Cảnh giác với chiêu trò giả mạo nhân viên điện lực, cài ứng dụng lừa đảo
Lời cảnh tỉnh từ vụ lừa đảo của Tiktoker Mr Pips và các hoạt động đầu tư trực tuyến |
Lừa đảo cài ứng dụng điện lực giả xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Ông Lê Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung cho biết, chỉ trong tháng 11, đã có tới 254 cuộc gọi từ khách hàng ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên gọi đến tổng đài 19001909 phản ánh về tình trạng giả danh nhân viên điện lực. Các đối tượng này thường yêu cầu khách hàng làm theo các bước như tải ứng dụng giả mạo, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chúng…
Riêng trong nửa tháng qua, đã có 3 trường hợp khách hàng tại miền Trung - Tây Nguyên bị lừa đảo chiếm đoạt gần 600 triệu đồng.
Một cuộc gọi giả danh nhân viên Điện lực Liên Chiểu (Đà Nẵng) đề nghị khách hàng kết bạn qua Zalo để gửi thông tin thanh toán tiền điện. |
Các đối tượng giả danh nhân viên điện lực, gọi điện yêu cầu khách hàng kết bạn qua Zalo và hướng dẫn cài đặt lại ứng dụng điện lực giả để thanh toán tiền điện. Đồng thời yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng qua các đường link.
Cụ thể, Anh T.S (Đà Nẵng) cho biết đã nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên điện lực, yêu cầu thanh toán tiền điện tháng 10. Đối tượng gợi ý anh kết bạn qua Zalo và gửi đường link cài ứng dụng điện lực để thanh toán. Ngay sau khi cài ứng dụng và nhập thông tin tài khoản ngân hàng, toàn bộ số tiền trong tài khoản của anh đã bị mất (230 triệu đồng).
Trước đó tại Đắk Lắk cũng xảy ra 2 trường hợp với thủ đoạn lừa đảo tương tự, trong đó một khách hàng bị mất 341 triệu đồng, một người bị mất hơn 23 triệu đồng.
Điện lực Kon Tum liên tục nhận được phản ánh về chiêu trò giả danh nhân viên điện lực để lừa đảo
Trong tháng 11, 12/2024, Công ty Điện lực Kon Tum cũng cho biết liên tục nhận được thông tin phản ánh từ khách hàng về việc các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên điện lực gọi điện thông báo khách hàng chưa đóng tiền điện và yêu cầu kết bạn Zalo để đề nghị cung cấp thông tin, làm theo hướng dẫn với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Vừa qua, bộ phận giao tiếp khách hàng của Điện lực Sa Thầy (Kon Tum) tiếp nhận thông tin phản ánh từ khách hàng Hoàng Văn Đại về việc đã thanh toán hóa đơn tiền điện định kỳ bằng ứng dụng ngân hàng nhưng nhân viên điện lực vẫn gọi báo khách hàng chưa thanh toán tiền điện và có lịch cắt điện. Điện lực Sa Thầy đã xác định đây là cuộc gọi lừa đảo.
Tại địa bàn huyện Đăk Hà, nhiều khách hàng liên tục nhận được các cuộc gọi với nội dung đòi nợ tiền điện, khi khách hàng thông báo đã nộp tiền thì yêu cầu kết bạn Zalo với bộ phận kỹ thuật và gửi xác nhận thanh toán.
Công ty Điện lực Kon Tum cho biết đã ghi nhận 10 trường hợp đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên điện lực gọi điện cho khách hàng tại địa bàn các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum với các nội dung đòi nợ tiền điện, yêu cầu xác nhận thanh toán…
Tuyệt đối không chuyển tiền điện đến tài khoản cá nhân, không cài đặt ứng dụng lạ vào điện thoại
Theo ông Đồng Xuân Nhung - Giám đốc Điện lực Đăk Hà (Kon Tum), việc các đối tượng lừa đảo gọi điện cho khách hàng và yêu cầu làm theo hướng dẫn không những gây phiền hà cho người dân, nguy cơ một số người không nắm bắt được thông tin sẽ bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành điện.
Khuyến cáo của Tổng Công ty Điện lực miền Trung. |
Trước tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên điện ngày càng nhiều, ông Lê Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung khuyến cáo, khách hàng sử dụng điện tại miền Trung - Tây Nguyên chỉ tải app EVNCPC CSKH từ Google Play (hệ điều hành Android) hoặc App Store (hệ điều hành iOS).
Đặc biệt, người dân cần nâng cao cảnh giác với các đường link và ứng dụng giả mạo qua điện thoại hay các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Tuyệt đối không nên thanh toán tiền điện qua tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc tài khoản của doanh nghiệp khi chưa được xác minh.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết thêm, Công ty thông báo tiền điện và nhắc nợ qua các kênh khách hàng đã đăng ký như ứng dụng, email,...; ngoài ra có gọi điện nhắc nợ trong trường hợp khách hàng chậm thanh toán tiền điện. Tuy nhiên, khách hàng có thể nộp tiền điện qua các đơn vị thu hộ ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian như những tháng trước. Tuyệt đối không cung cấp chứng từ, thông tin cá nhân, kết bạn Zalo, truy cập link website lạ; quét mã QR hoặc đăng nhập tài khoản ngân hàng trên các ứng dụng lạ;...
Nhiều chiêu trò bán vé máy bay Tết 2025 giá rẻ để lừa đảo người lao động, chuyên gia khuyến cáo gì? Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, vé ... |
Dịp cận Tết, người lao động cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mua hàng, nhận quà trúng thưởng qua mạng Nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đăng ... |
Vay "nóng" để đáo hạn thẻ tín dụng, cẩn thận các rủi ro pháp lý, lộ thông tin cá nhân Hiện nay, thẻ tín dụng được sử dụng rộng rãi, nhu cầu sử dụng thẻ tăng cao, kéo theo đó dịch vụ “đáo hạn” thẻ ... |