người dân nói chung cũng giúp mang đến tăng trưởng tốt cho doanh nghiệp. Tổng doanh thu của Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 17%. Còn riêng trong quý 2/2022, doanh số bán hàng tăng 12% so với cùng kỳ. Trong quý 2/2022, doanh thu đạt 34.337 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.131 tỷ đồng; lần lượt tăng 8% và giảm 6,6% so với quý 2/2021.
Đáng chú ý, quá trình tái cơ cấu của ĐMX đang mang lại những thay đổi tích cực cho MWG. Quá trình tái cơ cấu toàn diện bắt đầu từ tháng 4/2022 đang cho thấy tín hiệu tích cực khi mà tổng doanh thu của BHX không giảm sau khi chuỗi đã đóng 251 cửa hàng trong tháng 5 và 6. Công ty dự kiến đạt mục tiêu doanh thu bình quân 1,3 tỷ đồng/cửa hàng sớm hơn kỳ vọng, ngay trong quý 3 năm nay.
Mảng kinh doanh online của MWG cũng đang mang đến những kết quả khả quan khi mà doanh thu online lũy kế tăng trưởng đến 94% so với cùng kỳ, trong đó TGDĐ/ĐMX tăng trưởng 100% và BHX tăng 13%.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thế giới số (DWG) công bố doanh thu thuần của công ty trong quý 2/2022 tăng trưởng 16,42% còn lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu quý 2/2022 đạt hơn 4.900 tỷ đồng. Công ty kinh doanh bốn nhóm sản phẩm chính bao gồm máy tính xách tay và máy tính bảng; điện thoại di động, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng.
Cụ thể, mảng kinh doanh thiết bị văn phòng có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất đến 48% nhờ vào việc các sản phẩm IOT của các thương hiệu như Xiaomi, Huawei và Apple mang đến động lực tăng trưởng chính của doanh số. Đứng thứ hai về tăng trưởng doanh thu chính là điện thoại di động, doanh thu của mảng đạt 2.703 tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 26%. Mảng kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng của doanh nghiệp cũng phát triển tốt, mức tăng trưởng doanh thu đạt 18%.
Tiêu dùng phục hồi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được đẩy lùi cũng mang đến tăng trưởng lợi nhuận đến 64% cho Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT). Trong quý 2/2022, công ty ghi nhận 6.213 tỷ đồng doanh thu, mức tăng trưởng 43% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 46,78 tỷ, tăng trưởng 55% so với quý 2/2021.
Theo giải thích của FRT, doanh thu quý 2/2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 là bởi hiệu ứng so sánh nền thấp, quý 2/2022 là giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, hàng loạt cửa hàng tại nhiều tỉnh thành phố trên cả nước phải đóng cửa dẫn đến doanh thu thấp.
FRT cũng đang thành công với công ty con Long Châu. Long Châu ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, Long Châu đã mở thêm 410 cửa hàng mới so với thời điểm cuối quý 2/2021.
Cần thận trọng với triển vọng ngành bán lẻ trong thời gian tới
Theo báo cáo công bố ngày 15/7 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tình hình lạm phát tăng cao sẽ có thể có những tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của nhóm các doanh nghiệp bán lẻ có thể sẽ không cao như kỳ vọng trước đây.
Tăng trưởng lợi nhuận của DGW và FRT đã đạt đỉnh vào quý 4 năm 2021, trong khi PNJ có thể đạt đỉnh vào quý 3 năm 2022. Do lạm phát vẫn có thể tiếp tục gia tăng trong các quý tới, SSI khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu vẫn có thể đạt mức tăng trưởng dài hạn ổn định nhờ tăng thị phần.
SSI cho rằng tăng trưởng doanh thu 6 tháng cuối năm 2022 của mảng ICT& CE sẽ lớn hơn mức tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm, do nền cơ sở thấp trong nửa cuối năm 2021. Đối với các công ty có tỷ trọng doanh thu máy tính xách tay trong tổng doanh thu cao (như FRT và DGW), tăng trưởng doanh thu có thể ở mức thấp một con số do nền cơ sở cao trong 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh hưởng của vấn đề thiếu chip đã giảm bớt do nhu cầu tăng trưởng chậm hơn.
Đối với năm 2023, tăng trưởng doanh thu năm 2023 sẽ thấp hơn so với mức tăng trưởng trước dịch COVID, do tỷ lệ sở hữu điện thoại di động và thiết bị gia dụng lớn hiện nay cao hơn trước đây. Đối với các thiết bị gia dụng nhỏ, nhu cầu vẫn có thể tăng trưởng do mức độ thâm nhập thị trường hiện nay của các sản phẩm này còn ở mức thấp, Diễn biến ngành sẽ tiếp tục theo mô hình chữ K. Các công ty lớn sẽ giành được nhiều thị phần hơn nhờ khả năng thương lượng mạnh mẽ với các nhà cung cấp, cho phép họ giảm thiểu tác động của giá vốn tăng cao và từ đó đưa ra được nhiều chiết khấu hơn để hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh áp lực lạm phát.
Trong mảng trang sức, mặc dù môi trường lạm phát đầy thách thức có thể tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng vàng trang sức trong 6 tháng cuối năm, nhưng tăng trưởng doanh thu của các công ty vẫn sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi sau Covid, vì mức nền so sánh thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.
Với năm 2023, SSI dự báo suy giảm kinh tế trên diện rộng sẽ gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng vàng, tuy nhiên tác động và mức độ kéo dài của lạm phát tại Việt Nam sẽ là những yếu tố quyết định đến chi tiêu của người có thu nhập cao đối với hàng hóa không thiết yếu như đồ trang sức. SSI vì vậy không kỳ vọng nhu cầu của năm 2023 sẽ vượt mức trước COVID-19.
Theo SSI, lĩnh vực bán lẻ trang sức đang trong giai đoạn phục hồi theo hình chữ K trong 2 năm qua, chính vì vậy nhóm doanh nghiệp đầu ngành như PNJ ghi nhận mức doanh thu vượt xa so với mức của năm 2019. Vì vậy SSI tin rằng trong năm 2023, doanh thu của PNJ sẽ tăng trưởng so với giai đoạn trước đại dịch, mặc dù chậm lại so với mức tăng trưởng của năm 2022.