![]() |
Sau 7 tháng, tổng số vốn chưa được phân bổ chi tiết là trên 56,4 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tới hết tháng 7, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 542.105 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (36,71%). Trong đó, vốn trong nước đạt khoảng hơn 36% (cùng kỳ năm 2021 đạt trên 40%); vốn nước ngoài đạt 11,9% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%).
Tới thời điểm báo cáo, tổng số vốn còn chưa được phân bổ chi tiết là trên 56.457 tỷ đồng, chiếm trên 10% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo thống kê, có 3 bộ và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40%. Trong đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (71,55%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Ngân hàng Chính sách xã hội (48,3%). Một số tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao là: Tiền Giang (58,7%), Phú Thọ (56,4%), Thái Bình (55,1%)...
Chiều ngược lại, sau 7 tháng, còn 36 bộ ngành và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó có 26 bộ ngành và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Đáng lưu ý, trong phần vốn ngân sách trung ương (NSTW), có 10 bộ và 13 địa phương còn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 50%) như: Ủy ban dân tộc (97,59%); Thanh tra Chính phủ (84,92%), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (84,38%), Bộ Y tế (60,31%), Bộ Tư pháp (trên 54%).
Ở phần vốn ngân sách địa phương (NSĐP), có 46 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương.
Trong khi đó, lại có 11 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương. Nguyên nhân là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư và nguồn bội chi sẽ được phân bổ sau.
TIẾP TỤC CẮT GIẢM, ĐIỀU CHUYỂN VỐN CỦA CÁC DỰ ÁN CHẬM GIẢI NGÂN
Tại kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính tiếp tục đề cập nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết kế hoạch vốn dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư hoặc chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 -2025.
Vì vậy, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn NSNN, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý ngay những tồn tại, hạn chế thuộc thẩm quyền đã được các Đoàn công tác của Chính phủ nêu ra.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất phương án cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đến ngày 30/6/2022 chưa phân bổ (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định) để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công, rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
ĐÁNH GIÁ, ƯỚC THỰC HIỆN NĂM 2022 & XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023 TRƯỚC 31/7
Ở diễn biến liên quan, ngày 25/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa ra văn bản số 5035/BKHĐT-TH gửi các bộ, cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Theo đó, trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công 7 tháng qua, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo các nội dung sau: tình hình giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 (nếu có) theo từng nguồn vốn của từng dự án.
Cụ thể là tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 7 tháng đầu năm, khả năng thực hiện 9 tháng và ước thực hiện cả năm 2022 theo từng nguồn vốn; tình hình thực hiện và giải ngân 7 tháng đầu năm, khả năng thực hiện 9 tháng và ước thực hiện cả năm 2022 các dự án đã được kéo dài kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 (nếu có).
Đồng thời, các đơn vị được yêu cầu đánh giá các giải pháp đã được triển khai thực hiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP ngày 01/01/2022, số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022, số 63/NQ-CP ngày 03/5/2022,…; tình hình huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác phục vụ cho đầu tư phát triển; đánh giá chính xác, nêu bật các kết quả đạt được trong thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; các giải pháp, kiến nghị để tiếp tục triển khai có hiệu quả và thực hiện thành công kế hoạch kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2022.
Về việc lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023, Bộ KH&ĐT yêu cầu việc bố trí vốn NSNN năm 2023 phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 bao gồm: Kế hoạch của các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được cấp có thẩm quyền giao và Kế hoạch vốn của nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các dự án được yêu cầu phải bảo đảm theo đúng tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.
Với các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ danh mục và mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí đủ toàn bộ vốn cho các nhiệm vụ, dự án trong năm 2023, bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 theo đúng quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Về tiến độ, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 và xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo các hướng dẫn trên gửi về Bộ này và Bộ Tài chính bằng văn bản và trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công trước ngày 31/7/2022.
Kế đó, trước ngày 15/8/2022, trên cơ sở dự kiến khả năng thu, chi NSNN và chi đầu tư phát triển vốn NSNN kế hoạch năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có thông báo dự kiến kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 được dự kiến phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Chính phủ xác định, năm 2022 là năm quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng và là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của đất nước, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng. Việc đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội các dự án đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Để thúc đẩy quá trình này, đầu tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 548/QĐ-TTg, thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương do 4 phó thủ tướng và 2 bộ trưởng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) làm tổ trưởng. |