Một số doanh nghiệp lớn phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập |
Ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn vốn
Đây là trả lời của chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh khi đứng trước câu hỏi có nên hạ chuẩn tín dụng khi doanh nghiệp đang “sốt ruột” bởi khó tiếp cận tín dụng.
Theo số liệu của Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) công bố cho thấy, tiếp cận tín dụng là mối lo lớn nhất với tỷ lệ lên tới 55,6%. Con số này tăng liên tục từ năm 2019 với tỷ lệ 34,8%, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021.
Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây (năm 2017 là 49,4%, đến năm 2022 chỉ còn 17,8%). Đồng thời, nhiều doanh nghiệp sốt ruột, than khó về vấn đề tiếp cận vốn vay.
Từ đó cũng đặt ra vấn đề về việc có nên chăng hạ chuẩn vay với doanh nghiệp để các đơn vị này có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. |
Trả lời vấn đề này với phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: “Ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp. Khi họ cho vay cần nghiên cứu doanh nghiệp đi vay có trả được nợ vay và lãi vay hay không? Vì vậy, ngân hàng phải theo “chuẩn mực” cho vay, từ đó đáp ứng nhu cầu về vốn và quản trị rủi ro của ngân hàng. Bởi vậy, không thể hạ được tiêu chuẩn vay".
Ví dụ về “chuẩn mực” này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho hay, các ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản thường đặt ra chuẩn cao hơn vì bất động sản ở giai đoạn này là tài sản rủi ro khá cao.
“Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại trong nền kinh tế chỉ được cho vay với lĩnh vực bất động sản với tỷ lệ rủi ro đã thay đổi. Tại từ Thông tư 22/2019/TT-NHNN nêu rõ, giá trị vay dưới 1,5 tỷ đồng thì hệ số rủi ro là 50%, từ 1,5 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng thì hệ số rủi ro là 100%, trên 4 tỷ đồng tương ứng với hệ số rủi ro là 120%, cho vay kinh doanh bất động sản có hệ số rủi ro là 200%. Như vậy, NHNN nhìn thấy rủi ro và buộc các ngân hàng thương mại phải thận trọng trong việc cho vay”.
Chuyên gia lý giải, tiêu chuẩn tín dụng đưa ra nhằm mục đích đảm bảo khách hàng trả được khoản vay và lãi vay. Như vậy, nếu hạ tiêu chuẩn tín dụng thì đồng nghĩa với việc đẩy rủi ro về phía ngân hàng. Hãy nhìn ngân hàng là một doanh nghiệp và ngân hàng cũng cần đảm bảo vốn của họ.
Lời giải cho các doanh nghiệp
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm, dù không thể hạ chuẩn tín dụng nhưng thời gian vừa qua, NHNN và các tổ tức tín dụng đã có các động thái nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp bằng việc giãn nợ, hạ lãi suất huy động để kích thích các doanh nghiệp vay vốn đầu tư giá rẻ, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia nhận định, không thể hạ chuẩn tín dụng, các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình. Ảnh minh họa. |
Để khắc phục bài toán này, ông Thịnh đưa ra lời giải: “Quan trọng nhất, bản thân các doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình trong năng lực tài chính để đảm bảo các điều kiện vay vốn của ngân hàng. Ngân hàng hiện nay rất muốn cho vay, nhưng họ phải tìm được doanh nghiệp có khả năng hoàn trả nợ và lãi vay để đảm bảo an toàn về vốn cũng như thực hiện đúng các quy định về điều kiện cho vay của các cơ quan Nhà nước".
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, thị trường chứng khoán đang ấm lên và sẽ tiếp tục ấm lên. Doanh nghiệp có thể dùng cách phát hành cổ phiếu bổ sung để tăng vốn.
Mặt khác, thị trường trái phiếu đã “dể thở” hơn. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác sẽ giúp gỡ nghẽn cho doanh nghiệp ở thời điểm này. Đồng thời, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm phương án xử lý trái phiếu. Thực tế cho thấy trong quý I/2023, lượng trái phiếu riêng lẻ phát hành tốt.
"Như vậy, cơ hội tìm nguồn vốn trung và dài hạn ở thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có nhiều thuận lợi được Nhà nước đặt vào tay các doanh nghiệp”, ông Thịnh nói.
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng năm 2022 đạt tốc độ 14,5%, cao hơn hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) đặt ra đầu năm.
Năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp, ưu tiên cao nhất đảm bảo thanh khoản, giữ vững ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ngành ngân hàng cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.
Đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp lâm - thủy sản Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong tháng 5 này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ ... |
Bức tranh tín dụng quý đầu năm: Ngân hàng nào đang dẫn đầu? Tốc độ tăng trưởng tín dụng quý I/2023 tương đối phân tán giữa các ngân hàng, trong đó một ngân hàng quy mô tương đối ... |
Sau gần 2 tháng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn chưa có chỗ tiêu Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, mặc dù gói ... |