Doanh nghiệp cạnh tranh mảng thịt lợn sạch, “sân chơi” ngày càng chật chội
Trong rổ thực phẩm của các gia đình người Việt, thịt lợn chiếm tới 66% tổng lượng thịt tiêu thụ, tiếp đến là thịt gia cầm và thịt bò. Mặc dù thịt lợn là loại thịt chính, thị trường thịt lợn trong nước vẫn duy trì ở mức thấp vì 95% thịt lợn tiêu thụ là thịt ấm và không an toàn (lợn được nuôi bằng thuốc kháng sinh hoặc tăng trọng; giết mổ quy mô nhỏ, tiêu chuẩn vệ sinh thấp, thịt được vận chuyển mà không có kiểm soát thú y, được bán ở các chợ có nguy cơ truyền nhiễm cao).
Đánh giá về thị trường thịt lợn, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, thu nhập, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và COVID-19, dẫn đến nhu cầu thịt sạch tăng lên. Xu hướng này phát triển mạnh ở khu vực thành thị, nhờ sự phát triển của kênh thương mại hiện đại giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với thịt sạch có thương hiệu và rõ nguồn gốc.
VNDirect nhận định thị trường thịt lợn Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng và các doanh nghiệp áp dụng mô hình 3F (Feed - Farm - Food: kiểm soát chặt chẽ từ con giống - thức ăn - hệ thống trang trại đến nhà máy chế biến thịt thành phẩm) sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi nhu cầu sang thịt sạch ở khu vực thành thị.
“SÂN CHƠI” ĐÃ SẴN NHỮNG ĐỐI THỦ LỚN
Theo thống kê, giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife. Trong đó CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần thịt lợn ước tính khoảng 17-18%.
Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Sau 2 năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. Sản phẩm thịt mát Meat Deli của MML vẫn đang đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt lợn có thương hiệu với câu chuyện “thịt mát theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam” - sử dụng công nghệ đóng gói Oxy Fresh 9.
Trong khi đó, thương hiệu thịt heo Dabaco đã xuất hiện từ lâu trên thị trường. Đây là một trong các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với vị thế vững chắc ở khu vực miền Bắc. Doanh nghiệp đã phát triển đầy đủ mô hình kinh doanh 3F từ năm 2010 và hiện nằm trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu trong chuỗi giá trị thịt lợn và gia cầm.
Theo VNDirect, “sân chơi” 3F hiện đang khá chật chội với nhiều đối thủ mạnh. Tuy nhiên theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt lợn thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10% -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường.
Do đó, đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt có sự đầu tư vào hệ thống chăn nuôi, phân phối qua điểm bán hiện tại và đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.
NHỮNG NHÂN TỐ MỚI CÓ LÀM THAY ĐỔI "CUỘC CHƠI"?
Với tiềm năng còn khá lớn, bên cạnh hoạt động đẩy mạnh mở rộng kinh doanh từ các “ông lớn” ngoại, thị trường sản xuất và chế biến thịt lợn gần đây chứng kiến sự gia nhập một số “tay chơi mới” như CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) HAGL, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã BAF).
Ngày 17/9, HAGL đã chính thức ra mắt thương hiệu Bapi “heo ăn chuối” và cửa hàng BapiMart đầu tiên tại TP.HCM với sản phẩm chủ lực là thịt lợn mảnh cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt như thịt nguội, chả lụa, xúc xích. “Heo ăn chuối” được giới thiệu là sản phẩm thịt thơm ngon và sạch do lợn ăn chuối sạch quanh năm ít mắc bệnh dịch hơn. Bên cạnh đó việc tận dụng được nguồn chuối thải loại làm thức ăn chăn nuôi cũng giúp “heo ăn chuối” giảm được giá thành sản xuất.
Còn với BAF, công ty này bắt đầu ra mắt sản phẩm thịt lợn từ năm 2021, đến nay thịt thương hiệu của BAF đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện nay, BAF có quy mô đàn lợn hơn 200.000 con (bao gồm lợn thịt và lợn giống), hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam.
VNDirect đánh giá sự gia nhập của BAF và HAG đang “phù hợp với thời đại” những bước dịch chuyển trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng, mặc dù thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ tên thương hiệu đặc biệt, nhưng sản phẩm “heo ăn chuối” không có quá nhiều khác biệt so với những sản phẩm thịt sạch đang có đối với thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng.
Có chăng, lợi thế hiện tại của HAG và BAF đang nhờ chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường tăng cao.
Ở thời điểm HAGL chuyển sang nuôi heo, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng công ty này vẫn báo lãi nhờ mô hình nuôi heo tận dụng lượng lớn chuối thải loại được đưa vào sản xuất thành bột chuối để phối trộn trong thức ăn chăn nuôi.
Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 8/2022 của HAGL cho thấy, trong tháng công ty đã xuất ra thị trường hơn 30.114 con heo thịt và 28.487 tấn cây ăn trái, thu về 193 tỷ đồng doanh thu từ ngành cây ăn trái, 195 tỷ đồng từ ngành chăn nuôi và 60 tỷ đồng đến từ ngành phụ trợ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong tháng 8 của HAGL đạt 123 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng, HAGL đã thu về 2.708 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó 779 tỷ đồng từ ngành chăn nuôi, 1.472 tỷ đồng ngành cây ăn trái và 457 tỷ đồng ngành phụ trợ. Lợi nhuận sau thuế đạt 781 tỷ đồng, đạt 69% chỉ tiêu đề ra trong năm 2022.
Tương tự, việc chủ động được nguồn thức ăn cũng đã giúp doanh thu mảng chăn nuôi của BAF trên đà tăng. Theo lãnh đạo BAF, thức ăn chăn nuôi mà công ty sử dụng hoàn toàn không có chứa các thành phần có gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng các thành phần có gốc thực vật. Vì vậy, công ty không áp lực cạnh tranh giá với các công ty cám thương mại giảm giá thành từ đạm gốc động vật để cạnh tranh.
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã kiểm toán của BAF cho thấy, doanh thu thuần mảng chăn nuôi quý 2/2022 của công ty đạt 326 tỷ đồng, tăng 181% so với cùng kỳ 2021; doanh thu thuần mảng chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2022 đạt 620 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ 2021.
Trong 6 tháng đầu năm, BAF cung cấp cho thị trường hơn 140.000 heo giống và thịt. Công ty đặt kế hoạch năm 2023, xây dựng tổng sản lượng heo nái đạt 65.000 con, sản lượng heo thịt thương phẩm bán ra thông qua các kênh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo sạch - ngon của thị trường đạt khoảng 1.560.000 đầu heo/năm.
Tương tự, HAGL dự kiến năm 2023 sẽ đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối và 1 triệu con “heo ăn chuối”, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu Bapi Food “heo ăn chuối” với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền.