Năm 2030, thu nhập của một người Việt Nam chỉ bằng Malaysia năm 2007
Ảnh minh họa |
Nhìn dãy số liệu từ 2020 trở về trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước cũng rất khiêm tốn.
Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.552 USD, chỉ đứng thứ 6 Đông Nam Á, không hơn nhiều Lào, Campuchia, Myanmar nhưng lại thua xa Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan.
GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với các nước nên thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam cũng vẫn ở mức khiêm tốn.
Từ năm 2010 đến nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng thêm được 1.999 USD, cao hơn mức tăng của Malaysia (1.361 USD), Indonesia (747 USD), Philippines (1.081 USD) và tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của thế giới (1.351 USD). Nhưng một số nước xung quanh lại có mức tăng nhanh hơn so với Việt Nam.
Chẳng hạn, theo số liệu tại Các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc tăng 5.950 USD, Thái Lan tăng 2.113 USD.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng giảm dần, thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa.
Cụ thể, Chiến lược lần thứ nhất 1991-2000, tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,56%, trong đó năm cao nhất là 9,5% (năm 1995). Chiến lược lần thứ hai 2001-2010, tăng trưởng bình quân đạt 7,26%, trong đó năm cao nhất là 8,7% (năm 2005). Chiến lược lần thứ ba 2011-2020, tăng trưởng bình quân đạt 5,95% (GDP chưa đánh giá lại), trong đó năm cao nhất là 7,08% (năm 2018).
Thời gian tới, các dự báo về tăng trưởng cho thấy nếu không cải cách, cùng với lực cản là tăng trưởng lực lượng lao động chững lại, tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm.
"Nguy cơ Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn về năng suất so với các quốc gia trong khu vực, thậm chí nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là khá lớn", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn thẳng vào sự thật.
Kịch bản 1 (Kịch bản thấp), thu nhập bình quân đầu người dự báo đến năm 2030 đạt hơn 7.000 USD/người, đến năm 2040 đạt khoảng 13.000 USD/người và năm 2050 đạt khoảng 25.000 USD/người.
Kịch bản 2 (Kịch bản phấn đấu), tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2021-2025; đạt bình quân 7,48%/năm trong giai đoạn 2026-2030. Tính chung cả giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 7,05%/năm. Giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm.
Đối với Kịch bản 1, các điều kiện bên ngoài là ít thuận lợi, khả năng tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khả năng cải thiện các yếu tố nội tại của nền kinh tế.
Bộ KH-ĐT đánh giá kịch bản này có khả năng xuất hiện cao hơn do đòi hỏi đẩy mạnh cải cách không nhiều, cơ bản theo xu hướng đã diễn ra trong giai đoạn 2011-2020.
Đối với Kịch bản 2, khả năng đạt được các yêu cầu này là tương đối cao về tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), tăng trưởng năng suất lao động. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế quốc tế cũng cần có nhiều yếu tố thuận lợi. Trên cơ sở phân tích các yếu tố bối cảnh thế giới và nội tại nền kinh tế, Bộ KH-ĐT đánh giá khả năng xảy ra Kịch bản 2 cũng khá cao.
Về thu nhập bình quân đầu người, dự báo đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, đến năm 2040 đạt hơn 14.500 USD và năm 2050 đạt khoảng 32.000 USD. Như vậy, ở kịch bản này, theo chuẩn hiện nay của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2040 sẽ tương đương ngưỡng thu nhập cao.
Tuy vậy, mức phấn đấu cho 10, 20 năm này cũng chỉ bằng nhiều nước Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.
"Để đạt được mục tiêu đến năm 2045 ở thành nước phát triển, có thu nhập cao và xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần thúc đẩy các yếu tố trong nước để thực hiện được theo kịch bản này", Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.