Theo Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2023 và 5% trong năm sau. Mức dự báo này như vậy cao hơn so với con số 4,8% và 4,9% trước đây.
Giới chức Trung Quốc bất ngờ ngừng chính sách không COVID-19 vào tháng trước, tình trạng lây nhiễm COVID-19 lập đỉnh tại nhiều nơi trong vài tuần qua đã khiến cho nhiều người lạc quan về khả năng chi phí mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ chỉ ở mức hạn chế. Tiêu dùng người dân được dự báo sẽ hồi phục sau khi tình trạng lây nhiễm giảm đi và đó sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng.
Các chỉ số kinh tế chính của tháng 12/2022 và quý 4/2022 công bố bởi chính phủ Trung Quốc vào đầu tuần này cao hơn kỳ vọng của các chuyên gia, chính vì vậy loạt ngân hàng lớn như Goldman Sachs hay Societe Generale SA đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc.
Nhóm các ngân hàng trên dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc lên mức 5,8% từ mức 3,0% của năm 2022, con số này cao hơn đáng kể so với mức 5,1% theo dự báo của tháng 11/2022, các dự báo trên được tính toán trên cơ sở Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn vào thời điểm giữa năm 2023.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng của quý hiện tại sẽ hạ nhiệt còn 2,5%, giảm đáng kể so với ngưỡng 3,1% của trước đó và rồi sau đó sẽ tăng lên ngưỡng 6,8% trong giai đoạn quý 2/2022, theo khảo sát của Bloomberg.
“Quá trình mở cửa nhanh chóng này đã khiến cho nhiều người hy vọng vào một cú huých kinh tế, đặc biệt với tiêu dùng tư nhân, tuy nhiên sẽ vẫn có những sự chuyển giao ít nhất trong quý 1/2022”, theo chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Coface – ông Bernard Aw nhận xét.
Hiện kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức ví như niềm tin người tiêu dùng suy giảm và thị trường lao động thiếu nhân lực, xuất khẩu suy giảm.
“Hiện đang có rủi ro rằng, bất chấp các biện pháp chính sách và mở cửa, Trung Quốc sẽ vẫn không thể có được cú huých kinh tế mà nước này kỳ vọng”, ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có đối thoại riêng nhằm giải quyết những vấn đề khác biệt quan điểm trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này, theo khẳng định của quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ.
Đây là dấu hiệu cho thấy rằng giới chức hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng hành động để làm giảm căng thẳng, phát đi thông điệp tích cực trong tương lai, theo nội dung bài đăng mới đây trên Bloomberg.
Cuộc họp của hai nhà lãnh đạo này mới chỉ được thông báo hai ngày trước đây. Theo quan điểm từ cả hai phía, đây là một bước để hướng tới tăng cường đối thoại về những vấn đề hai bên còn bất đồng.
Theo công bố của Bộ Tài chính Mỹ về kết quả của cuộc gặp này, nó đã được tiến hành trên tinh thần tích cực và xây dựng, đồng thời hai bên cũng công bố về kế hoạch để Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến Bắc Kinh ngay trong năm nay.
Trong những vấn đề còn gây tranh cãi bao gồm việc Trung Quốc phản đối việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu và đầu tư. Những tháng gần đây, Mỹ đã khiến cho Bắc Kinh tức giận bởi việc cố gắng chặn Trung Quốc tiếp cận với ngành bán dẫn, công nghệ mà phía Trung Quốc coi như vô cùng quan trọng với quá trình phát triển kinh tế.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong các cuộc đối thoại chính là những nỗ lực của Mỹ trong việc hạ nhiệt lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế cũng như tình trạng siết chặt tín dụng trên thị trường bất động sản Trung Quốc, theo những thông tin được tiết lộ. Hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ cũng bàn đến vấn đề nhiều nước thu nhập thấp và trung bình đang đương đầu với tình trạng nợ nần tăng cao.