“Bẫy” du lịch công nghệ: "Chạm" nhẹ, "mất" đậm |
Chúng không chỉ đánh cắp tiền bạc của người tiêu dùng, mà còn “đánh thẳng vào trái tim” của những doanh nghiệp làm du lịch chân chính vì uy tín bị hoen ố, hình ảnh bị “bóp méo”.
![]() |
Fanpage Facebook chính thống và giả mạo của Khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà. |
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể bị lừa dễ dàng như vậy,” chị Ngọc Minh (35 tuổi, Hà Nội) mở đầu câu chuyện. Một người có kinh nghiệm đặt tour nhiều năm, thường xuyên du lịch cùng gia đình, nhưng dịp lễ 30/4 năm ngoái chị đã mất 18 triệu đồng sau khi đặt combo nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm qua một fanpage mang tên “Amour Retreat Hội An”.
Những con số “biết nói” và "biết lừa"
Fanpage này chạy quảng cáo liên tục, có logo y hệt bản gốc, thậm chí có cả tích xanh và 70.000 lượt theo dõi. Trong phần đánh giá là hàng trăm bình luận “5 sao”, hình ảnh lung linh, thậm chí có cả video review từ những người nổi tiếng.
“Họ trả lời tin nhắn rất chuyên nghiệp, có cả bảng giá PDF, hợp đồng mẫu. Tôi đã không một phút nghi ngờ”, chị Minh nói.
Tuy nhiên, đến ngày đi resort thật xác nhận họ không hề nhận đặt phòng qua bên trung gian nào. Chị Minh chỉ còn biết đứng lặng nhìn các con ngơ ngác giữa sảnh, còn người thân thì thất vọng vì chuyến nghỉ dưỡng bị hủy trong phút chốc. “Tôi đã không tiếc tiền, tôi tiếc sự tin tưởng,” chị Minh bức xúc.
Không chỉ du khách là nạn nhân. Những doanh nghiệp bị giả mạo cũng chịu thiệt hại nặng nề cả về uy tín, thương hiệu, lẫn niềm tin khách hàng. Ông Vũ Thanh Nam, Giám đốc một khu nghỉ dưỡng 4 sao tại Ninh Bình chia sẻ mỗi kỳ nghỉ lễ công ty phải tiếp nhận ít nhất 10-15 cuộc gọi từ khách hàng báo đặt nhầm qua fanpage giả.
Thậm chí có những nhóm khách hơn 20 người đến nơi mà không có đặt chỗ nào trong hệ thống. Khách giận dữ, thất vọng. Họ nghĩ công ty lừa đảo rồi viết đánh giá xấu, chia sẻ lên mạng xã hội. “Nhưng thực tế, chúng tôi cũng là nạn nhân. Chúng tôi phải xin lỗi cho một lỗi không thuộc về mình”, ông Nam bày tỏ.
![]() |
Trong một thế giới mà mọi thứ đều có thể được “tạo ra” chỉ bằng vài cú click, thì niềm tin trở thành thứ tài sản mong manh nhất. |
Vẫn theo ông Nam, nhiều fanpage đã sao chép toàn bộ hình ảnh, nội dung, bảng giá từ website chính thức của khu nghỉ. “Chúng tôi có liên hệ Facebook để gỡ, nhưng quá trình xác minh rất lâu, còn bọn lừa đảo thì chỉ cần vài giờ để đổi tên và chạy tiếp quảng cáo,” ông Nam nói với vẻ bất lực.
Ông Trần Ngọc Phương, một chuyên gia an ninh mạng cho biết các website và fanpage giả mạo hiện nay đã tiến hóa lên một cấp độ mới. Không còn là trang sơ sài, nhiều lỗi chính tả nữa. Chúng được dựng bài bản, có đầu tư, có chạy quảng cáo, thậm chí còn thuê KOLs, travel blogger giả để “đánh bóng”.
Ông Phương đánh giá, có những đối tượng thuê thiết kế website chuyên nghiệp từ nước ngoài, sử dụng hình ảnh thật và lập trình kỹ thuật tương đương với website doanh nghiệp thật.
“Điều đáng sợ là chúng không cần tấn công công nghệ. Chúng chỉ cần các du khách… tự tin nhấp vào link, tự nhập thông tin cá nhân, tự chuyển khoản, tự mở cửa và tự đưa tiền cho chúng,” ông ông Phương phân tích.
Với vai trò tư vấn kỹ thuật cho một số doanh nghiệp du lịch lớn, ông Phương khẳng định việc bảo vệ thương hiệu số là điều sống còn trong thời đại công nghệ. “Chậm một bước” trên không gian mạng là “mất trắng” hình ảnh đã xây dựng hàng chục năm.
Theo khảo sát từ các hội nhóm du lịch trên Facebook, hơn 70% người dùng thừa nhận sẽ tin tưởng một fanpage có lượng người theo dõi cao, đánh giá tốt và hình ảnh đẹp. Điều đó biến những chỉ số ảo thành công cụ lừa đảo lý tưởng.
Không để kỳ nghỉ thành “bi kịch” chỉ vì một “cú” click
Một số đối tượng lừa đảo không chỉ dừng ở mức copy giao diện, mà còn mua đánh giá ảo, tạo bình luận giả, video review dàn dựng để xây dựng niềm tin. Có trường hợp thuê luôn người mẫu chụp ảnh, đóng vai “du khách hài lòng” đăng đều đặn như fanpage thật.
![]() |
Những đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực du lịch không còn hoạt động manh mún, mà đã chuyên nghiệp hóa. |
“Tôi từng làm quản lý truyền thông cho một resort. Khi so sánh hai fanpage, một thật, một giả chính tôi cũng mất vài phút mới nhận ra. Mọi thứ gần như giống 100%. Họ lấy bài viết thật của mình, chỉnh ngày đăng lại, và đăng kèm với bình luận giả từ hàng chục nick ảo,” anh Lê Văn Quân, chuyên viên truyền thông cho biết.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch các tỉnh thành đã đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp cần đăng ký và xác thực fanpage, website chính thức, công khai thông tin pháp lý, hotline, mã số thuế.
Tăng cường giám sát không gian mạng, phát hiện kịp thời các trang giả mạo để kiến nghị xử lý. Hợp tác với nền tảng (Facebook, Google) để chủ động xác thực và cảnh báo. Tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên fanpage, website và các kênh truyền thông về kênh bán hàng chính thức.
Mặc dù nạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các chuyên gia cho rằng người tiêu dùng vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng vài nguyên tắc đơn giản, gõ trực tiếp địa chỉ website thay vì nhấp link quảng cáo.
![]() |
Không dừng lại ở việc lừa tiền, các fanpage ảo còn làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của các doanh nghiệp du lịch chân chính. |
Kiểm tra chứng chỉ bảo mật (https), tên miền hợp lệ. Tìm hiểu doanh nghiệp trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Không chuyển khoản cho cá nhân, chỉ thanh toán qua nền tảng uy tín. Gọi hotline chính thức xác minh trước khi đặt cọc.
“Bạn không thể thay đổi được thế giới lừa đảo, nhưng bạn có thể không trở thành con mồi. Lòng tin là thứ quý giá, hãy dùng nó có chọn lọc,” ông Trần Ngọc Phương kết luận.
Trong thời đại số, niềm tin là tài sản dễ bị đánh cắp nhất, nhất là khi niềm tin ấy được dẫn dắt bởi hình ảnh hào nhoáng, những lời mời gọi hấp dẫn, và công nghệ “bắt chước” như thật. Những kẻ lừa đảo ngày nay không cần vũ khí, họ chỉ cần làm cho bạn tin rằng họ đáng tin.
Chúng ta cần nhiều hơn sự tỉnh táo từ phía người tiêu dùng, doanh nghiệp, và các cơ quan chức năng. Để mỗi chuyến đi không chỉ bắt đầu bằng hành lý gọn gàng, mà còn bằng một “cú” click… thật sự an toàn.
![]() Ngày 28/3, tại Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Green Future (GF) ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần ... |
![]() Dịp lễ 30/4 - 1/5, nhu cầu du lịch, di chuyển tăng mạnh. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp khởi hành thì nhiều người đã ... |
![]() Khi kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 cận kề, hàng triệu người dân tất bật chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ ngơi sau những ngày ... |