"Chuyển đổi số trong giáo dục phải lấy con người làm trung tâm"
Đó là thông điệp được TS. Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0) ngày 25/11.
Trong lần thứ 3 tổ chức, sự kiện do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam và BHub Group phối hợp tổ chức được khai mạc với chủ đề "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo tại Việt Nam".
Trong hai ngày, với nhiều hoạt động, triển lãm, tọa đàm chuyên sâu được tổ chức xuyên suốt, Diễn đàn kỳ vọng tạo ra không gian mở để các bên tham dự chia sẻ các quan điểm về nhận thức, thực tiễn, cách thức thúc đẩy, tạo đột phá trong hoạt động giáo dục và đạo tạo tại Việt Nam theo hướng chuyển đổi số.
Hai năm đại dịch đã tạo ra cú huých lớn với chuyển đổi số trong trong giáo dục
Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã được đặt ra từ nhiều năm. Theo đó, từ tháng 01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.
Tiếp đến, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Qua đó, Giáo dục đào tạo đã trở thành 01 trong 8 ngành/lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Đây là những cơ sở và động lực cho việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, sản phẩm cho giáo dục được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cũng như là tiền đề tạo cơ chế cho việc ứng dụng rộng rãi tại các nhà trường, đơn vị giáo dục đào tạo.
Đáng chú ý, qua hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, dù đã gây ra nhiều biến động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng cũng đồng thời là một cú huých đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào mọi hoạt động, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong đó, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp và những đợt giãn cách xã hội diện rộng trong nhiều ngày mang đến áp lực và cơ hội để các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giáo dục cũng như giáo viên, học sinh học nhanh chóng bắt nhịp với môi trường dạy và học trực tuyến.
Cùng với đó, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, xu thế phát triển của công nghệ nói chung, trong đó có công nghệ dành cho giáo dục nói riêng, đã và đang tạo nên những phương thức, mô hình đào tạo mới.
Theo các chuyên gia, các công nghệ mới của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang thâm nhập ngày càng sâu vào chương trình giảng dạy ở các cấp học, các môi trường học tập khác nhau, mang đến những giải pháp và công cụ như: Lớp học ảo, video, thực tế tăng cường (AR), robot, các trợ lý ảo tương tác với người dạy và người học…
Đồng thời, việc hệ thống hóa kiến thức, xây dựng cơ sơ dữ liệu về tri thức, về người dạy – người học đã bắt đầu được đặt nền móng tại nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu. Công nghệ không chỉ làm cho lớp học sinh động hơn mà còn có thể tạo ra môi trường học tập hòa nhập hơn, thúc đẩy sự cộng tác và tính ham học hỏi, đồng thời cho phép giáo viên thu thập dữ liệu về hiệu suất học tập, năng lực tiếp thu của học sinh.
Toàn cảnh Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm Học đường 4.0 năm 2022. Ảnh Tuấn Việt |
Đã có một số kết quả cơ bản nhưng còn tồn tại những hạn chế
Phát biểu tham luận khai mạc Diễn đàn, TS. Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cấp một số thông tin mang tính toàn cảnh về “Chuyển đổi số Giáo dục và Đào tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2022-2025”.
Theo TS. Nam, sau nhiều năm tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo đã có được một số kết quả cơ bản. Trong đó, cổng thông tin tuyển sinh đã trở nên phổ biến, các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học đã có website, thư điện tử, văn bản điện tử, sử dụng phần mềm, nền tảng công nghệ để quản lý các cơ sở giáo dục.
Về việc dạy – học – kiểm tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát triển kho học hiệu số dùng chung gồm bài giảng trực tuyến e-learning (gần 5.000 bài giảng), bài dạy trên truyền hình (hơn 2.000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa, trên 7.500 luận án tiến sỹ, cuộc thi bài giảng điện tử... Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả kho dữ liệu dùng chung để phục vụ các hoạt động giáo dục, đào tạo.
Ông Tô Hồng Nam khẳng định, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy - học trên môi trường số đang trở thành hoạt động thiết yếu, hàng ngày với giáo viên, học sinh. Cùng với đó là hoạt động đổi mới phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu số, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên, theo ông Nam, hiện nay vẫn tồn tại một số hạn chế khi triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo như: Hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ chuyển đổi số, thiếu cơ chế cho phép thử nghiệm các mô hình, sản phẩm giáo dục mới; nhận thức vai trò chuyển đổi số và trang bị kỹ năng số chưa đều; Tài nguyên số dùng chung còn chưa phát triển cập nhật, theo kịp yêu cầu thực tế; chưa thu hút được sự tham gia xây dựng, khai thác.
Bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, nguồn lực đầu tư chuyển đổi số của các cấp trong ngành giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục còn hạn chế, thiếu cơ chế huy động nguồn xã hội hóa.
TS. Tô Hồng Nam, Phó cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày tham luận về chuyển đổi số trong giáo dục tại Diễn đàn. Ảnh Tuấn Việt |
Phó cục trưởng Công nghệ thông tin cho rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phải hướng đến đổi mới phương thức giáo dục dựa trên cơ sở khai thác tối đa tiến bộ công nghệ tạo đột phá. Mục tiêu là để giúp giáo viên dậy tốt hơn, học trò học dễ hơn và quản lý giáo dục nhẹ nhành hơn.
Theo đó, chuyển đổi số giáo dục phải hướng đến việc con người làm trung tâm. Lợi ích mang lại cho người học, người dậy và mọi người dân là thước đo để đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.
Cũng tại Diễn đàn, ông Lê Trung Nghĩa, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển tài nguyên giáo dục nhấn mạnh đến yếu tố năng lực số (của tổ chức, doanh nghiệp, công dân) là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số thành công.
Theo ông Nghĩa, đối với ngành giáo dục, chuyển đổi số không chỉ là việc chuyển đổi các hoạt động nghiệp vụ giáo dục và đào tạo vào môi trường số, quan trọng hơn là giáo dục để các tổ chức, doanh nghiệp và người dây có đầy đủ các năng lực số, phục vụ cho chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Còn theo bà Trang Bùi, Tổng thư ký Hiệp hội Đổi mới Sáng tạo Hà Nội, Giám đốc Điều hành BHub Group - Nhà sáng lập của EDU 4,0, hiện tại đang là giai đoạn quan trọng để xây dựng nền móng, tích lũy tài nguyên với mục tiêu là kết nối các thành phần trong hệ sinh thái chuyển đổi số 4.0.
Và trong quá trình chuyển đổi này, BHub Group cam kết sẽ tham gia và đồng hành cùng các đơn vị giáo dục nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường công nghệ giáo dục với các mục tiêu như tăng cường chuyển đổi số cho giáo dục, giảm tải cho các giáo viên, thực hiện các mô hình đào tạo mới.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã trao giải thưởng Công nghệ Giáo dục năm 2022 (EduTech Awards) để vinh danh các thương hiệu sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ, dịch vụ, nội dung số ứng dụng trong giáo dục và đào tạo nổi bật tại Việt Nam Theo đó, qua các vòng thẩm định và bình chọn đã có 7 đơn vị được trao giải gồm: 04 đề cử được công nhận Danh hiệu Giải thưởng Công nghệ Giáo dục Tiêu biểu 2022: 1. Trí Nam Group: Hệ thống giải pháp đào tạo trực tuyến TN-Elearning 2. Elsa Speak: Phần mềm học ngữ ELSA 3. VTC Online: Chương trình Olympic Tiếng Anh trên Internet (IOE) 4. MobiFone Edu: Nền tảng giáo dục trực tuyến MobiEdu 03 đề cử được công nhận Danh hiệu Giải thưởng Công nghệ Giáo dục Triển vọng: 1.EduTek: Nền tảng đào tạo trực tuyến EduTek 2.Acabiz: Giải pháp đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp 4.0 3.Easy Group: Giải pháp chuyển hóa Tiếng Anh toàn diện |