Chuỗi nhà thuốc hiện đại tăng tốc giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống
Hai nhà thuốc Long Châu và Pharmacity tại một khu dân cư ở TP.HCM (Ảnh: VnExpress) |
Theo EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đạt 5,9 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021. Trong giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7,4%.
EIU dự báo tốc độ tăng CAGR là 9,5% trong 5 năm tới, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên. Xét theo từng kênh, kênh ETC (thuốc điều trị/thuốc kê đơn, có thể được sử dụng làm đại diện cho kênh bệnh viện) đóng góp khoảng 75%-76% tổng doanh thu trong 5 năm qua.
Với thị trường dự báo còn nhiều dư địa để tăng trưởng, các chuỗi nhà thuốc hiện đại như Pharmacity, Long Châu, An Khang liên tục đẩy mạnh mở rộng mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc kể từ năm 2021 để giành thị phần từ các nhà thuốc truyền thống.
Theo IQVIA, Việt Nam có 55.300 cửa hàng thuốc vào năm 2016, trong đó 185 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại. Tuy nhiên tới năm 2021, tổng số cửa hàng thuốc giảm xuống còn 44.600, nhưng số cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc hiện đại đã tăng lên con số 1.600.
Năm 2022, các chuỗi nhà thuốc hiện đại lớn tiếp tục đặt mục tiêu mở mới đầy tham vọng. Bên cạnh đó, nhiều công ty mới cũng lấn sân vào thị trường, bao gồm Wincommerce (sở hữu chuỗi cửa hàng bách hóa Winmart, với khoảng 3.000 siêu thị nhỏ) và Viettel (sở hữu mạng lưới bán lẻ với khoảng 370 cửa hàng viễn thông).
Long Châu, An Khang, Pharmacity và tham vọng mở hàng nghìn cửa hàng
Trong cuộc đua cạnh tranh quyết liệt mở rộng chuỗi cửa hàng dược phẩm, 3 cái tên Long Châu, An Khang và Pharmacity đang nổi lên với độ bành trướng ngày càng lớn nhờ sự hậu thuẫn của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh đứng phía sau.
Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu (FRT sở hữu 85%) được FRT mua lại vào tháng 1/2017 khi mới chỉ có bốn cửa hàng tại TP.HCM. Đến nay, FRT đã xây dựng chuỗi hiệu thuốc này lên hơn 700 cửa hàng. Trong 5 năm tới, FRT có kế hoạch nâng tổng số cửa hàng Long Châu lên 3.000 cửa hàng.
Khi mảng kinh doanh điện thoại của FRT đang chậm lại do thị trường bão hòa, mảng dược phẩm được kì vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của FRT trong dài hạn.
Về lợi thế cạnh tranh, nhà thuốc Long Châu có trên 12.000 SKU, cao hơn nhiều so với chỉ khoảng 1.000~2.000 SKU của các hiệu thuốc nhỏ. Điều này cho phép công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chữa bệnh mãn tính (tiểu đường, tim mạch và ung thư), vốn tăng lên cùng với tuổi thọ và thu nhập khả dụng. Sự lựa chọn đa dạng giúp các nhà thuốc Long Châu tạo ra doanh thu cao hơn nhiều so với các nhà thuốc khác.
Ngoài ra, trước khi được FRT mua lại, Long Châu đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các bệnh viện tại TP.HCM, cho phép nhà thuốc dự báo chính xác hơn nhu cầu trong khu vực đối với từng loại thuốc.
Cũng trong năm 2017, MWG mua lại chuỗi 14 cửa hàng thuốc An Khang. Tuy nhiên, mãi đến quý 4/2021, khi sự dịch chuyển từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại trở nên rõ ràng hơn, MWG mới tăng tốc mở mới chuỗi nhà thuốc An Khang và chuyển sang sở hữu toàn bộ vào tháng 11/2021 - nâng tỷ lệ sở hữu từ 49% lên 99%.
Chuỗi nhà thuốc An Khang hiện có hơn 600 cửa hàng, phủ khắp 33 tỉnh thành trên cả nước. MWG đặt mục tiêu lần lượt có 800 và 2.000 cửa hàng An Khang vào cuối năm 2022 và 2023.
Về lợi thế cạnh tranh, mặc dù số lượng SKU của An Khang có thể không nhiều bằng Long Châu, nhưng theo đánh giá của SSI Research, tình hình tài chính của MWG an toàn hơn nhiều (tỷ lệ D/E của MWG tại thời điểm quý 2/2022 là 1x, còn D/E của FRT tính đến quý 2/2022 là 2,8 x), điều này cho phép công ty tăng tốc độ mở mới để bắt kịp FRT.
Bên cạnh đó, MWG có cơ sở khách hàng từ chuỗi siêu thị và mảng ICT & CE rộng khắp cả nước, do đó công ty có thể tận dụng lợi thế này để tăng cường bán chéo sản phẩm của An Khang.
Ngoài hai chuỗi thuốc của hai doanh nghiệp đã niêm yết trên, cuộc đua giành thị phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại còn có sự góp mặt của Pharmacity. Chuỗi này được thành lập vào năm 2012 và đến năm 2019, bắt đầu được Mekong Capital tài trợ vốn.
Sau khi nhận đầu tư, việc mở mới cửa hàng Pharmacity tăng tốc đáng kể. Tính đến thời điểm hiện tại, Pharmacity là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam về số lượng cửa hàng. Với nguồn vốn bên ngoài mạnh mẽ, Pharmacity tham vọng đặt mục tiêu 5.000 cửa hàng vào năm 2025. Mặc dù là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất tính theo số lượng cửa hàng, Pharmacity vẫn thua lỗ vào năm 2021, trong khi Long Châu và An Khang đã hòa vốn.
Kênh nhà thuốc chiếm thị phần từ kênh bệnh viện
Trong báo cáo cập nhật ngành bán lẻ dược phẩm vừa công bố, SSI Research cho rằng đằng sau sự chuyển đổi từ hiệu thuốc truyền thống sang hiệu thuốc thương mại hiện đại có thể xuất phát từ một số lý do.
Thứ nhất là sự kiểm soát chặt chẽ hơn các loại thuốc kê đơn. Kể từ tháng 9/2017, Bộ Y tế đã ban hành quyết định về việc kiểm soát kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú.
Theo đó, các nhà thuốc chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn để tránh tình trạng lạm dụng thuốc, nhất là đối với trường hợp thuốc kháng sinh. Theo Bộ Y tế, trước năm 2017, lần lượt 88% và 91% thuốc kháng sinh ở khu vực thành thị và nông thôn được bán cho người bệnh không có đơn bác sĩ, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Trong khi thuốc kháng sinh lần lượt chiếm 13% và 19% doanh thu nhà thuốc ở khu vực thành thị và nông thôn.
Tới ngày 15/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 117 tăng mức phạt hành vi “bán thuốc kê đơn mà không có đơn” (từ 200.000-500.000 đồng lên 5-10 triệu đồng, thậm chí ngừng hoạt động cơ sở bán thuốc), khiến các nhà thuốc nhỏ lẻ kém cạnh tranh hơn và buộc một số nhà thuốc phải đóng cửa. Tuy nhiên, với hơn 50.000 cửa hàng thuốc trên khắp Việt Nam, rất khó để kiểm soát việc tuân thủ.
Thứ hai là quy định bắt buộc các cơ sở khám bệnh, nhà thuốc bệnh viện và kênh nhà thuốc phải áp dụng kê đơn điện tử. SSI Research cho biết, các hiệu thuốc thương mại hiện đại được trang bị hệ thống ERP, nên có thể nhanh chóng thích ứng với quy định mới. Điều này sẽ giúp các hiệu thuốc này giành được thị phần từ các hiệu thuốc nhỏ, khi các hiệu thuốc nhỏ có thể bị mất khách hàng do hệ thống kiểm soát nội bộ không kịp thời kết nối với hệ thống kê đơn điện tử.
Thứ ba là sự chậm trễ trong việc phê duyệt đăng ký thuốc mới hay gia hạn thuốc cũ làm hạn chế nguồn cung, thúc đẩy quá trình hợp nhất thị trường của các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại.
Kể từ khi COVID-19 bùng phát, các vụ điều tra gia tăng trong ngành y tế Việt Nam và tình trạng thiếu lao động đã khiến quá trình phê duyệt thuốc mới và gia hạn thuốc cũ của Cục Quản lý Dược bị trì hoãn.
Với nguồn cung thuốc eo hẹp, SSI Research cho rằng các nhà thuốc thương mại hiện đại với khả năng tài chính mạnh và khả năng thương lượng tốt hơn có thể đảm bảo đủ nguồn hàng từ các công ty dược, trong khi các nhà thuốc truyền thống phải đối mặt với tình trạng khan hiếm hàng tồn kho.
Cũng theo đánh giá của SSI Research, kênh nhà thuốc có thể đã chiếm thị phần từ kênh bệnh viện trong thời gian đại dịch xảy ra khi mà đại dịch đã hạn chế việc thăm khám tại bệnh viện do các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu dược phẩm trong kênh bệnh viện, nhưng vô hình chung đã tạo cơ hội cho kênh nhà thuốc thu hút được những khách hàng mới phải tự mua thuốc.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhiều vấn đề pháp lý, các bệnh viện công đã trở nên thận trọng hơn khi đấu thầu thuốc. Từ đó, bệnh nhân đang phải cố gắng tìm kiếm các giải pháp thay thế thông qua kênh nhà thuốc.
Bên cạnh những thuận lợi, SSI Research cho rằng chuỗi nhà thuốc hiện đại có thể gặp một số rào cản gia nhập ngành bán lẻ dược phẩm. Đầu tiên là việc kết nối với bệnh viện khi các nhà thuốc phải kết nối với bệnh viện hoặc cơ sở y tế để dự báo nhu cầu đối với từng loại thuốc tại khu vực.
Để giành được khách hàng từ các nhà thuốc truyền thống, các nhà thuốc thương mại hiện đại có thể phải đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, từ đó kéo theo khoản lỗ lớn để đổi lấy quy mô trong giai đoạn đầu mở rộng. Như vậy, tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự bền vững của chuỗi nhà thuốc.
Cùng với đó, các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại lớn hiện nay có trên 500 cửa hàng. Doanh nghiệp điều hành hiệu thuốc cần xây dựng hệ thống ERP hiệu quả để theo dõi chính xác hạn sử dụng thuốc tại từng cửa hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro bán thuốc hết hạn sử dụng cho khách hàng.
Xét về triển vọng, SSI tin rằng các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ tiếp tục được hưởng lợi và các công ty dược phẩm bán lẻ sẽ duy trì tốc độ mở cửa hàng mới trong tương lai gần.
SSI Research cho rằng kênh nhà thuốc vẫn có thể giành thêm thị phần từ kênh bệnh viện, vì kênh bệnh viện sẽ mất thời gian để khôi phục tốc độ đấu thầu về mức trước COVID. Các chuỗi nhà thuốc thương mại hiện đại có thể hấp thụ thị phần của các hiệu thuốc truyền thống do quy mô lớn và lợi thế trong việc có sẵn hệ thống ERP - giao thức tương thích với hệ thống kê đơn điện tử mới.
Việc gia hạn giấy chứng nhận đăng ký thuốc đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, mặc dù hiệu lực của việc gia hạn chỉ trong một thời gian ngắn. Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, cơ quan này hiện có thể xử lý 500 trường hợp mỗi tháng. Với tốc độ như vậy, có khả năng nguồn cung thuốc sẽ lại bị thiếu hụt vào năm 2023. Trong bối cảnh này, SSI Research tin rằng các nhà bán lẻ dược phẩm quy mô lớn có thể đảm bảo đủ lượng hàng tồn kho và giành được thị phần.
Nhu cầu về vitamin và thực phẩm chức năng ngày càng tăng, mặc dù diễn biến này có thể chỉ mang tính ngắn hạn. Điều này giúp các chuỗi hiệu thuốc ghi nhận thêm doanh thu từ các sản phẩm trên. Các chuỗi nhà thuốc cũng đã đa dạng hóa danh mục sản phẩm bao gồm các sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược mỹ phẩm, bánh kẹo và đồ uống.
Mặc dù chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát và lo ngại liên quan, nhưng chi tiêu cho dược phẩm được cho có thể vẫn ổn định do tính thiết yếu của các sản phẩm này. SSI Research cho rằng, các chuỗi nhà thuốc sẽ có thể chuyển phần chi phí gia tăng sang cho khách hàng. Các chuỗi nhà thuốc tích cực mở cửa hàng mới có thể thương lượng các điều khoản tốt hơn với các nhà cung cấp, do đó có thể tăng tỷ suất lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận ròng có thể không cải thiện nhiều do mở mới nhiều cửa hàng.