Nền kinh tế bạc - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam

10/06/2024 18:22 Chuyện Công ty tôi TS.LS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB)
Nền kinh tế bạc (Silver Economy) là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến việc phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Cùng với sự già hóa dân số, nền kinh tế bạc ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia. Bài viết đề cập tới kinh nghiệm phát triển nền kinh tế bạc của một số quốc gia và đềxuất chính sách cho Việt Nam.
Nền kinh tế bạc - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam
TS.LS Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB). Ảnh: TGCC.

1. Một số vấn đề chung về nền kinh tế bạc

​Theo định nghĩa từ Oxford Economics, nền kinh tế bạc bao gồm mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của những người từ 50 tuổi trở lên, cũng như ảnh hưởng kinh tế mà việc tiêu dùng này tạo ra. Khái niệm nền kinh tế bạc bắt nguồn từ thuật ngữ “thị trường bạc” xuất hiện ở Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất trong những năm 1970, để chỉ thị trường cho người cao tuổi, tập hợp các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, năng lượng, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch, cùng những lĩnh vực khác.

Phát triển nền kinh tế bạc được coi là xu hướng tất yếu trong bối cảnh già hóa dân số. Trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2023, Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc xác định "già hóa dân số" là một xu hướng mang tính toàn cầu. Con người sống lâu hơn nhờ những bước tiến vượt bậc về y tế, điều trị y khoa, tiếp cận giáo dục và giảm tỷ lệ sinh. Ước tính thế giới hiện có trên 761 triệu người từ 65 tuổi trở lên, con số này dự kiến tăng lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên trên thế giới cũng tăng nhanh chóng.

Khi tuổi tác tăng lên, nhu cầu về sức khỏe thể chất, chăm sóc hàng ngày và chăm sóc dài hạn của người cao tuổi cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, người cao tuổi trên 80 tuổi có nhu cầu đặc biệt cấp thiết về các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, bao gồm nhiều cấp độ hỗ trợ cuộc sống, chăm sóc phục hồi chức năng, phòng ngừa và quản lý bệnh tật. Bên cạnh đó, với thời gian rảnh rỗi nhiều hơn, nền tảng kinh tế ổn định hơn, người cao tuổi ngày càng có xu hướng theo đuổi những hoạt động có thể làm phong phú đời sống tinh thần, giúp họ thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống hưu trí như tham gia du lịch, trau dồi sở thích, tham gia các hoạt động văn hóa…

Theo nghiên cứu, bên cạnh những điểm chung, mỗi nhóm người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau có những nhu cầu riêng, nếu như người mới nghỉ hưu hướng nhiều tới đời sống cộng đồng, văn hóa và giải trí thì nhóm người cao tuổi hơn hướng nhiều tới chăm sóc sức khỏe và nhóm người rất cao tuổi hướng tới chăm sóc sức khỏe, sự an nhàn và tiện nghi trong cuộc sống. Với những đặc điểm nêu trên, già hóa dân số được coi là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội toàn cầu; các quốc gia đang tìm cách giải quyết các vấn đề do già hóa dân số gây ra thông qua việc phát triển nền kinh tế bạc. Có thể khẳng định, sự già hóa dân số và nhu cầu đặc thù của người cao tuổi là cơ sở nền tảng của nền kinh tế bạc, thúc đẩy hình thành trụ cột mới phát triển kinh tế chất lượng cao nhằm duy trì, giảm bớt gánh nặng kinh tế dành cho người cao tuổi, thúc đẩy sự hài hòa và ổn định xã hội đồng thời là động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao. Những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu đặc biệt của người cao tuổi ở mọi lứa tuổi là rất quan trọng để nắm bắt chính xác xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế bạc và cung cấp các dịch vụ chu đáo và chất lượng cao hơn cho người cao tuổi.

Thực tế thời gian vừa qua cho thấy nền kinh tế bạc ngày càng được quan tâm ở các quốc gia. Năm 2020, thị trường toàn cầu cho sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi được ước tính đạt giá trị khoảng 15 nghìn tỷ USD. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc, do tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP, với những quốc gia như Ý và Đức có tỷ lệ dân số cao tuổi đặc biệt cao. Phạm vi của nền kinh tế bạc không chỉ bao gồm chăm sóc sức khỏe mà còn mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, nền kinh tế bạc tác động đến nhiều lĩnh vực của kinh tế: giải trí, giao thông, thực phẩm, an ninh, y tế, nhà ở, bảo hiểm, dịch vụ kỹ thuật số... Rất nhiều lĩnh vực, ngoài giá trị xã hội, còn tạo ra cơ hội đầu tư, khởi nghiệp, tạo việc làm. Có thể kể đến:

- Chăm sóc sức khỏe: Dịch vụ y tế, bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, dịch vụ chăm sóc tại nhà, và các sản phẩm, thiết bị y tế đặc thù cho người cao tuổi;

- Bất động sản: Nhà ở chuyên biệt, các trung tâm chăm sóc dài hạn, cơ sở dưỡng lão, và các khu nghỉ dưỡng thân thiện với người cao tuổi;

- Giáo dục và đào tạo: Các chương trình học tập suốt đời, đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp để người cao tuổi có thể tiếp tục tham gia lực lượng lao động và vui sống;

- Vui chơi giải trí: Du lịch, hoạt động giải trí, sự kiện văn hóa và nghệ thuật, thể thao, các câu lạc bộ xã hội;

- Công nghệ: Thiết bị thông minh trên nền tảng AI, ứng dụng di động, trợ lý ảo, và robot hỗ trợ giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của người cao tuổi. Theo một nghiên cứu, thị trường toàn cầu về “công nghệ cao cấp dành cho người lớn tuổi” sẽ đạt 82 tỉ USD vào năm 2030;

- Dịch vụ tài chính: Bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng, tiết kiệm hưu trí, tư vấn tài chính cá nhân và đầu tư, quản lý tài sản cho người cao tuổi;

- Thực phẩm và dinh dưỡng: Sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng được thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của người cao tuổi;

- Giao thông và vận chuyển: Các dịch vụ vận chuyển, phương tiện giao thông dễ điều khiển, dễ tiếp cận và phù hợp cho người cao tuổi, cùng với các ứng dụng hỗ trợ di chuyển;

- Lao động và việc làm: Chính sách khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, cung cấp cơ hội việc làm bán thời gian hoặc tư vấn chuyên môn, giúp họ tiếp tục đóng góp vào lực lượng lao động…

Như vậy, phạm vi của nền kinh tế bạc bao trùm mọi khía cạnh cuộc sống của người cao tuổi, nhấn mạnh việc phát triển một thị trường đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của họ. Điều này vừa mở ra cơ hội vừa đặt ra những yêu cầu, thách thức đối với mỗi quốc gia trong việc chủ động hoạch định, phát triển nền kinh tế bạc phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia mình.

Nền kinh tế bạc - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam
Ông Quàng Văn Hó (sinh năm 1951)- tấm gương điển hình trong phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN.

2. Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế bạc của một số quốc gia

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng các chính sách về nền kinh tế bạc và phát triển nền kinh tế bạc đạt được những thành tựu đáng kể. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập tới kinh nghiệm của một số quốc gia qua đó có thể tìm kiếm những tham khảo, giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam để vừa giải quyết vấn đề xã hội của người già, vừa tạo ra một nền kinh tế khổng lồ, một động cơ mới cho nền kinh tế đất nước.

2.1. Đức

Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số cao tuổi lớn nhất tại châu Âu, với hơn 22% dân số trên 65 tuổi. Tỷ lệ này sẽ tăng từ 22% lên 28% vào năm 2040 trong khi số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm xuống dưới 50% dân số. Điều này đòi hỏi Đức cần có những chính sách đặc biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhóm dân số này. Một số nét nổi bật của nền kinh tế bạc tại Đức là:

Thứ nhất, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm xã hội. Đức có một hệ thống bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe được tổ chức chặt chẽ theo đó:

- Bảo hiểm chăm sóc dài hạn: Được triển khai từ năm 1995, đây là một trong những hệ thống tiên tiến nhất trên thế giới. Bảo hiểm này hỗ trợ người cao tuổi trong chăm sóc sức khỏe tại nhà và tại các cơ sở chăm sóc chuyên biệt.

- Chăm sóc từ xa: Với hệ thống telemedicine, người cao tuổi có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không cần di chuyển nhiều.

- Tích hợp dịch vụ y tế và xã hội: Dịch vụ y tế và xã hội được kết hợp một cách đồng bộ, từ chăm sóc cá nhân tại nhà đến các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão.

Thứ hai, thúc đẩy việc làm và đào tạo cho người cao tuổi

Chính phủ Đức thúc đẩy người cao tuổi tham gia thị trường lao động, qua đó duy trì một cuộc sống năng động. Các chính sách chủ yếu liên quan tới vấn đề này là:

- Chính sách hưu trí linh hoạt: Cho phép người cao tuổi vừa nhận lương hưu vừa làm việc bán thời gian.

- Khuyến khích đào tạo: Tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng, giúp người cao tuổi dễ dàng chuyển đổi công việc hoặc khởi nghiệp.

Thứ ba, môi trường sống và hạ tầng xã hội

- Nhà ở: Chính phủ Đức khuyến khích xây dựng những khu nhà ở với thiết kế đặc biệt phù hợp cho người cao tuổi, bao gồm: Nhà ở chung cư với các tiện ích như thang máy, lối đi rộng, không có bậc thang, gần các cơ sở y tế; Cộng đồng đa thế hệ: Nơi người cao tuổi sống cùng gia đình hoặc các nhóm tuổi khác để hỗ trợ lẫn nhau.

- Hệ thống giao thông công cộng: Xe buýt và tàu điện được thiết kế thân thiện với người cao tuổi, với lối lên xuống thấp, hệ thống báo hiệu rõ ràng.

Thứ tư, các chương trình giải trí và giáo dục suốt đời

Đức cung cấp nhiều chương trình giáo dục và giải trí dành riêng cho người cao tuổi, bao gồm:

- Các khóa học trực tuyến: Giúp người cao tuổi tiếp cận kiến thức mới, từ ngôn ngữ, nghệ thuật đến kỹ năng sống.

- Câu lạc bộ sức khỏe và thể dục: Được xây dựng ở nhiều địa phương để thúc đẩy vận động, duy trì sức khỏe.

- Thư viện và trung tâm cộng đồng: Được mở rộng với nhiều hoạt động kết nối xã hội, nâng cao đời sống tinh thần.

Thứ năm, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đức đã áp dụng nhiều công nghệ để hỗ trợ người cao tuổi, bao gồm: Thiết bị đeo thông minh nhằm theo dõi sức khỏe và cảnh báo nguy cơ; Robot hỗ trợ: Được sử dụng trong các hoạt động chăm sóc cơ bản; Ứng dụng di động: Giúp người cao tuổi truy cập thông tin y tế, đặt lịch khám bệnh.

Như vậy, kinh nghiệm của Đức trong phát triển nền kinh tế bạc tập trung vào việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, thúc đẩy việc làm, tạo điều kiện sống phù hợp và tích hợp công nghệ. Những nỗ lực này đã giúp người cao tuổi duy trì chất lượng cuộc sống và sự tham gia xã hội, từ đó đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

2.2. Pháp

Pháp là một trong những quốc gia phát triển ở châu Âu, đã thực hiện nhiều chính sách và chương trình nhằm ứng phó với sự gia tăng dân số cao tuổi và phát triển nền kinh tế bạc. Một số kinh nghiệm nổi bật của Pháp bao gồm:

Thứ nhất, cải thiện hệ thống an sinh xã hội:

- Lương hưu và phúc lợi xã hội: Pháp đã xây dựng một hệ thống lương hưu toàn diện với nhiều hình thức lương hưu như lương hưu công, lương hưu tư, và các chế độ bảo hiểm bổ sung. Điều này giúp người cao tuổi có nguồn tài chính ổn định sau khi nghỉ hưu, từ đó hỗ trợ chi tiêu và tham gia các hoạt động kinh tế.

- Trợ cấp chăm sóc: Pháp cung cấp trợ cấp để hỗ trợ người cao tuổi chi trả cho dịch vụ chăm sóc, sinh hoạt hàng ngày, như Trợ cấp cá nhân hóa dành cho quyền tự chủ (APA) và hỗ trợ đặc biệt cho người cao tuổi có thu nhập thấp.

Thứ hai, hỗ trợ lao động cao tuổi

- Khuyến khích làm việc sau tuổi nghỉ hưu: Pháp áp dụng chính sách linh hoạt về hưu trí, cho phép người cao tuổi lựa chọn tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu. Điều này giúp họ duy trì thu nhập và hoạt động xã hội, tận dụng kinh nghiệm chuyên môn lâu năm.

- Đào tạo và tư vấn: Các chương trình đào tạo và tư vấn dành cho người lao động cao tuổi giúp họ cập nhật kỹ năng và tìm kiếm cơ hội việc làm mới phù hợp.

Thứ ba, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe

- Chăm sóc tại nhà: Pháp đã mở rộng dịch vụ chăm sóc tại nhà, giúp người cao tuổi có thể nhận được sự hỗ trợ y tế mà không cần phải chuyển đến viện dưỡng lão.

- Cơ sở chăm sóc dài hạn: Hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn được mở rộng, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, bao gồm viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng, và các khu phức hợp hỗ trợ.

Thứ tư, cải thiện môi trường sống và cơ sở hạ tầng

- Thiết kế nhà ở: Pháp đã phát triển các tiêu chuẩn thiết kế nhà ở phù hợp với người cao tuổi, như loại bỏ bậc thềm, mở rộng cửa, lắp đặt thang máy. Các căn hộ thông minh với hệ thống điều khiển từ xa giúp tăng tính độc lập cho người cao tuổi.

- Khu dân cư đa thế hệ: Các dự án nhà ở mới khuyến khích mô hình cộng đồng đa thế hệ, nơi người cao tuổi sống chung với các gia đình trẻ, tạo ra sự hỗ trợ xã hội và giảm cảm giác cô đơn.

Thứ năm, ứng dụng công nghệ trong chăm sóc người cao tuổi:

- Thiết bị trợ giúp thông minh: Pháp đã áp dụng rộng rãi công nghệ thông minh như thiết bị đeo theo dõi sức khỏe, hệ thống cảnh báo an toàn, giúp người cao tuổi được giám sát sức khỏe liên tục.

- Hệ thống chăm sóc y tế từ xa (telemedicine): Giúp người cao tuổi tiếp cận các dịch vụ y tế mà không cần phải đến trực tiếp cơ sở y tế.

Nhờ các chính sách và sáng kiến nêu trên, Pháp đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi và khai thác tiềm năng kinh tế từ nhóm dân số này.

2.3. Canada

Canada là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số già hóa cao, với các chính sách và biện pháp cụ thể để hỗ trợ người cao tuổi. Dưới đây là một số chi tiết về cách tiếp cận của Canada trong việc phát triển nền kinh tế bạc:

Thứ nhất, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội

- Chương trình Y tế Quốc gia (Medicare): Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Canada cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Mỗi tỉnh quản lý hệ thống chăm sóc sức khỏe riêng, đảm bảo rằng người cao tuổi có quyền tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

- Dịch vụ chăm sóc tại nhà: Canada hỗ trợ người cao tuổi với các dịch vụ chăm sóc tại nhà, giúp họ duy trì sự độc lập và thoải mái trong chính ngôi nhà của mình. Các dịch vụ bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ trong sinh hoạt hàng ngày và theo dõi sức khỏe.

Thứ hai, chính sách việc làm và hưu trí

- Chương trình Lương hưu (Canada Pension Plan, CPP): Chương trình CPP cung cấp khoản trợ cấp hưu trí ổn định dựa trên mức đóng góp của cá nhân khi còn làm việc. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thu nhập sau khi nghỉ hưu.

- Chương trình Bảo hiểm Tuổi già (Old Age Security, OAS): Chương trình OAS cung cấp khoản trợ cấp cơ bản cho mọi người cao tuổi dựa trên thời gian sinh sống ở Canada. Người cao tuổi có thể đủ điều kiện nhận thêm trợ cấp thu nhập bổ sung nếu có thu nhập thấp.

Thứ ba, dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc cộng đồng

- Cộng đồng hỗ trợ: Các trung tâm sinh hoạt cộng đồng cung cấp nhiều hoạt động xã hội, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Họ có thể tham gia vào các lớp học, câu lạc bộ và hoạt động giải trí phù hợp với nhu cầu.

- Các chương trình vận tải: Các dịch vụ vận tải miễn phí hoặc giảm giá giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua sắm và các hoạt động xã hội.

Thứ tư, giáo dục và tham gia xã hội

- Khuyến khích học tập suốt đời: Canada khuyến khích người cao tuổi tiếp tục học tập và cập nhật kỹ năng mới. Các khóa học trực tuyến và hoạt động giáo dục thường xuyên được cung cấp miễn phí hoặc giảm giá.

- Khuyến khích tham gia tình nguyện: Chính phủ khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động tình nguyện, đóng góp kiến thức và kinh nghiệm vào các tổ chức phi lợi nhuận hoặc cộng đồng.

Thứ năm, đổi mới công nghệ

- Sử dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe: Canada đang áp dụng các công nghệ mới như chăm sóc sức khỏe từ xa (telehealth) và hệ thống theo dõi sức khỏe để hỗ trợ người cao tuổi. Điều này giúp họ tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời mà không cần phải di chuyển xa.

- Thiết bị thông minh: Các thiết bị như đồng hồ thông minh, ứng dụng theo dõi sức khỏe và hệ thống báo động giúp người cao tuổi theo dõi tình trạng sức khỏe và đảm bảo an toàn.

Có thể nói, Canada đã xây dựng một hệ thống toàn diện về chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và giáo dục để đảm bảo người cao tuổi có một cuộc sống chất lượng. Những chính sách này giúp người cao tuổi giữ gìn độc lập và tiếp tục tham gia vào cộng đồng, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và chăm sóc y tế cần thiết.

2.4. Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 15/9/2023 số người từ 65 tuổi trở lên là 36,23 triệu người, giảm 10.000 người so với năm trước, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 1950 khi bắt đầu thực hiện so sánh. Tuy nhiên, tỷ trọng trong tổng dân số lại tăng 0,1% lên 29,1% – mức cao nhất từ trước đến nay. Trước thực tế đó, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một loạt các chính sách và chương trình để thích ứng với sự thay đổi này, đưa quốc gia trở thành hình mẫu trong phát triển nền kinh tế bạc.

Người cao tuổi làm việc tại một trung tâm việc làm ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người cao tuổi làm việc tại một trung tâm việc làm ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN.

Những nét chính trong nền kinh tế bạc của Nhật Bản là:

​Thứ nhất, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi trong đó chú trọng:

- Dịch vụ chăm sóc sức khỏe: Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng, và chăm sóc tại nhà. Các chương trình chăm sóc dài hạn cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người cao tuổi, giúp họ dễ dàng tiếp cận hỗ trợ.

- Bảo hiểm xã hội: Hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn được giới thiệu nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho người cao tuổi và gia đình. Chương trình này cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc tại nhà và hỗ trợ sinh hoạt.

Thứ hai, khuyến khích lao động cao tuổi, tập trung vào việc:

- Nới lỏng tuổi nghỉ hưu: Tuổi nghỉ hưu chính thức được nâng lên 65, với chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc. Các doanh nghiệp được hỗ trợ để tạo điều kiện làm việc bán thời gian hoặc tự do cho người cao tuổi. Theo thống kê vào tháng 9 năm 2023, tại Nhật Bản, những người lao động từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm hơn 13% lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ người cao tuổi có việc làm ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.

- Tận dụng kinh nghiệm: Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các công ty thuê người cao tuổi làm cố vấn, tư vấn hoặc trong vai trò giảng dạy. Điều này giúp tận dụng kinh nghiệm của người cao tuổi và mang lại thu nhập cho họ.

Thứ ba, chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ người cao tuổi

- Công nghệ hỗ trợ: Đầu tư vào phát triển các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi, từ thiết bị trợ giúp di chuyển đến thiết bị theo dõi sức khỏe thông minh. Công nghệ nhà thông minh, robot hỗ trợ cũng được phát triển để cải thiện chất lượng cuộc sống.

- Dịch vụ chăm sóc: Các trung tâm điều dưỡng, viện dưỡng lão, và dịch vụ chăm sóc tại nhà được triển khai rộng rãi, cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý.

Thứ tư, xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi

- Thiết kế không gian: Chính phủ Nhật Bản cải thiện hạ tầng công cộng, tạo ra không gian thân thiện với người cao tuổi, bao gồm giao thông công cộng, vỉa hè, qua đường, nhà vệ sinh công cộng, khu dân cư có dịch vụ y tế, không có bậc thềm, căn hộ (cửa rộng, hành lang rộng để cáng có thể hoạt động khi khẩn cấp, một mặt bằng, sàn chống trơn, công tắc điện thấp, có nút gọi khẩn cấp (emergency), xe lăn có thể tiếp cận mọi không gian (giường, nhà vệ sinh, bếp…), và công viên dành riêng cho người cao tuổi.

- Dịch vụ công cộng: Tăng cường sự dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, từ giao thông, an sinh xã hội, đến giáo dục và giải trí. Các khu vực dân cư được thiết kế để người cao tuổi sống gần các cơ sở y tế và dịch vụ thiết yếu. Nhà dưỡng lão được quy hoạch và xây dựng như trường mầm non ở các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto, Nagoya…;

​Thứ năm, giáo dục và hỗ trợ học tập, tập trung vào:

- Kỹ năng mới: Các chương trình giáo dục suốt đời giúp người cao tuổi học những kỹ năng mới và tiếp tục phát triển bản thân, từ tin học đến sở thích cá nhân.

- Tham gia xã hội: Khuyến khích người cao tuổi tham gia vào các hoạt động xã hội, văn hóa và thể thao, giúp họ duy trì sự tích cực, độc lập và kết nối cộng đồng.

Thứ sáu, thúc đẩy du lịch và văn hóa bạc:

- Du lịch dành riêng: Các tour du lịch được thiết kế dành riêng cho người cao tuổi, với dịch vụ hỗ trợ y tế, hướng dẫn viên am hiểu về nhu cầu và sở thích của họ.

- Văn hóa bạc: Tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa phù hợp với sở thích và sức khỏe người cao tuổi, giúp họ giải trí và duy trì sức khỏe tinh thần.

Thực tế Nhật Bản đã chứng minh rằng thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ, việc thích ứng với già hóa dân số và phát triển nền kinh tế bạc có thể mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội.

2.5. Thái Lan

Thái Lan, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai ở Đông Nam Á, đã phát triển nhiều chính sách để tận dụng lợi thế từ dân số già và thúc đẩy nền kinh tế bạc. Theo số liệu thống kê dân số từ 60 tuổi trở lên của Thái Lan bao gồm 12,7 triệu người hay 19% tổng dân số vào năm 2022, trong đó những người 60-69 tuổi là trên 7 triệu người. Có thể nói, Thái Lan đang chuyển hóa thành xã hội lão hóa, với dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ đáng kể. Để đối phó, chính phủ Thái Lan đã triển khai hệ thống lương hưu đa trụ cột, tăng đóng góp vào Quỹ An sinh Xã hội, khuyến khích tiết kiệm cho người lao động tự do đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục người dân về tiết kiệm và chăm sóc người cao tuổi​. Chính phủ Thái Lan đã có nhiều nỗ lực nhằm tối ưu hóa nguồn lực người cao tuổi, biến người cao tuổi thành một nhóm đối tượng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước. Dưới đây là những chính sách nổi bật của Thái Lan:

​Thứ nhất, về chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế:

- Mở rộng cơ sở vật chất: Chính phủ Thái Lan đã tập trung vào việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Các cơ sở chăm sóc y tế này thường bao gồm dịch vụ y tế đa dạng và nhân lực chuyên môn.

- Đào tạo nhân lực: Chính phủ cũng đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.

Thứ hai, du lịch y tế: Thái Lan đã trở thành một điểm đến nổi tiếng cho du lịch y tế nhờ chi phí phải chăng và dịch vụ chất lượng cao. Chính phủ khuyến khích ngành du lịch y tế phát triển nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là những người nghỉ hưu và có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Thứ ba, nghỉ hưu và cư trú:

- Chính sách visa: Chính phủ đã điều chỉnh các chính sách visa để thu hút người nước ngoài đến nghỉ hưu và đầu tư vào thị trường bất động sản, từ đó kích thích kinh tế. Các gói visa này thường kéo dài và tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi. Loại visa này gọi là “retirement visa”. Chỉ cần từ 50 tuổi trở lên và sở hữu tài khoản ngân hàng mở tại Thái Lan với số dư trên 800.000 baht (gần 550 triệu đồng), khách nước ngoài có thể xin visa Thái Lan trong 1 năm. Thậm chí, tháng 9/2022, Thái Lan còn kéo dài khoảng thời gian này lên 10 năm, với một số điều kiện đi kèm nhất định. Gần đây, nội các Thái Lan quyết định giảm mức bảo hiểm y tế bắt buộc với loại visa cho người từ 50 tuổi trở lên từ 3 triệu baht xuống 440 nghìn baht nhằm thu hút thêm du khách về hưu, du khách đến học nấu ăn đồ Thái và học Muay Thái.

Thứ tư, phát triển công nghệ:

- Ứng dụng công nghệ: Đầu tư vào phát triển công nghệ để cung cấp các sản phẩm hỗ trợ sinh hoạt, thiết bị y tế, và các ứng dụng giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ và thông tin dễ dàng hơn.

- Hợp tác công nghệ: Chính phủ thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ, trung tâm y tế và các trường đại học để phát triển các giải pháp sáng tạo trong chăm sóc người cao tuổi.

Thứ năm, giáo dục và đào tạo suốt đời: Cung cấp các khóa học và chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng, giúp người cao tuổi cập nhật kiến thức, phát triển khả năng mới để tiếp tục đóng góp vào thị trường lao động và xã hội.

Thứ sáu, thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp:

- Hỗ trợ tài chính: Khuyến khích người cao tuổi tham gia khởi nghiệp thông qua hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn.

- Đa dạng hóa ngành nghề: Các chương trình hỗ trợ giúp người cao tuổi khám phá và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới.

Với nhiều chính sách trong các lĩnh vực như nêu trên, Thái Lan đã cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển nền kinh tế bạc thông qua cách tiếp cận toàn diện, tận dụng được sức mạnh của lực lượng lao động cao tuổi và khai thác tiềm năng kinh tế từ nhóm dân số này.

Nền kinh tế bạc - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam
Robot (trái) hỗ trợ người cao tuổi. Nguồn ảnh: The Guardian.

2.6. Singapore

Với ngày càng nhiều người cao tuổi và tỷ lệ sinh giảm, Singapore chuẩn bị chuyển sang một xã hội siêu già hóa trong vòng ba năm tới. Theo xác định của Tổ chức Y tế Thế giới, khi tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 14% thì xã hội đó được coi là xã hội già hóa. Trong trường hợp của Singapore, tỷ lệ này hiện ở mức 19,1% và dự kiến ​​sẽ tăng lên 25% vào năm 2030, nghĩa là cứ bốn người thì có một người từ 65 tuổi trở lên. Khi độ tuổi dân số trung bình của Singapore tiếp tục tăng, điều này mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp phục vụ người già. Các công ty khởi nghiệp về chăm sóc sức khỏe sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc bệnh nhân cao tuổi và các nền tảng quản lý hàng hóa phục vụ lối sống cho người cao tuổi đang phát triển mạnh mẽ. Theo Chỉ số nền kinh tế bạc của người già Châu Á năm 2020, Singapore sở hữu tiềm năng thị trường lớn nhất dành cho dân số già trong số 15 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế bạcở Singapore dự kiến ​​​​sẽ đạt giá trị đáng kinh ngạc 72,4 tỷ USD vào năm 2025, mang đến cơ hội sinh lời cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Thực tế, Singapore là một trong những quốc gia đi đầu trong việc áp dụng các chính sách phát triển nền kinh tế bạc, nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Dưới đây là một số chính sách tiêu biểu mà Singapore đã triển khai để phát triển nền kinh tế bạc:

Thứ nhất, chính sách việc làm: Singapore đã thực hiện các biện pháp để nâng cao sự tham gia của người cao tuổi trong lực lượng lao động. Cụ thể là:

- Nâng cao tuổi nghỉ hưu: Tăng độ tuổi nghỉ hưu chính thức và khuyến khích người cao tuổi làm việc sau tuổi nghỉ hưu.

- Tạo điều kiện việc làm bán thời gian: Khuyến khích người cao tuổi làm việc bán thời gian hoặc theo dự án, đồng thời cung cấp chương trình đào tạo phù hợp.

- Giảm định kiến: Tăng cường nhận thức để doanh nghiệp hiểu rằng người cao tuổi có thể tiếp tục đóng góp tích cực nếu được tạo điều kiện.

Thứ hai, phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe bao gồm:

- Chăm sóc y tế toàn diện: Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe phòng ngừa, điều trị, và phục hồi chức năng. Các chương trình chăm sóc dài hạn được thiết kế để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người cao tuổi.

- Hỗ trợ tài chính: Chính phủ cung cấp các khoản trợ cấp và hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi tiếp cận dịch vụ y tế.

- Dịch vụ chăm sóc tại nhà: Phát triển các dịch vụ chăm sóc tại nhà và hệ thống telemedicine để người cao tuổi dễ dàng tiếp cận dịch vụ mà không cần rời khỏi nhà.

Thứ ba, cải thiện hạ tầng và dịch vụ công cộng:

- Thiết kế đô thị thân thiện: Xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như lối đi bộ, cầu thang, thang máy phù hợp với người cao tuổi.

- Cải thiện giao thông: Đảm bảo phương tiện giao thông công cộng có chỗ ngồi ưu tiên, tay vịn chắc chắn và các hướng dẫn rõ ràng.

- Dễ dàng tiếp cận công nghệ: Đào tạo người cao tuổi sử dụng công nghệ, giúp họ truy cập thông tin và dịch vụ trực tuyến.

Thứ tư, phát triển kinh tế dựa trên kiến thức và công nghệ:

- Khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo: Chính phủ tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia nghiên cứu, sáng tạo, và các dự án liên quan đến kinh doanh hoặc phát triển công nghệ.

- Hỗ trợ học tập suốt đời: Tổ chức các khóa học kỹ năng công nghệ, tài chính cá nhân, hoặc các sở thích nghệ thuật để duy trì sự năng động cho người cao tuổi.

Thứ năm, tăng cường an sinh xã hội:

- Lương hưu và trợ cấp: Đảm bảo người cao tuổi có nguồn thu nhập ổn định thông qua hệ thống lương hưu và các chương trình trợ cấp.

- Chính sách thuế: Miễn thuế hoặc giảm thuế cho người cao tuổi trong một số trường hợp đặc biệt.

Thứ sáu, phát triển kinh tế dựa trên du lịch: Singapore phát triển các chương trình du lịch, văn hóa, và nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu của người cao tuổi, tạo ra cơ hội kinh doanh mới.

Với những chính sách nêu trên, Singapore đã giúp người cao tuổi tiếp tục tham gia tích cực vào xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế bạc phát triển. Đây là minh chứng thực tế cho sự thay đổi quan điểm về người cao tuổi, từ việc từ việc coi người cao tuổi là gánh nặng sang coi họ là nguồn lực quý giá góp phần cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần trong những năm cuối đời của họ đồng thời đóng góp chung vào sự phát triển của nền kinh tế.

2.7. Trung Quốc

Nền kinh tế bạc - kinh nghiệm quốc tế và một số gợi mở cho Việt Nam
Người già Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Trung Quốc là quốc gia có số lượng người cao tuổi lớn nhất trên thế giới, với khoảng 254 triệu người trên 60 tuổi tính đến năm 2020, chiếm khoảng 18% dân số. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, 20% trong số 1,4 tỉ dân của Trung Quốc có độ tuổi từ 60 trở lên vào cuối năm 2022. Tỷ lệ này được dự báo sẽ vượt quá 30% trong một thập niên tới. Sự gia tăng nhóm người cao tuổi cũng như tầng lớp trung lưu đang phát triển của Trung Quốc đang tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến lão hóa, sức khỏe và cuộc sống độc lập. Tiềm năng này có thể giúp phá vỡ tư duy cho rằng dân số già sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế và xã hội. Thay vào đó, mức tiêu dùng tăng lên ở nhóm người già là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chất lượng cao.

Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm quan tâm, thúc đẩy nền kinh tế bạc; nhiều văn bản với các nội dung ít nhiều liên quan tới nền kinh tế bạc đã được ban hành ở cả cấp trung ương và cấp địa phương. Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố hướng dẫn cụ thể về phát triển nền kinh tế bạc vào ngày 24/11/2021, với các điểm chính: (i) Thúc đẩy phát triển: Thực thi chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người già; (ii) Nâng cao cơ sở hạ tầng: Cải thiện cơ sở vật chất, dịch vụ, và chăm sóc y tế; (iii) Cung cấp Internet và dịch vụ liên quan: Cung cấp dịch vụ Internet cho người già để tiếp cận thông tin và dịch vụ.

Gần đây, tháng 1 năm 2024, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ban hành văn bản hướng dẫn để củng cố “nền kinh tế bạc”, đưa ra 26 biện pháp nhằm cải thiện dịch vụ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí và văn hóa dành cho người già, đồng thời phát triển các cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm dành cho “nền kinh tế bạc”.

Theo văn bản hướng dẫn, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc phát triển các cơ sở dưỡng lão, tối ưu hóa dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bao gồm củng cố các khoa lão nói chung và các bệnh viện y học cổ truyền. Văn bản kêu gọi các ngân hàng tăng cường hỗ trợ xây dựng các cơ sở dưỡng lão và các dự án liên quan đến “nền kinh tế bạc”.

Ngoài ra, các chính quyền địa phương được phép phát hành trái phiếu đặc biệt để phát triển “nền kinh tế bạc”. Văn bản hướng dẫn cũng đặt ra các biện pháp thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tập trung vào các sản phẩm đổi mới, chăm sóc sức khỏe thông minh, sử dụng robot điều dưỡng và dịch vụ chăm sóc tại nhà cũng như mở rộng ngành công nghiệp thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng.

Thực tế hiện tại, quy mô nền kinh tế bạc của Trung Quốc ở mức khoảng bảy nghìn tỉ nhân dân tệ, tương đương 6% GDP của đất nước, và có thể đạt 30 nghìn tỉ nhân dân tệ (4.200 tỉ đô la Mỹ) vào năm 2035, chiếm khoảng 10% GDP. Trung Quốc cũng chú trọng việc xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, khả năng cạnh trạnh của nền kinh tế bạcbằng các giải pháp khác nhau như: hỗ trợ các doanh nghiệp hàng đầu trong nền kinh tế bạc, trưng bày và quảng bá các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ tiên tiến của nền kinh tế bạc…. Các lĩnh vực liên quan được Trung Quốc tập trung phát triển bao gồm:

Thứ nhất, nhóm sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, bao gồm:

- Chăm sóc sức khỏe: Đầu tư vào cơ sở vật chất và công nghệ cho các bệnh viện, phòng khám dành riêng cho người cao tuổi.

- Bất động sản: Thiết kế các khu dân cư và trung tâm dưỡng lão dành riêng cho người cao tuổi.

- Giáo dục và đào tạo: Các chương trình học trực tuyến và giáo dục suốt đời.

- Giải trí và vui chơi: Tạo ra các câu lạc bộ và chương trình giải trí phù hợp với người cao tuổi.

Thứ hai, thúc đẩy đầu tư và phát triển. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và kế hoạch nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế bạc, trong đó khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Các khu vực và thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, và Quảng Châu đặt mục tiêu cụ thể phát triển sản phẩm và dịch vụ cho người cao tuổi.

Thứ ba, phát triển cụm công nghiệp sản xuất và mô hình kinh doanh. Trung Quốc đặt mục tiêu thành lập khoảng 10 cụm công nghiệp sản xuất các sản phẩm cho nền kinh tế bạc ở các khu vực chiến lược như Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử, và khu vực vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macao. Đồng thời, phát triển mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi, tập trung vào sản phẩm đổi mới, chăm sóc sức khỏe thông minh, robot điều dưỡng, và dịch vụ chăm sóc tại nhà.

Dù có tiềm năng lớn, Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức như thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ chất lượng cao dành cho người cao tuổi, cùng với nhu cầu đổi mới sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhóm dân số này.

Đánh giá chung: Qua kinh nghiệm của một số quốc gia nêu trên, có thể thấy cùng với sự già hóa dân số, nền kinh tế bạc ngày càng được quan tâm, phát triển và đã đạt được những thành tựu nhất định. Mỗi quốc gia có cách tiếp cận, chính sách khác nhau nhưng có một số kinh nghiệm, bài học điển hình mà các quốc gia khác có thể tham khảo, học hỏi ở những mức độ khác nhau. Cụ thể là:

- Nhận thức sâu sắc về thách thức và cơ hội đối với nền kinh tế từ sự già hóa dân số;

- Hoạch định chính sách, định hướng các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển phù hợp với nhu cầu của nhóm người cao tuổi của các quốc gia. Các lĩnh vực thường được các quốc gia ưu tiên bao gồm: chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, hạ tầng và bất động sản, công nghệ cao…

- Xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bạc.

3. Một số đề xuất chính sách tham khảo cho Việt Nam

Khám bệnh cho người cao tuổi tại tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Khám bệnh cho người cao tuổi tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.G/Vietnam+

Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn.

Theo Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ chỉ mất 18 năm để chuyển từ già hóa sang xã hội già vào năm 2036. Khoảng thời gian này ngắn hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Nhật Bản. Giai đoạn già hóa dân số ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người cao tuổi. Theo dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.

Về tỉ lệ, dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050. Một yếu tố cần quan tâm là sức khỏe của nhóm người cao tuổi ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư....

Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi ở Việt Nam thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân. Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí. Có thể nói, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.

Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc. Xin được đề xuất 10 gợi mở như sau:

Một là, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, đưa ra tầm nhìn, nhận thức về nền kinh tế bạc. Để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc. Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi, xã hội không còn coi họ chỉ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng. Sự thay đổi về khái niệm này có lợi cho việc xây dựng một xã hội hài hòa, công bằng, bền vững hơn và sẽ là nền tảng để phát triển nền kinh tế bạc.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cần tăng cường hoạt động truyền thông về nền kinh tế bạc đến cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; chú trọng quảng bá các doanh nghiệp, hoạt động, sản phẩm nền kinh tế bạcđiển hình. Các chiến dịch truyền thông tập trung vào nâng cao nhận thức về vai trò của người cao tuổi trong xã hội, nhấn mạnh giá trị mà họ mang lại và khuyến khích sự tôn trọng, hỗ trợ, tăng cường sự thấu hiểu người cao tuổi, xây dựng khung kiến thức cơ bản về quan tâm, chăm sóc người cao tuổi để đào tạo, tham khảo; xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội, văn hóa và lao động để thay đổi quan niệm về tuổi già, giúp họ sống khỏe mạnh và chủ động hơn.

Hai là, hoàn thiện chính sách về nền kinh tế bạc. Người cao tuổi luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và cộng đồng. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhấn mạnh: “Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế - xã hội; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi; phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi”.

Trong thời gian sắp tới, cần tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này. Các chính sách về nền kinh tế bạc nên được xây dựng với nội dung trọng tâm là nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế bạc, định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế bạc tại Việt Nam. Những chính sáchnày không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một thị trường tiềm năng để nền kinh tế bạc trở thành động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.

Ba là, hoàn thiện pháp luật về nền kinh tế bạc. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan tới người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Người cao tuổi được nhà nước, gia đình và xã hội chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (khoản 3 Điều 37). Việc quy định bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi trong Hiến pháp cho thấy, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc, nghiêm túc đối với người cao tuổi, bảo vệ quyền được chăm sóc, được yêu thương của người cao tuổi; thể hiện sự quan tâm, đánh giá đúng mực của Nhà nước đối với người cao tuổi. Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12 quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam.

Trong một số lĩnh vực cũng có các quy định đặc thù liên quan tới người cao tuổi. Ví dụ: Trong lĩnh vực lao động, Điều 166 của Bộ luật Lao động năm 2012 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020), quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này, đó là sau khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Theo Điều 148 của Bộ Luật Lao động năm 2019 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Ngoài ra, hệ thống pháp luật hiện nay còn quy định về kéo dài tuổi lao động trong một số lĩnh vực và ngành nghề nhất định. Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, ngoài Hiến pháp và Luật Người cao tuổi, vấn đề an sinh xã hội đối với người cao tuổi được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật khác như: Quyết định số 178/QĐ- TTg ngày 22/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020; Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương khen thưởng...

Từ những quy định trên cho thấy Nhà nước đã quan tâm chăm sóc người cao tuổi theo lộ trình và có những kế hoạch cụ thể; mỗi bộ, ngành liên quan đều có những quy định, chính sách, chương trình hành động để nhằm hỗ trợ cho người cao tuổi. Mặc dù vậy, các quy định về người cao tuổi vẫn còn những hạn chế nhất định và mới chỉ tập trung chủ yếu về an sinh, chăm sóc đối với người cao tuổi mà còn thiếu vắng các quy định từ góc độ phát triển kinh tế theo hướng vừa nhằm chăm sóc người cao tuổi vừa phát huy thế mạnh, phát huy những đóng góp trực tiếp và gián tiếp của người cao tuổi đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng này làm cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế bạc.

Ví dụ: Hoàn thiện pháp luật khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, vận hành các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão; các trung tâm này phải có khả năng cung cấp dịch vụ toàn diện, từ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày đến chăm sóc y tế chuyên sâu; Xây dựng chính sách, pháp luật về visa hưu trí, tương tự như kinh nghiệm của Thái Lan, với các điều kiện như độ tuổi tối thiểu, chứng minh tình trạng nghỉ hưu chính thức tại quốc gia của mình; có thu nhập hoặc khoản tiết kiệm ổn định để đảm bảo tự trang trải cuộc sống mà không cần làm việc tại quốc gia định cư; có bảo hiểm y tế hợp lệ trong suốt thời gian cư trú; nghiên cứu xây dựng mới hoặc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm chăm sóc dưỡng lão ngoài bảo hiểm y tế theo mô hình Nhật Bản để đảm bảo mọi người cao tuổi đều có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Xem xét sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi để phù hợp với thực tiễn;

Bốn là, xác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân,xây dựng chiến lược trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2030 – 2050, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc;

Năm là, lượng hóa quy mô, tính lan tỏa của nền kinh tế bạc dành cho nhóm người từ 50 tuổi trở lên theo tiêu chuẩn tính toán quốc tế;

Sáu là, quy hoạch và xây dựng:

- Hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên…phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật;

- Quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi;

- Thiết kế theo chuẩn quốc tế với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm phòng vật lý trị liệu, khu vực giải trí, phòng khám bệnh, và không gian xanh cho hoạt động ngoài trời; đa dạng mô hình: Thiết kế mô hình phù hợp với nhu cầu của từng nhóm người cao tuổi, từ những người có khả năng sống độc lập đến những người cần chăm sóc đặc biệt;

- Chăm sóc tại nhà và từ xa: Khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và từ xa, như telemedicine, giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ tư vấn y tế mà không phải đi lại;​

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. Tăng cường đào tạo chuyên môn cho người chăm sóc, chuẩn hóa chứng chỉ đào tạo, thiết lập tiêu chuẩn đào tạo chuyên môn và chứng chỉ hành nghề cho những người chăm sóc người cao tuổi. Điều này đảm bảo nhân viên chăm sóc có đủ kỹ năng, kiến thức để hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần người cao tuổi. Khuyến khích nhân viên chăm sóc tham gia các chương trình đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức mới, nhất là trong các lĩnh vực y tế và công nghệ, nhằm áp dụng những phương pháp và thiết bị hỗ trợ mới nhất. Thúc đẩy việc phái cử lao động qua đào tạo (điều dưỡng, y tá) sang các nước có nền kinh tế bạc phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Canada để làm việc trong môi trường thực tiễn và tiêu chuẩn cao. Ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực này để vận hành các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão tại Việt Nam. Đào tạo thêm các bác sỹ có chuyên môn tâm lý, các chuyên gia tâm lý.

Bảy là, khuyến khích đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo

- Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh: Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như thiết bị theo dõi sức khỏe, hệ thống an ninh, nhà thông minh để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, phát triển phương tiện giao thông như xe điện với thiết kế thông minh phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật như một số quốc gia đã triển khai.

- Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp: Cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc phát triển công nghệ dành riêng cho người cao tuổi, như các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hoặc các hệ thống học trực tuyến; nhận chuyển nhượng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực phục vụ người cao tuổi;

- Sản xuất: Nghiên cứu thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu sản xuất các sản phẩm phục vụ nền kinh tế bạc như mô hình Trung Quốc.

Tám là, đầu tư vào giáo dục, đào tạo cho người cao tuổi

- Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số: Tổ chức các khóa học giúp người cao tuổi làm quen với công nghệ số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay sử dụng các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội mà còn giúp họ tiếp cận các dịch vụ y tế, mua sắm trực tuyến, và giáo dục;

- Đào tạo, tập huấn về chương trình sức khỏe và dinh dưỡng: Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng phù hợp. Điều này giúp người cao tuổi hiểu rõ về những thay đổi sinh học và cách thức duy trì sức khỏe trong giai đoạn này của cuộc đời;

- Khóa học nâng cao kỹ năng xã hội: Khuyến khích tham gia các khóa học phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, lãnh đạo, hoặc ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp người cao tuổi duy trì kết nối với xã hội, đồng thời mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm bán thời gian hoặc tư vấn;

- Xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho người cao tuổi học tập suốt đời như mô hình của Thái Lan, Nhật Bản và một số quốc gia khác.

Chín là, tăng cường cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi

Theo đó, cần tạo cơ hội lao động linh hoạt, khuyến khích khởi nghiệp cho người cao tuổi, cụ thể là:

- Làm việc bán thời gian và làm việc từ xa: Tận dụng kinh nghiệm và kỹ năng của người cao tuổi bằng cách cung cấp việc làm bán thời gian hoặc làm việc từ xa, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động mà không bị áp lực về thời gian;

- Hỗ trợ tư vấn và huấn luyện: Người cao tuổi có thể đóng vai trò tư vấn cho thế hệ trẻ hoặc tham gia huấn luyện đào tạo kỹ năng. Điều này không chỉ giúp sử dụng hiệu quả kiến thức của họ mà còn giảm thiểu khoảng cách giữa các thế hệ trong môi trường làm việc;

- Hỗ trợ khởi nghiệp: Khuyến khích người cao tuổi bắt đầu các doanh nghiệp nhỏ hoặc hoạt động tự do, hỗ trợ vốn và tư vấn về kế hoạch kinh doanh.

Mười là, triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ về tài chính và phi tài chính.

- Giải pháp tài chính: Nghiên cứu ban hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm, phúc lợi xã hội chăm sóc dưỡng lão; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế với người cao tuổi; có chính sách ưu đãi thuế, phí với các ngành sản xuất các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi…;

- Giải pháp phi tài chính: Quy hoạch; tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức dự toán; cắt giảm thủ tục hành chính cho các dự án phục vụ người cao tuổi; đào tạo nguồn nhân lực (bác sỹ, y tá, điều dưỡng, tâm lý); xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật thân thiện với người cao tuổi, hỗ trợ hạ tầng với các khu công nghiệp chuyên biệt sản xuất các sản phẩm phục vụ người cao tuổi, hạ tầng tương thích và kết nối với các cơ sở phục vụ người cao tuổi (trung tâm dưỡng lão, câu lạc bộ…), hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có liên quan; tuyên truyền nhận thức của cộng đồng về người cao tuổi, nền kinh tế bạc; thiết lập các mạng lưới tình nguyện viên giúp đỡ người cao tuổi….

​Có thể nói, nền kinh tế bạc không chỉ phản ánh xu hướng xã hội thay đổi cơ cấu dân số mà còn là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới nền kinh tế và tiến bộ xã hội. Với tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong khái niệm tiêu dùng, nền kinh tế bạc thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ suy nghĩ lại về các mô hình dịch vụ và đáp ứng nhu cầu tinh tế của người cao tuổi thông qua đổi mới công nghệ và tối ưu hóa dịch vụ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, phát triển bền vững. Đứng trước những thách thức và cơ hội từ xu hướng già hóa dân số nhanh chóng, Việt Nam cần kịp thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để phát triển chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường hỗ trợ nền kinh tế bạc, đồng thời tận dụng nguồn lực người cao tuổi trong sự phát triển chung của xã hội.

Xem thêm: Làm việc ở tỉnh nào sẽ được tăng lương thêm hơn 20% từ 01/7/2024?

Các tin khác

Chủ tịch CEO Group ra mắt sách “Thế giới trong mắt tôi” ủng hộ bệnh nhân ung thư

Chủ tịch CEO Group ra mắt sách “Thế giới trong mắt tôi” ủng hộ bệnh nhân ung thư

Ngày 2/6, LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã chính thức ra mắt cuốn sách “Thế giới trong mắt tôi”.
Lọt top 10 công ty uy tín và hiệu quả, Gemadept trả thu nhập người lao động thế nào?

Lọt top 10 công ty uy tín và hiệu quả, Gemadept trả thu nhập người lao động thế nào?

Vừa qua, Vietnam Report đã công bố danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả, trong đó có Công ty CP Gemadept (HOSE: GMD). Vậy người lao động làm việc cho Gemadept đang nhận thu nhập và các phúc lợi khác thế nào?
Giọt nước mắt của cô giáo Thèn Phùng

Giọt nước mắt của cô giáo Thèn Phùng

Buổi sáng trên đường đến điểm trường Thèn Phùng - một trong những điểm trường khó khăn nhất của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, trời bỗng đổ mưa như trút. Giông lốc giật mạnh khiến nhiều mái nhà và cây cối đổ ra giữa đường. Ngôi trường nhỏ xíu đã đượm màu sương gió như run rẩy trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Nhưng trong lớp học ấy, 47 em bé mầm non vẫn cùng cô giáo của mình bắt đầu một ngày đến lớp.
Công đoàn EVN: Người lao động và 117 "cống hiến" được xướng tên

Công đoàn EVN: Người lao động và 117 "cống hiến" được xướng tên

Thành tích đạt được của 117 cá nhân đại diện cho các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được biểu dương cũng là kết quả của việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy EVN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời cũng là kết quả của việc triển khai thực hiện chương trình Nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên công đoàn và người lao động.
Người trẻ sành điệu cùng sứ mệnh sống xanh

Người trẻ sành điệu cùng sứ mệnh sống xanh

Hàng năm, những bạn trẻ sành điệu trên khắp thế giới đều hưởng ứng nhiệt tình ngày trái đất với vô vàn những hoạt động vui tươi và ý nghĩa từ các thương hiệu hàng đầu thế giới. Trong ngày Trái đất năm nay, Kiehl’s cũng khởi động hàng loạt hoạt động xanh trên toàn cầu cho các tín đồ làm đẹp để giới thiệu và khuyến khích phong cách sống xanh qua các giải pháp tái sử dụng và tái chế bao bì.
Tiếp tục đồng hành cùng VPBank Hanoi International Marathon, ANTA đem đến bất ngờ gì?

Tiếp tục đồng hành cùng VPBank Hanoi International Marathon, ANTA đem đến bất ngờ gì?

Đón nhận nhiều phản hồi tích cực từ các vận động viên ở mùa giải 2023, ANTA Sports Vietnam sẽ tiếp tục là nhà tài trợ Kim cương của giải chạy VPBank Hanoi International Marathon 2024 (VPIM 2024). Theo đó, ANTA sẽ tài trợ độc quyền toàn bộ hơn 15.000 áo đấu chuyên nghiệp.
SHB dành hơn 11 tỷ đồng thực hiện nhiều hoạt động xã hội tại tỉnh Điện Biên

SHB dành hơn 11 tỷ đồng thực hiện nhiều hoạt động xã hội tại tỉnh Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Đại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên, SHB đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, trong đó có trao tặng các phần quà tới cựu chiến binh và tài trợ 2 công trình lớp học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hơn 11 tỷ đồng.
Nhân viên Agribank kịp thời ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua mạng 3,2 tỷ đồng

Nhân viên Agribank kịp thời ngăn chặn thành công vụ lừa đảo qua mạng 3,2 tỷ đồng

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tỉnh Bình Thuận mới đây thông tin, Công an thị trấn Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) vừa phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Hàm Thuận Bắc ngăn chặn thành công một vụ lừa đảo qua mạng.
VPBank triển khai chương trình thiện nguyện "Giao dịch VPBank - Ươm mầm thịnh vượng"

VPBank triển khai chương trình thiện nguyện "Giao dịch VPBank - Ươm mầm thịnh vượng"

VPBank sẽ trích ra số tiền lên tới 1,8 tỷ đồng từ mỗi sổ tiết kiệm mở mới hoặc giao dịch trên VPBank NEO (thỏa mãn điều kiện) để đóng góp vào Quỹ Tấm lòng Việt, cùng chương trình Cặp lá yêu thương nối dài ước mơ tới trường cho các em nhỏ vùng cao.
CEO Group - doanh nghiệp đầu tiên dựng tượng tôn vinh người lao động tại các công trình

CEO Group - doanh nghiệp đầu tiên dựng tượng tôn vinh người lao động tại các công trình

“Chúng tôi luôn biết ơn các nhà quản lý, kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân, người lao động – những con người bình dị đã và đang làm việc ngày đêm, dưới ánh trăng sao, trong mưa giông và nắng lửa để trực tiếp kiến tạo những công trình cho đất nước”, Chủ tịch Tập đoàn CEO Đoàn Văn Bình xúc động chia sẻ với PV Lao Động và Công đoàn về những cống hiến của công nhân, người lao động tại các công trình của CEO và các công trình xây dựng trên khắp đất nước.
Một doanh nghiệp thủy hải sản lớn có nguy cơ hàng trăm người lao động sẽ mất việc làm

Một doanh nghiệp thủy hải sản lớn có nguy cơ hàng trăm người lao động sẽ mất việc làm

Theo dự thảo báo cáo gửi Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (mã APT, trụ sở ở Lô 4-6-8 Đường 1A, KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. HCM) công bố, nguy cơ hàng trăm người lao động sẽ mất công ăn việc làm gây bất ổn xã hội nếu không có giải pháp tài chính phù hợp thời gian tới.
Chân dung TNG LAND vừa khởi công xây nhà ở xã hội đáp ứng cho gần 800 người lao động

Chân dung TNG LAND vừa khởi công xây nhà ở xã hội đáp ứng cho gần 800 người lao động

TNG LAND thành lập tháng 6/2022, trụ sở ở xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là công ty con của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG). TNG LAND vừa khởi công Dự án nhà ở xã hội – Khu dân cư Đại Thắng xây dựng 395 căn nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu công nhân, người lao động trên địa bàn.
Người lao động bất động sản Phát Đạt nhận lương trung bình hơn 21 triệu đồng/tháng

Người lao động bất động sản Phát Đạt nhận lương trung bình hơn 21 triệu đồng/tháng

Theo Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) tính đến cuối năm 2023, tiền lương trung bình của người lao động (NLĐ) tại PDR vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp tình hình khó khăn. Theo đó, mức lương trung bình ghi nhận tăng từ 20,49 triệu đồng/tháng lên 21,03 triệu đồng/tháng.
Thao túng tâm lý để chiếm đoạt tài sản: Chuyện cũ mà không cũ

Thao túng tâm lý để chiếm đoạt tài sản: Chuyện cũ mà không cũ

Bị nhóm lừa đảo thao túng tâm lý, nhiều khách hàng đã “vô thức” mở tài khoản ngân hàng, sau đó huy động người thân, bạn bè gửi vào với số tiền vô cùng lớn và chuyển đi cho các đối tượng lừa đảo. Khi nhận ra thì mọi việc đã quá muộn.
Người lao động Công ty Yến sào Khánh Hòa có thu nhập bình quân 20,7 triệu đồng/tháng

Người lao động Công ty Yến sào Khánh Hòa có thu nhập bình quân 20,7 triệu đồng/tháng

Năm 2023, Công ty CP Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa (mã SKV) đã đảm bảo việc làm, tiền lương và phúc lợi cho gần 1.200 lao động. Người lao động có thu nhập bình quân 20,7 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 108% so với năm 2022.
Agribank phát động "Tuần lễ văn hóa" chào mừng kỷ niệm 36 năm thành lập

Agribank phát động "Tuần lễ văn hóa" chào mừng kỷ niệm 36 năm thành lập

Hướng đến kỷ niệm 36 năm thành lập Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) (26/3/1988 - 26/3/2024), với mục đích tăng cường hoạt động kết nối nội bộ và truyền tải các giá trị văn hoá tốt đẹp của Agribank tới cộng đồng, Agribank phát động "Tuần lễ văn hóa" dành cho toàn thể cán bộ, người lao động trong hệ thống Agribank, bắt đầu từ ngày 25/3/2024 đến hết ngày 29/3/2024.
Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới

Tiếp nối nguồn lực, kiến tạo tương lai, đưa Petrovietnam tới đỉnh cao mới

“Với tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu”, chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục khai mở những cơ hội trong khó khăn, thách thức, làm mới động lực cũ và bổ sung động lực mới, đưa Tập đoàn vươn tới những đỉnh cao mới”, tân Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Bổ sung, làm mới các động lực đối với lực lượng sản xuất của PVN- góc nhìn từ thực tiễn

Bổ sung, làm mới các động lực đối với lực lượng sản xuất của PVN- góc nhìn từ thực tiễn

“Quản trị biến động; bổ sung động lực mới; làm mới động lực cũ” đang là phương châm để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) “tạo nguồn năng lượng mới”, tiếp tục “vươn tới những đỉnh cao” trong cả mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024 đã được phê duyệt và mục tiêu dài hạn phát triển thành “Tập đoàn Công nghiệp và Năng lượng hàng đầu đất nước, khu vực, có vị thế trên trường quốc tế”.
Công ty Cổ phần Traenco Quốc tế có uy tín để chọn đi xuất khẩu lao động?

Công ty Cổ phần Traenco Quốc tế có uy tín để chọn đi xuất khẩu lao động?

Với mục đích cung cấp thông tin cho người lao động về các doanh nghiệp có dịch vụ xuất khẩu lao động được cấp phép hoạt động trên cả nước, Nhịp sống Doanh nghiệp/Tạp chí Lao động và Công đoàn sẽ có các bài viết phác họa rõ chân dung về các doanh nghiệp để người lao động biết, có nhu cầu lựa chọn doanh nghiệp uy tín, chất lượng đi xuất khẩu lao động. Trong bài viết ngày hôm nay, phóng viên sẽ phác họa chân dung về Công ty Cổ phần Traenco Quốc tế.
Quảng An 1 nợ bảo hiểm lao động 11,7 tỷ đồng, Công đoàn Đà Nẵng củng cố hồ sơ khởi kiện

Quảng An 1 nợ bảo hiểm lao động 11,7 tỷ đồng, Công đoàn Đà Nẵng củng cố hồ sơ khởi kiện

Tính đến hết 31/12/2023, Chi nhánh 2 - Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 tại Đà Nẵng còn số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động là 11,7 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng (LĐLĐ) đang hỗ trợ 36 người lao động hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện Công ty ra tòa, đòi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Xem thêm
Thành viên Tập đoàn FVG mang Tết Trung thu ấm áp đến trẻ em miền núi Quảng Nam

Thành viên Tập đoàn FVG mang Tết Trung thu ấm áp đến trẻ em miền núi Quảng Nam

Với mong muốn động viên các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền núi Quảng Nam, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp - đơn vị thành viên của Tập đoàn FVG đã tổ chức chương trình thiện nguyện “Trung thu cho em”.
TPBank chủ động đón sóng phục hồi từ thị trường bất động sản

TPBank chủ động đón sóng phục hồi từ thị trường bất động sản

Chớp thời cơ từ đà phục hồi tích cực của thị trường bất động sản, TPBank liên tục hạ lãi suất cho vay bất động sản, “rộng cửa” cấp vốn cho các dự án tiềm năng.
Xử phạt Công ty Nhân lực Hoàng Việt do vi phạm về lao động đi làm ở nước ngoài

Xử phạt Công ty Nhân lực Hoàng Việt do vi phạm về lao động đi làm ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 125 triệu đồng đối với Công ty CP Quản lý tư vấn đầu tư Nhân lực Hoàng Việt.
2 doanh nghiệp bị thu hồi tên định danh vì phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác

2 doanh nghiệp bị thu hồi tên định danh vì phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác

Cục An toàn thông tin đã thu hồi 6 tên định danh được 2 doanh nghiệp sử dụng để phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam, Grab vẫn "thống trị" thị trường gọi xe công nghệ

Gojek dừng hoạt động tại Việt Nam, Grab vẫn "thống trị" thị trường gọi xe công nghệ

Gojek thông báo dừng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ ngày 16/9/2024.
Sang tên sổ đỏ mà không đăng ký biến động đất đai bị xử phạt như thế nào?

Sang tên sổ đỏ mà không đăng ký biến động đất đai bị xử phạt như thế nào?

Sang tên sổ đỏ mà không đăng ký biến động đất đai thì bên nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Tết Dương lịch năm 2025, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Tết Dương lịch năm 2025, người lao động được nghỉ mấy ngày?

Năm 2025, Tết Dương lịch rơi vào ngày thứ Tư nên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ 1 ngày 1/1/2025 và được hưởng nguyên lương.
Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024 liên quan đến doanh nghiệp, người lao động

Một số chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024 liên quan đến doanh nghiệp, người lao động

Từ tháng 9/2024, sẽ áp dụng một loạt quy định mới về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH MTV; bảng lương người lao động trong doanh nghiệp nhà nước;…
"Ông lớn" nhựa Đại Đồng Tiến giảm hàng trăm lao động, nợ bảo hiểm xã hội hơn 7,4 tỷ đồng

"Ông lớn" nhựa Đại Đồng Tiến giảm hàng trăm lao động, nợ bảo hiểm xã hội hơn 7,4 tỷ đồng

Theo công bố của Bảo hiểm Xã hội TP. HCM, Công ty CP Đại Đồng Tiến chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hơn 7,4 tỷ đồng.
Sau khi thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề Chương trình EPS, người lao động lưu ý gì?

Sau khi thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề Chương trình EPS, người lao động lưu ý gì?

Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) khuyến cáo, người lao động cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo như hỗ trợ để sớm được chủ sử dụng lao động lựa chọn, xuất cảnh nhanh sau khi tham gia kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề đi làm việc tại Hàn Quốc.
Giới nhà giàu “khát” không gian sống xanh, gần gũi với thiên nhiên

Giới nhà giàu “khát” không gian sống xanh, gần gũi với thiên nhiên

Với tiềm lực tài chính mạnh, giới thượng lưu thường đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe cho môi trường sống cao cấp, nhằm đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của gia đình.
Lợi dụng tình hình bão lũ, xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo quyên góp ủng hộ, từ thiện

Lợi dụng tình hình bão lũ, xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo quyên góp ủng hộ, từ thiện

Người dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin về các tài khoản kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ.
Giá xăng dầu giảm sâu trong kỳ điều hành ngày 12/9

Giá xăng dầu giảm sâu trong kỳ điều hành ngày 12/9

Giá xăng dầu trong nước đồng loạt giảm từ 15 giờ ngày 12/9 theo điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3

Miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3

Các hãng hàng không, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bưu điện Việt Nam đồng loạt miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bão số 3 Yagi.
Petrovietnam và các đơn vị thành viên chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Petrovietnam và các đơn vị thành viên chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên đã đồng loạt phát động ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi).
Vingroup ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại bởi bão Yagi và lũ quét

Vingroup ủng hộ 250 tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại bởi bão Yagi và lũ quét

Ngày 12/9, Tập đoàn Vingroup và các công ty trong hệ sinh thái công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho đồng bào đang chịu thiệt hại do siêu bão Yagi và mưa lũ kéo dài.
Miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3

Miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ các tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3

Các hãng hàng không, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Bưu điện Việt Nam đồng loạt miễn phí cước vận chuyển hàng cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bão số 3 Yagi.
Petrovietnam và các đơn vị thành viên chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Petrovietnam và các đơn vị thành viên chung tay ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên đã đồng loạt phát động ủng hộ đồng bào các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Yagi).
TPBank khẩn trương hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn do cơn bão số 3

TPBank khẩn trương hỗ trợ đồng bào vùng lũ vượt qua khó khăn do cơn bão số 3

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt với tổng số tiền lên tới 2,5 tỷ đồng.
15 năm chương trình L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” tại Việt Nam

15 năm chương trình L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” tại Việt Nam

Ngày 9/9/2024, Chương trình Giải thưởng khoa học L’Oréal - UNESCO "Vì sự phát triển Phụ nữ trong Khoa học” kỷ niệm 15 năm hành trình tại Việt Nam.
Phiên bản di động