Hậu Giang có vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh minh họa) |
Ngày 16/7, tại thành phố Vị Thanh, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hậu Giang đã trao 12 chứng nhận quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 18.959 tỷ đồng; ký kết 8 biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát, đầu tư với tổng vốn đầu tư 204.649 tỷ đồng, ký kết hợp tác với 2 đơn vị, tổ chức và bản ghi nhớ với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp.
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, định hướng chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 dựa vào 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.
Trong đó, việc thu hút đầu tư là một trong những giải pháp then chốt, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cho tỉnh Hậu Giang.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, năm 2022, Hậu Giang phấn đấu kêu gọi 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến hơn 30.000ha, tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh kêu gọi 9 dự án vào khu công nghiệp; 7 dự án vào cụm công nghiệp; 21 dự án nông nghiệp; 31 dự án đô thị; 8 dự án du lịch.
Việc tỉnh chọn chủ đề năm nay là năm doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang.
Toàn cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Ảnh VGP |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về các yếu tố nền tảng để Việt Nam nói chung và Hậu Giang nói riêng thu hút đầu tư.
Đầu tiên, Thủ tướng nhấn mạnh, là một dân tộc trải qua nhiều mất mát, hi sinh, chịu nhiều gian khổ, khó khăn vì chiến tranh nên Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, tôn trọng, quý mến bạn bè, đối tác quốc tế.
Yếu tố nền tảng thứ hai, Việt Nam đang tập trung xây dựng 3 trụ cột gồm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa... để phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam
Để phát huy nền tảng này, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam về trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức và các năng lực khác; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.
Yếu tố nền tảng thứ ba, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy vì mục tiêu phát triển trên thế giới và khu vực và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; không chọn bên mà chọn công bằng, công lý, lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài, nhưng không tự cung, tự cấp mà chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Ảnh: VGP |
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định cam kết môi trường đầu tư của Việt Nam luôn luôn đổi mới, đổi mới tư duy, hành động, cải thiện môi trường đầu tư công khai, minh bạch, khách quan.
Trên tinh thần khiêm tốn, cầu thị học hỏi, lắng nghe, Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẵn sàng làm việc, chia sẻ, đối thoại với bất kỳ đối tác nào trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
“Chính phủ đồng hành thực chất cùng doanh nghiệp, sẵn sàng đối thoại, cầu thị lắng nghe các nhà đầu tư. Chia sẻ với doanh nghiệp khi gặp khó khăn nhưng phải đúng, không hợp thức cái sai. Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, bỏ mặc doanh nghiệp, phải tìm giải pháp phù hợp lợi ích quốc gia”, Thủ tướng nói.
KHÔNG ĐỂ TIỀM LỰC NGỦ QUÊN
Với Hậu Giang, Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần biến tiềm lực thành nguồn lực vật chất để phát triển, góp phần làm cho nhân dân ấm no, hạnh phúc. Phải biến khát vọng thành hành động thực chất, hiệu quả, đồng thời cân đối hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nhà nước.
Thủ tướng mong muốn Hậu Giang không để tiềm lực ngủ quên, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất cân đong đo đếm được, biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả; phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, nguồn lực con người; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo; không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể...
Đồng thời, Thủ tướng gợi mở một số lĩnh vực để các nhà đầu tư xem xét, cân nhắc, ưu tiên đầu tư vào Hậu Giang như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển đô thị; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển công nghiệp, nhất là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp thực phẩm.
Cùng với đó là nghiên cứu phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ; đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là đầu tư phát triển du lịch, logistics, hạ tầng thương mại, công nghệ thông tin…
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư đến với Hậu Giang với tình cảm, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, tin cậy, yêu quý mảnh đất, con người nơi đây, coi Hậu Giang là quê hương thứ hai, chia sẻ với người dân, với địa phương trên tinh thần "lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro".
Tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của hệ thống đường thủy nội địa sông Cửu Long, có tổng số 2.300 km sông, rạch, nằm ở trung điểm của nhiều tuyến đường cao tốc, cách sân bay và cảng biển chỉ 30 km từ ranh giới tỉnh. Với 78.000 ha đất trồng lúa, chiếm một nửa diện tích của tỉnh, Hậu Giang đóng vai trò then chốt trong an ninh lương thực quốc gia. Năm 2022, Hậu Giang kêu gọi đầu tư vào 87 dự án với quy mô đầu tư dự kiến hơn 30.000ha, tổng mức đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng. Cụ thể, tỉnh kêu gọi 9 dự án vào khu công nghiệp; 7 dự án vào cụm công nghiệp; 21 dự án nông nghiệp; 31 dự án đô thị; 8 dự án du lịch. |