[BizDEAL] Doanh nghiệp tấp nập thoái vốn những ngày cuối năm
Nutifood thoái vốn tại Cà phê Phước An
CTCP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood thông báo đã bán thành công toàn bộ gần 18,27 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 77,31% vốn tại CTCP Cà phê Phước An (mã CPA).
Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2022 đến 19/1/2023, nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Tuy nhiên, chỉ ngay sau 1 ngày đăng ký giao dịch, Nutifood đã thoái thành công toàn bộ vốn tại CPA.
Thống kê phiên giao dịch ngày 28/12, lượng cổ phiếu CPA trên đã được sang tay bằng hình thức thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 232 tỷ đồng, tương ứng giá giao dịch bình quân gần 12.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn 13,4% so với giá đóng cửa phiên 28/12 của cổ phiếu này là 11.200 đồng/cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, một loạt cá nhân cũng công bố mua thành công lượng lớn cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn của Cà phê Phước An từ ngày 28/12. Cụ thể, bà Tôn Thị Bích Vân, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng và Nguyễn Trần Xuân Mai đều hoàn tất mua vào mỗi người hơn 5,88 triệu cổ phiếu CPA, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty từ 0% lên 24,9%.
Đầu tư HVA bán toàn bộ hơn 11% vốn tại BIG
CTCP Đầu tư HVA thông báo đã bán xong toàn bộ 580.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,6% vốn tại CTCP Big Invest Group (mã BIG). Qua đó, Đầu tư HVA không còn nắm giữ cổ phiếu BIG nào và không còn là cổ đông lớn của Big Invest Group. Giao dịch được thực hiện trong ngày 30/12/2022.
Trước đó, ngày 29/12/2022, Đầu tư HVA cũng bán thành công 20.000 cổ phiếu BIG. Tổng cộng 2 phiên giao dịch, Đầu tư HVA đã bán toàn bộ 600.000 cổ phiếu BIG theo phương thức thỏa thuận, thu về 6 tỷ đồng.
Đáng chú ý là lượng cổ phiếu này mới được Đầu tư HVA mua vào cách đấy hơn 1 tháng trong phiên giao dịch ngày 25/11/2022 và cũng được thực hiện theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị là 6 tỷ đồng. Trước đó, tổ chức này không nắm giữ cổ phiếu BIG nào.
Như vậy, sau hơn 1 tháng nắm giữ cổ phiếu BIG, CTCP Đầu tư HVA đã thực hiện thoái vốn khỏi Big Invest Group.
Cổ phiếu TTF bị cắt margin, cổ đông lớn cắt lỗ hơn 30 triệu đơn vị
Ông Bùi Hồng Minh, cổ đông lớn của Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF) báo cáo đã bán gần 31 triệu cổ phiếu TTF trong phiên 4/1.
Sau giao dịch, ông Minh hạ sở hữu tại TTF từ 9,86% xuống 2,33% vốn, theo đó nhà đầu tư này không còn là cổ đông lớn tại Gỗ Trường Thành.
Ghi nhận trong phiên 4/1, cổ phiếu TTF phát sinh giao dịch thỏa thuận với số lượng đúng bằng lượng bán ra của ông Minh, giá trị hơn 126 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 4.080 đồng/cổ phiếu. Khả năng cao đây chính là giao dịch của cổ đông lớn này.
Được biết, hồi cuối năm 2021, TTF đã phát hành 40,53 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức để hoán đổi nợ, đại diện bởi ông Bùi Hồng Minh. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 10.000 đồng hoán đổi thành 1 cổ phiếu ưu đãi, với cổ tức cố định là 6,5%/năm.
Từ đó cho tới nay, ông Minh không hề giao dịch cổ phiếu TTF. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm nắm giữ, cổ đông lớn Bùi Hồng Minh đã quyết định bán ra phần lớn cổ phần với giá thấp hơn 59% so với giá hoán đổi trước đó.Động thái này diễn ra ngay sau khi mới đây, HoSE công bố danh sách 65 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (cắt margin) trong quý 1/2023, trong đó có mã TTF.
Người thân Chủ tịch Siêu Thanh muốn bán bớt 64% cổ phần
Bà Phạm Thị Mai Duyên, vợ ông Yeng Cam Meng, Chủ tịch HĐQT CTCP Siêu Thanh (mã ST8) đăng ký bán gần 10,33 triệu cổ phiếu ST8, tương đương 40% tổng số lượng cổ phiếu lưu hành, từ ngày 9/1 - 6/2.
Trong cùng khoảng thời gian trên, ông David Cam Hao Ong, Phó chủ tịch HĐQT Siêu Thanh và là em ruột ông Yeng Cam Meng cũng đăng ký bán hơn 6,4 triệu cổ phiếu ST8, tương đương 24,97%.
Như vậy, gia đình Chủ tịch Siêu Thanh muốn thoái tổng cộng gần 65% vốn điều lệ tại doanh nghiệp nhà. Nếu giao dịch thành công, nhóm cổ đông liên quan đến Chủ tịch Siêu thanh chỉ còn ông Yeng Cam Meng nắm giữ cổ phiếu tại ST8 với hơn 6,1 triệu cổ phiếu, tương đương 23,77% vốn.
Ở chiều ngược lại, Thành viên HĐQT Hoàng Thị Thanh Hoa và Nguyễn Văn Đại đăng ký mua lần lượt 200.000 cổ phiếu và 3,15 triệu cổ phiếu ST8 từ ngày 9/1 - 31/1.
Gelex Electric (GEE) muốn nắm toàn bộ vốn của Cadivi và Thibidi
Ngày 3/1, CTCP Điện lực Gelex (Gelex Electric, mã GEE) thông báo chào mua công khai cổ phiếu CAV và THI của CTCP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã CAV) và CTCP Thiết bị Điện (Thibidi, mã THI).
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 9/1 đến ngày 28/2/2023, GEE sẽ chào mua công khai hơn 2,1 triệu cổ phiếu CAV với giá chào mua dự kiến là 55.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng sở hữu từ 96,5% lên 100%.
Còn tại THI, GEE sẽ mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu với giá chào mua là 25.500 đồng/cổ phiếu, mục tiêu gia tăng sở hữu từ 90,88% lên 100%.Hiện, các mức giá chào mua trên đều cao hơn thị giá của CAV và THI trên thị trường.
Như vậy để hoàn tất đợt chào mua hai cổ phiếu trên, tổng số tiền mà GEE dự kiến phải chi ra là hơn 231 tỷ đồng. Nguồn tiền này GEE dự kiến sử dụng từ vốn tự có và nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện chào mua công khai.