Lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón sẽ giảm tốc những tháng cuối năm?
Ảnh minh họa |
Trong 6 tháng đầu năm, phân bón là nhóm ngành tăng trưởng tốt với kết quả kinh doanh nổi bật nhờ hưởng lợi từ giá tăng cao.
Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, giá phân bón xuất khẩu đã tăng 97% so với 6 tháng đầu năm 2021, lên mức bình quân 648 USD/tấn. Riêng trong tháng 6 giá xuất khẩu phân bón đã nhích lên 679 USD/tấn.
Động lực cho sự tăng giá phân bón chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất và chi phí vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân bón nên nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, đẩy giá phân bón leo thang.
Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, nhiều doanh nghiệp phân bón của Việt Nam đã tận dụng cơ hội, đẩy mạnh việc xuất khẩu phân bón sang các thị trường như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Myanmar, Lào, Thái Lan, Nhật Bản,...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7, xuất khẩu phân bón đã đạt 1.043.287 tấn với giá trị 676,040 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021 tăng 49,42% về lượng và tăng 2,76 lần về giá trị. Trong 6,5 tháng qua, dù lượng phân bón xuất khẩu chưa bằng năm 2021 nhưng về kim ngạch đã vượt qua.
Lợi nhuận bước qua vùng đỉnh?
Nhờ hưởng lợi từ giá bán tăng cao và hoạt động xuất khẩu thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm của phần lớn các doanh nghiệp phân bón như Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Cà Mau (DCM), DAP-Vinachem (DDV),... đều ghi nhận mức tăng trưởng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, so với mức đỉnh đạt được vào quý 1, lợi nhuận quý 2 của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau đều giảm mạnh.
Theo đó, trong quý 2, Đạm Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.013 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.291 tỷ đồng; tăng lần lượt 71% và 86% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp đạt 38,5%, cải thiện so với con số 32% của cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức 48% của quý 1.
Lợi nhuận sau thuế trong quý 2 đạt 1.256 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn kém xa mức lãi kỷ lục 2.126 tỷ đồng của quý 1 năm nay.
Như vậy, đúng như SSI Research dự báo lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ sẽ đi theo xu hướng giá urê, đạt được mức cao nhất về giá trị tuyệt đối trong quý 1/2022, sau đó giảm dần trong quý 2 và quý 3, nhưng có thể cải thiện trong quý 4 khi mùa cao điểm bắt đầu.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ đạt 10.842 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.417 tỷ đồng LNST; tăng 122% về doanh thu và gấp 3,9 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Sau nửa năm, công ty đã thực hiện 63% kế hoạch doanh thu và hơn 98% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự, sau quý đầu năm đạt kỷ lục LNST lên tới 1.518 tỷ đồng, sang quý 2, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt gần 4.084 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 33%, tăng so với con số 21% cùng kỳ nhưng thấp hơn mức 46,2% của quý 1. LNST cao gấp 3,5 lần cùng kỳ, đạt 1.039 tỷ đồng nhưng vẫn thấp hơn khoảng 32% so với quý trước đó.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty tăng tới 90% so với cùng kỳ lên 8.428 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 2.554 tỷ đồng, tăng 473% so với nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, Đạm Cà Mau đã hoàn thành 93% kế hoạch về doanh thu và vượt xa mục tiêu về lợi nhuận.
LNST quý 2 của DPM, DCM đều giảm mạnh so với con số kỷ lục ở quý 1 và là mức thấp nhất trong 3 quý trở lại đây. |
Trong khi Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau báo lãi quý 2 giảm mạnh so với quý 1 nhưng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ thì Phân bón Bình điền (BFC) lại ước tính kết quả kinh doanh quý 2 thậm chí thụt lùi so với cùng kỳ. Cụ thể, công ty ước tính tổng doanh thu đạt 1.833 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 75 tỷ đồng, lần lượt giảm 22,6% và 25,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong quý I/2022, Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.594 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và LNST đạt 86,3 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, DAP-Vinachem (mã DDV) là doanh nghiệp phân bón hiếm hoi vẫn tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận trong quý 2. Theo đó, doanh thu quý 2 của công ty đạt 858 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp ở mức 21,2% cao hơn mức 12,9% cùng kỳ nhưng chỉ tương đương so với quý 1. LNST đạt 156,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ trong khi quý 1 tăng trưởng gấp 3,8 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, DAP-Vinachem ghi nhận doanh thu thuần tăng 25,6% lên 1.721 tỷ đồng. LNST tăng 224,5% lên gần 293 tỷ đồng và đã vượt xa kết quả của cả năm 2021.
Giá phân bón đảo chiều, hoạt động kinh doanh sẽ không còn thuận lợi những tháng cuối năm
Trong một báo cáo mới công bố, bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho biết, giá phân bón thế giới đã hạ nhiệt từ tháng 5 trở lại đây mặc dù vẫn ở mức cao so với mặt bằng của những năm trước. Giá ure tại Bắc Mỹ đã giảm hơn 33% từ đỉnh, hiện đang giao dịch dưới 600 USD/tấn. Cũng theo xu hướng này, giá ure tại Việt Nam đã giảm xuống còn 15.000 đ/kg từ mức 18.500 đ/kg.
Theo Agriseco Research, hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào như than, khí tự nhiên đảo chiều giảm làm giảm áp lực lên giá phân bón. Lượng phân bón tồn kho trên thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ, đang tăng mạnh khi nông dân hạn chế mua vì giá quá cao cũng là yếu tố cho thấy giá phân bón nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt.
Agriseco Research dự báo giá phân bón có thể tiếp tục giảm tới cuối năm 2022 và kéo dài sang năm 2023 trước khi hình thành mặt bằng giá mới. Bên cạnh đó, tồn kho phân bón thế giới đang tăng mạnh cũng là dấu hiệu cho thấy giá phân bón sẽ còn tiếp tục giảm thời gian tới.
Nhóm phân tích cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng chính sách cấm hoặc hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, các chính sách sẽ hết hiệu lực từ năm 2023, khi đó nguồn cung phân bón trên thế giới sẽ được gia tăng đáng kể. Đối với ngành phân bón, nhu cầu đã tương đối bão hòa và ổn định.
"Hai năm qua giá phân bón tăng mạnh là do yếu tố nguồn cung thiếu hụt và nguyên liệu đầu vào tăng cao. Khi các yếu tố đó không còn nữa thì giá có thể hạ nhiệt và trở thành thách thức với nhóm ngành này", Agriseco Research nhìn nhận.
Trước đó, trong báo cáo về ngành phân bón, Chứng khoán KIS cũng đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp phân bón có thể chậm lại. Cụ thể, công ty chứng khoán này cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành đã đạt đỉnh mới trong quý 1/2022 tại mức 31,7% và có thể giảm trong những quý tiếp theo nếu giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tới, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu.
Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, mặc dù giá phân bón vẫn ở mức cao so với các năm trước nhưng đã có dấu hiệu giảm nhiệt so với những tháng đầu năm. Do đó đây cũng là một yếu tố cần lưu ý với các doanh nghiệp phân bón. Và nếu xu hướng giảm này tiếp tục duy trì, lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón trong 6 tháng cuối năm sẽ khó tránh khỏi những tác động.