Điều chỉnh sâu hơn VN-Index, cơ hội nào để BMP thu hút dòng tiền trở lại?
Cổ phiếu điều chỉnh mạnh hơn VN-Index
Tuần vừa qua, cổ phiếu BMP đã mất tới 4,77%, vượt qua mức giảm của VN-Index chỉ là 2,5%. Đây là diễn biến phản ánh tâm lý bán ra có phần thái quá của nhà đầu tư tại BMP so với thị trường chung.
Tuy nhiên, điều này cũng khá hợp lý khi cổ phiếu đã có 4 tuần liền duy trì ở vùng kháng cự trên 64.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản trong những tuần này đều cho thấy tiền không thực sự được hút mạnh để giúp cho BMP có thể tạo một nhịp bứt phá đủ mạnh.
Dù bị chốt lời nhưng không kèm hiện tượng bị xả mạnh, nên kịch bản khả quan nhất là BMP sẽ tích lũy trong quanh vùng giá 64.000 và chờ đợi dòng tiền đổ vào.
Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý tới rủi ro cổ phiếu có thể điều chỉnh để test lại cận dưới của hộp Darvas nằm tại vùng giá 51.000 đồng/cổ phiếu. Nếu điều này xảy ra thì việc đi ngang trong 2 năm qua vẫn chưa thể chấm dứt được.
Nguyên liệu đầu vào giảm giá, lợi nhuận năm 2022 sẽ trở lại mức trên 500 tỷ đồng
Sản lượng tiêu thụ 6 tháng năm 2022 giảm 12% so với cùng kỳ, hoàn thành 48% kế hoạch tiêu thụ năm 2022.
CTCK BIDV (BSC) cho rằng sản lượng tiêu thụ giảm do nhu cầu thị trường đang chậm lại khi giá vật liệu xây dựng tăng cao trong các tháng đầu năm và việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng.
BSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ +11,9% trong nửa cuối năm 2022, đưa sản lượng cả năm 2022 sẽ tăng trưởng nhẹ, ở mức +5,9% nhờ sản lượng quý 3/2022 sẽ tăng mạnh so với cùng kỳ do không chịu tác động của dịch bệnh, và lợi thế về thị phần chi phối khu vực phía Nam sẽ giúp sản lượng tiêu thụ của BMP phục hồi về mức trước dịch.
Thực tế nhu cầu tiêu thụ ống nhựa tại Việt Nam tương đối ổn định, đặc biệt với các doanh nghiệp có thị phần chi phối như BMP. BSC cho rằng sản lượng bán hàng sẽ trở lại mức bình quân trước dịch nhờ hoạt động xây dựng dân dụng phục hồi khi chi phí vật liệu xây dựng ổn định, trong đó giá thép (chiếm 20%-30% chi phí xây dựng) đã giảm mạnh, và các doanh nghiệp trong ngành không có kế hoạch tăng công suất trong năm tới.
Cùng với đó, giá nhựa nguyên liệu giảm sâu kể từ cuối tháng 6/2022. Hiện nguyên liệu đầu vào chính của BMP là hạt nhựa PVC.
Giá PVC tương đối ổn định trong 6 tháng đầu năm 2022, thấp hơn 3,8% so với mức trung bình năm 2021, tuy nhiên đã giảm mạnh kể từ cuối tháng 6/2022, về quanh mức 900 USD/tấn (-30%), theo đà giảm của giá hàng hóa toàn cầu.
Giá PVC sẽ khó tăng trở lại mức đỉnh đầu năm do nhu cầu PVC của Trung Quốc suy giảm. Trung Quốc là nước tiêu thụ PVC lớn nhất thế giới (chiếm 28.8% tiêu thụ PVC toàn cầu). Việc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid khiến nhu cầu đối với PVC cho sản xuất và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc suy giảm.
Cùng với đó, giá dầu đã giảm mạnh. Trong quá khứ, có sự tương quan giữa giá dầu thô và giá hạt nhựa (một sản phẩm của quá trình lọc dầu). Giá dầu giảm mạnh do lo ngại suy thoái kinh tế sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, vì vậy giá hạt nhựa sẽ không phục hồi mức đỉnh đầu năm khi giá dầu đạt đỉnh.
BSC ước tính biên lợi nhuận gộp năm 2022 sẽ tăng lên mức 23,4% (+790 bps). Doanh nghiệp chia sẻ không thực hiện việc tích trữ hàng tồn kho số lượng lớn, do đó giá nguyên liệu đầu vào giảm trong nửa cuối năm 2022 sẽ có tác động đến giá vốn hàng bán ngay trong quý 3 này, giúp tăng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
BSC dự báo doanh thu thuần và LNST của BMP trong năm 2022 lần lượt ở mức 5.527 tỷ VNĐ (+21,4%) và 513 tỷ VNĐ (+139,7%).
Trong năm 2023, BSC dự báo Doanh thu thuần và LNST lần lượt ở mức 5.937 tỷ VNĐ (+7,1%) và 531 tỷ (+3,5%) với giả định sản lượng tiêu thụ phục hồi về mức 105-110 nghìn tấn trước dịch, tiệm cận mức công suất tối đa.