BSC hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2022
Báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán BSC cho biết, trong năm 2022, lợi nhuận của ngành và VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, từ đó hỗ trợ một phần giúp cho định giá của thị trường tiếp tục duy trì ở mức hấp dẫn.
Tuy nhiên, các nhóm ngành điều chỉnh tăng mạnh chủ yếu là nhóm ngành liên quan đến yếu tố chu kỳ. Trong bối cảnh giá hàng hóa đang có xu hướng điều chỉnh, việc tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2022 sẽ tạo mức nền cao cho năm 2023 từ đó tạo áp lực cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.
Ngoài ra một số cơn gió ngược chiều như (1) Môi trường lãi suất cao, (2) Áp lực về thanh khoản liên quan thị trường trái phiếu bất động sản, (3) Khả năng suy thoái của một số nền kinh tế lớn thế giới (Mỹ, EU) cũng như (4) Chính sách Zero Covid của Trung Quốc sẽ là những yếu tố rủi ro khác có thể tạo ra áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận cũng như định giá ngành và cổ phiếu trong năm 2023.
Do đó, BSC điều chỉnh giảm tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2022 nhóm danh mục cổ phiếu theo dõi từ mức 28% xuống mức 22,2% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, với mức định giá hấp dẫn, BSC cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn cho mục tiêu đầu tư dài hạn 2023-2024 trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có thể chống chịu tốt trước sức ép tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), lạm phát và tiếp tục duy trì tăng trưởng. So sánh với các nước trong khu vực PE FWD của Việt Nam (8,9 lần) vẫn ghi nhận mức hấp dẫn so với bình quân khu vực (12,6 lần).
BSC cho rằng nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản, bất động sản, vật liệu xây dựng, cảng biển và tiện ích là các nhóm ngành có mức định giá hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm.
Cụ thể, với ngành ngân hàng , những tín hiệu khả quan xuất hiện ở tăng trưởng tín dụng duy trì 11,5 trong 10 tháng đầu năm, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ phân hoá, NIM hệ thống dự báo duy trì 3,7% trong năm 2022.
Đồng thời, định giá đã về vùng hấp dẫn sau thời gian bị chiết khấu mạnh cũng là điểm tích cực cho những cổ phiếu nhà băng. BSC cho rằng với sức khoẻ tài chính tốt, nhóm ngân hàng xứng đáng có mức định giá cao hơn so với hiện tại.
Đối với nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, BSC đánh giá khả quan nhờ tiềm năng của hoạt động FDI, môi trường pháp lý dần rõ ràng và xu hướng mở rộng tại TP.HCM.
Đối với ngành dầu khí , điểm sáng đến từ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu vẫn đang duy trì ổn định, trong khi nguồn cung trong ngắn hạn bị thắt chặt do OPEC cắt giảm sản lượng. Mặt khác, sự suy giảm sản lượng từ các mỏ dầu khí lâu năm của Việt Nam sẽ thúc đẩy các dự án mới sớm được triển khai và xu hướng LNG tiếp tục được đẩy mạnh trong dài hạn.
Đối với nhóm ngành tiêu dùng , BSC dự báo năm 2023 sẽ có sự phân hóa ngược chiều giữa hai nhóm ngành bán lẻ và tiêu dùng. Nhóm bán lẻ đối mặt với mức nền cao của 2022, trong khi nhóm tiêu dùng được tăng trưởng trên mức nền thấp.
Bên cạnh đó, một số ngành khác vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 như bán lẻ, thủy sản, dệt may, công nghệ thông tin. Tuy nhiên, BSC cho rằng yếu tố trên phần nào đã phản ánh vào giá do đó đây là nhóm có mức định giá không còn nhiều hấp dẫn so với nhóm ở trên.