Ngân hàng Nhà nước quản lý vấn đề an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ ngân hàng như thế nào?
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 10: Các ngân hàng cần rà soát vấn đề thẻ một cách tổng thể |
Thời gian qua, NHNN đã triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện. |
Tổ chức phát hành thẻ và khách hàng phải có thỏa thuận bằng văn bản trước khi phát hành và sử dụng thẻ
Về việc quản lý, phát hành hoạt động thẻ ngân hàng nói chung và phí dịch vụ thẻ nói riêng, ngày 28/6/2024, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (Thông tư số 18); theo đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư bao gồm: Hoạt động phát hành, sử dụng, thanh toán, chuyển mạch, bù trừ điện tử và quyết toán giao dịch thẻ.
Tại Khoản 27 Điều 3 Thông tư 18/2024/TT-NHNN có quy định: Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ là thỏa thuận bằng văn bản giữa TCPHT với chủ thẻ về việc phát hành và sử dụng thẻ.
Liên quan đến phí dịch vụ thẻ, tại Điều 5 Thông tư số 18 đã quy định cụ thể: Chỉ tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) được thu phí đối với chủ thẻ theo Biểu phí dịch vụ thẻ do TCPHT đã công bố, đảm bảo: Biểu phí dịch vụ thẻ phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại thẻ và dịch vụ thẻ; Biểu phí dịch vụ thẻ của TCPHT phải phù hợp với quy định của pháp luật, được niêm yết công khai và phải cung cấp cho chủ thẻ trước khi sử dụng và khi có sự thay đổi; Các hình thức, thời hạn thông báo và cung cấp thông tin về phí cho chủ thẻ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thời gian từ khi thông báo đến khi áp dụng các thay đổi về phí tối thiểu là 7 ngày; TCPHT không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài Biểu phí TCPHT đã công bố.
Điểm b khoản 2 Điều 10 quy định về Phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử: Có biện pháp kỹ thuật sử dụng hình thức xác nhận bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thẻ (đối với khách hàng cá nhân) hoặc đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) đối với các nội dung tại hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ;
Điểm đ, g Điều 12 quy định về Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ: Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ phải bao gồm tối thiểu các nội dung sau: quy định về phí (các loại phí, các thay đổi về phí).
Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, bao gồm hạn mức (hạn mức thanh toán, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác) và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương pháp tính lãi trong hoạt động cấp tín dụng theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích cấp tín dụng, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng;...
Điểm g Khoản 1 Điều 14 quy định về Cấp tín dụng qua thẻ: TCPHT thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ các quy định nêu trên tại Thông tư số 18, TCPHT và khách hàng phải có thỏa thuận bằng văn bản trước khi phát hành và sử dụng thẻ (ký hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ, trong đó có nội dung thỏa thuận về các loại phí, các thay đổi về phí liên quan đến thẻ). Như vậy, vấn đề về phí dịch vụ thẻ là thỏa thuận dân sự giữa TCPHT và khách hàng, đã được sự đồng ý của khách hàng trước khi TCPHT phát hành thẻ cho khách hàng.
Quy định của Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ
Khoản 1 Điều 17 Thông tư 18 quy định về Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong sử dụng thẻ: TCPHT phổ biến, hướng dẫn cho khách hàng về dịch vụ thẻ, thao tác sử dụng thẻ đúng quy trình, các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng thẻ và cách xử lý khi gặp sự cố, những hành vi bị cấm khi sử dụng thẻ và trách nhiệm của chủ thẻ khi vi phạm.
Bên cạnh đó, NHNN đã có những văn bản (như công văn 2235/NHNN-TT ngày 21/3/2024 về việc triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thẻ ngân hàng) chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện:
- Rà soát đảm bảo các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi đối với từng loại thẻ phát hành tuân thủ đúng quy định của NHNN và pháp luật liên quan; đồng thời phải công khai minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin và có biện pháp đảm bảo khách hàng đã nắm được các thông tin về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các loại phí, lãi suất, phương pháp tính lãi (đặc biệt là với thẻ tín dụng) và những thay đổi (nếu có) trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ.
- Trường hợp phát hiện các vấn đề bất thường trong việc sử dụng thẻ của khách hàng (như không phát sinh giao dịch, phát sinh nợ quá hạn kéo dài, …) thông qua quá trình kiểm soát, giám sát, TCPHT cần chủ động thông tin đến khách hàng và phối hợp các bên liên quan có biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng và TCPHT.
- Thực hiện các biện pháp truyền thông tới khách hàng (qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông mà khách hàng dễ dàng tiếp cận) về quyền và trách nhiệm của khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng; khuyến cáo khách hàng các biện pháp bảo mật dữ liệu cá nhân, thông tin thẻ ngân hàng tránh rủi ro lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin thẻ sử dụng cho các mục đích bất hợp pháp.
Hành vi vi phạm liên quan hoạt động thẻ ngân hàng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật
Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/20219 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021), trong đó có quy định về việc hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt tiền về hoạt động thẻ ngân hàng (Điều 28).
Ngoài ra, Thông tư số 18 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị, Vụ, Cục, cơ quan thuộc NHNN trong quản lý hoạt động thẻ ngân hàng:
Vụ Thanh toán có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thẻ, nếu phát hiện các hành vi vi phạm hành chính không thuộc lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, các đơn vị chức năng của NHNN sẽ chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ngân hàng thương mại có hành vi vi phạm liên quan hoạt động thẻ ngân hàng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Công nhân, người lao động cần làm gì để quản lý, sử dụng thẻ sao cho an toàn, hiệu quả?
Thời gian vừa qua, NHNN đã ban hành một số quy định hướng dẫn về hoạt động thanh toán nói chung, hoạt động thẻ ngân hàng nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc quy định trách nhiệm của các TCPHT, Tổ chức thanh toán thẻ (trong việc quản lý rủi ro khi phát hành các loại thẻ …), NHNN có những khuyến nghị tới khách hàng (người dân) nói chung và người lao động nói riêng khi sử dụng thẻ ngân hàng, cụ thể:
- Nắm bắt được trách nhiệm của TCPHT đối với khách hàng (như quy định tại Khoản 1 Thông tư số 18): thực hiện quản lý rủi ro khi phát hành các loại thẻ; Phổ biến, hướng dẫn cho khách hàng về dịch vụ thẻ, thao tác sử dụng thẻ đúng quy trình, các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng thẻ và cách xử lý khi gặp sự cố, những hành vi bị cấm khi sử dụng thẻ và trách nhiệm của chủ thẻ khi vi phạm; Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro cho giao dịch thẻ theo các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử; bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động thẻ; bảo đảm hệ thống cơ sở hạ tầng, ...; Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình phát hành và sử dụng thẻ…; TCPHT phải thường xuyên cảnh báo, hướng dẫn cho khách hàng về các phương thức thủ đoạn tội phạm trong phát hành và sử dụng thẻ; hướng dẫn việc bảo mật thông tin dữ liệu và việc sử dụng thẻ an toán…).
- Nắm bắt và thực hiện quyền của khách hàng: Trước khi phát hành thẻ, khách hàng yêu cầu TCPHT cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan về dịch vụ, đọc kỹ, đầy đủ thỏa thuận phát hành và sử dụng thẻ để nắm thông tin, chính sách cụ thể của TCPHT đó đối với loại thẻ phát hành.
Chủ thẻ phải bảo quản thẻ, bảo mật PIN, các mã số xác nhận chủ thẻ khác, các thông tin thẻ, thông tin giao dịch, không để lộ thông tin thẻ; thông báo và phối hợp với TCPHT để xử lý khi xảy ra các trường hợp mất thẻ hoặc có yêu cầu tra soát, khiếu nại.
Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến tài chính toàn diện đến mọi người dân, tầng lớp lao động thông qua việc phối với các đơn vị báo chí, truyền thông để tổ chức các chương trình, Hội thảo, Gameshow như: “Tiền khéo, tiền khôn” (trên VTV3); sự kiện Ngày Thanh toán không dùng tiền mặt, Ngày thẻ Việt Nam là chuỗi sự kiện được tổ chức hằng năm; chương trình “Tay hòm chìa khóa” (trên VTV1) nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho khách hàng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Về tình hình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và phát triển thanh toán thẻ ngân hàng nói riêng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án), trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có sản phẩm, dịch vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Để triển khai nhiệm vụ tại Đề án, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động để đẩy mạnh lĩnh vực thanh toán điện tử cũng như thúc đẩy thói quen TTKDTM của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động TTKDTM tiếp tục tăng trưởng tốt, hệ thống thanh toán hoạt động thông suốt, an toàn. Giao dịch TTKDTM 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ tăng trưởng 58,2% về số lượng và 35% về giá trị; qua kênh Internet tăng gần 50% về số lượng và 32,1% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,5% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị. Giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 2,83% về số lượng và tăng 26,9% về giá trị. Đến hết tháng 6 năm 2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 153,7 nghìn thẻ tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; số lượng giao dịch thẻ đạt hơn 1,1 tỷ giao dịch tăng gần 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đến cuối năm 2023, hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. |
Từ cuộc khảo sát 500 công nhân dùng thẻ ATM: Những con số không thể làm ngơ Nhằm mang đến những thông tin khách quan, xác thực trước thực trạng sử dụng thẻ ATM trong công nhân, lao động, nhất là họ ... |
"Bẫy nợ" thẻ ngân hàng - Bài 1: Công nhân vướng nợ xấu gần chục năm mà không biết Nhận thông báo về khoản nợ vay quá hạn tới hơn 7,5 triệu đồng từ một ngân hàng, chị X. lo lắng, suy sụp… |
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 2: Những chiếc thẻ ngân hàng làm công nhân khốn khổ Mỗi lần nhảy việc, công nhân sở hữu thêm một thẻ ATM. Thẻ cũ không dùng vẫn bị thu phí, dẫn đến nhiều hệ lụy, ... |