Có nên nâng trần tín dụng “cứu” doanh nghiệp?
Có thực trạng phải vay vốn ngoài, vay tiêu dùng (lãi suất cao hơn) để tạo vốn cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Phía ngân hàng phải tuân theo tiêu chuẩn an toàn hoạt động, cân đối theo yêu cầu ổn định vĩ mô. Phía doanh nghiệp thì nhu cầu vốn cao và thường trực, nhất là sau hai năm đại dịch. Nếu không có tiếng nói chung thỏa đáng giữa hai phía, nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn và có nguy cơ phá sản, dù vẫn có quan điểm phá sản cũng là một sự sàng lọc khắc nghiệt của thị trường.
Một thực trạng đang phổ biến
Hoạt động trong lĩnh vưc du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Công ty Du lịch AZA cho biết, dù nằm trong số 2% số công ty lữ hành quốc tế không phải đóng cửa một ngày nào trong suốt hai năm diễn ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thiếu vốn lưu động, ông Đạt từng gõ cửa ngân hàng để vay vốn nhưng bị từ chối vì doanh nghiệp du lịch, lữ hành được liệt vào danh sách rủi ro cao, có tài sản thế chấp cũng không được duyệt hồ sơ.
“Các doanh nghiệp du lịch sau khi bị COVID-19, đã gặp rất nhiều khó khăn, kiệt quệ vê tài chính cũng như là dòng tiền. Chúng tôi cũng có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau hậu COVID-19, nhưng khi tôi hỏi vay các NHTM về gói hỗ trợ lãi suất 2% thì không thể tiếp cận được. Lý do, các ngân hàng vẫn phải tuân thủ theo các quy định về đánh giá các rủi ro, cũng như là hiệu suất kinh doanh. Và họ không cho các doanh nghiệp du lịch vay vì bị lỗ trong suốt thời gian vừa qua. Nhưng mà thử hỏi có doanh nghiệp du lịch nào không bị lỗ do COVID-19.
Cuối cùng, tôi phải vay với theo hình cá nhân vay tiêu dùng có thể chấp bằng tài sản để tái đầu tư cho công ty”, ông Đạt chia sẻ.
Thiếu vốn, không tiếp cận được vốn vay của ngân hàng đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp. Trong Báo cáo phản ánh kiến nghị về một số vấn đề khó khăn, thách thức liên quan đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tổng hợp gửi lên Thủ tướng Chính phủ mới đây có đề cập đến tình trạng này.
Cụ thể, trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp vừa quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm, cũng như các doanh nghiệp đã kiên trì chống chọi, nỗ lực duy trì hoạt động suốt thời gian qua, vẫn rất cần có sự trợ lực về tài chính để có thể duy trì hoạt động và phục hồi. Nhưng phản ánh từ các tổ chức, hiệp hội cho thấy, hầu hết doanh nghiệp vẫn đứng trước khó khăn hết sức lớn về tài chính bởi nhiều lý do.
Theo báo cáo trên, doanh nghiệp thiếu vốn lưu động, do hậu quả của hơn hai năm đại dịch không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành doanh nghiệp ở mức độ tối thiểu.
Trong khi đó chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao. Tỷ giá USD/VND đã tăng từ đầu năm và tăng mạnh thời gian gần đây do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine kéo dài làm tăng áp lực lên chi phí vận tải và logistics vốn đã tăng rất cao trong hơn hai năm dịch, kéo theo sự tăng giá của một loạt mặt hàng.
Ở chiều cân đối, số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra thì sụt giảm. Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp đi rất nhiều ở hầu hết các thị trường. Ngoài ra, việc đồng Việt Nam mạnh hơn tương đối so với những đồng tiền khác như Yen Nhật hay đồng tiền chung châu Âu (Euro) khiến cho các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tại Liên minh châu Âu hay Nhật Bản chịu nhiều bất lợi do thu về những đồng tiền đang mất giá mạnh.
Cũng theo báo cáo của Ban IV, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vay vốn, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp tình trạng này vì quy mô hầu hết là vừa và nhỏ nên tài sản đảm bảo của doanh nghiệp thấp, dẫn đến việc các ngân hàng thường không ưu tiên cho các doanh nghiệp này vay; dòng tiền “tự thân” của các doanh nghiệp cũng nhỏ và không ổn định khiến các doanh nghiệp cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn. Ngay cả đối với các doanh nghiệp không gặp vướng mắc bởi hai yếu tố trên thì trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại cũng không còn room tín dụng để cho doanh nghiệp vay.
Theo Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thực tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Nếu không giải quyết vấn đề cho vay tín dụng thì các doanh nghiệp và hộ kinh doanh này sẽ có nguy cơ phá sản bởi hai lý do: Thứ nhất là không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó, doanh nghiệp sẽ mất nguồn nhân lực; Thứ hai là không có vốn để kinh doanh và đầu tư mới, không thể khắc phục được các hậu quả sau những năm COVID vừa qua.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò như những doanh nghiệp vệ tinh, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong quá trình triển khai những dự án trọng điểm của đất nước. Do đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nói trên. Nếu không sẽ xảy ra kịch bản trong năm tới là các doanh nghiệp này bị phá sản, không thể tồn tại được, kéo theo suy thoái kinh tế. Như vậy còn nguy hiểm hơn lạm phát”, bà Thủy nhấn mạnh.
Hai chiều quan điểm
Để giải quyết khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp, trong Báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đưa ra hai đề xuất.
Cụ thể, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, tín dụng, giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, mở rộng hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng chi phí của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi; Đẩy nhanh các gói hỗ trợ kinh tế bao gồm gói bù lãi suất bổ sung 40 nghìn tỷ, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho phục hồi nền kinh tế.
“Bên cạnh hai đề xuất đưa ra trong báo cáo, chúng tôi cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu phương án nâng “trần” tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại để ưu tiên thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như du lịch, công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản bên cạnh mục tiêu kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán”, bà Thủy cho biết thêm.
Dù khẳng định việc nới “room” tín dụng nhằm góp phần hỗ trợ tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cả nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, song Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI lại quan ngại, việc này cần được đánh giá lại, cần cân nhắc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng nhưng cũng cần cân đối với sự phát triển kinh tế.
“Với tỷ lệ room tín dụng duy trì trên 10% trong nhiều năm qua đã là cao rồi. Chúng ta vừa thoát được tình trạng nợ xấu cao thì bây giờ đang có nguy cơ quay trở lại do COVID-19. Nếu nới “room” tín dụng thì rủi ro sẽ dồn quá lớn vào ngân hàng. Như vậy, chúng ta giải quyết được câu chuyện vốn trước mắt nhưng giá phải trả là rất lớn, như nhiều lần chúng ta phải xử lý khủng hoảng về nợ xấu”, ông Đức lý giải cho việc không đồng tình với đề xuất nới “room” tín dụng trong năm 2022.
Trước đó, tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc xác định tăng trưởng tín dụng như thế nào để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm soát lạm phát và bảo đảm an toàn hoạt động cho các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước khẳng tín dụng phải đạt được mục tiêu như vậy.
Việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đối với tăng trưởng tín dụng, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng tín dụng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.