Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng dự báo, sẽ có thêm khoảng 287.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, bao gồm cả mất việc làm, giảm giờ làm, tạm ngừng việc, hoãn hợp đồng lao động…Theo đó, tình hình quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp, tranh chấp lao động có thể xảy ra nhiều hơn.
Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2023, cả nước có 10,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 99,1 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 68,6 nghìn lao động, tăng 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với tháng 12/2022.
So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2023 giảm 16,6% về số doanh nghiệp, giảm 48,5% về số vốn đăng ký và giảm 11% về số lao động.
Đặc trưng của thị trường lao động là trong quý 1, quý 2 thường có số lao động nhảy việc lớn. |
Theo khu vực kinh tế, tháng 1/2023 có 125 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 43,9% so với tháng 01/2022; 2.540 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 22,9%; 8.178 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 13,8%.
Cũng trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%. Như vậy, tính chung số lượng doanh nghiệp rời thị trường ở các nhóm này cao gấp 4 lần số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng.
Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại, theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377,7 nghìn người, con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Đặc trưng của thị trường lao động là trong quý 1, quý 2 thường có số lao động nhảy việc lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn có thể gia tăng, khoảng 350.000 – 400.000 lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ…) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin tuyên truyền…).