Nới room tín dụng có thật sự là tin vui với doanh nghiệp?
Ảnh minh họa |
Trước hết phải nói rõ rằng, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn không nới room tín dụng như kỳ vọng. Nhà điều hành chỉ xem xét điều chỉnh dư địa còn lại theo chỉ tiêu 14% năm nay, chứ không phải nới lên thành 16% hay cao hơn…
Theo đó, nới theo chỉ tiêu đã định là điều đương nhiên. Vấn đề chỉ “nổi bật” hơn do 8 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước có hướng siết chặt hơn trước.
Nhu cầu lớn, khó tiếp cận
Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhìn nhận, nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Bởi, doanh nghiệp cần vốn nhiều cho hoạt động nhập nguyên liệu đầu vào; trang trải hoạt động của bộ máy doanh nghiệp, và trả lương cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để tập trung cho xây dựng thương hiệu, quảng bá tham gia hội chợ giao thương nhằm mở rộng thị trường nội địa và tập xuất khẩu.
Tuy vậy, hạn mức tăng trưởng tín dụng là vấn đề liên tục “nóng” thời gian qua khi nhiều ngân hàng đã sử dụng hết số được cấp ngay từ những quý đầu năm dẫn đến tình trạng dư vốn nhưng không thể cho vay mới.
“Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn các gói hỗ trợ kích thích. Đặc biệt, khi các ngân hàng thương mại (NHTM) được tăng cung tín dụng và áp dụng với lãi suất hợp lý là điều cần thiết để doanh nghiệp phục hồi, và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Cũng theo vị đại diện khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá đây là động thái cần thiết trong điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là hệ thống tài khóa và tiền tệ.
“Việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ thúc đẩy triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh” ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng.
Theo tính toán của Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), theo chỉ tiêu 14%, có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Đây chính là dư địa để các NHTM đưa ra nhiều giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với vốn vay.
Dù vậy, vẫn còn đó những quan ngại trên thực tế của nguồn lực tiếp sức này, nhất là năng lực đáp ứng điều kiện vay vốn suy giảm qua đại dịch.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Giám đốc Công ty Du lịch AZA quan ngại: “Cho dù nới room tín dụng thì chúng tôi vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn từ phía các NHTM. Bởi, trong hai năm do dịch COVID-19, chúng tôi vẫn thuộc diện có lịch sử làm ăn không hiệu quả. Trong khi các NHTM yêu cầu doanh nghiệp phải làm ăn có lãi trong 3 năm qua. Đây là yêu cầu mà chúng tôi không thể đáp ứng được”.
Nhận định về thực trạng này, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu vay vốn tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch năm sau song không thể tiếp cận.
“Trên thực tế, các tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp đã cầm cố trong 2-3 năm trở lại đây. Trong khi đó, các phương án kinh doanh của họ cũng khó khăn khi giá năng lượng tăng cao, chuỗi cung ứng đứt gãy, thị trường bó hẹp khi chi tiêu của người dân hạn chế. Để ngân hàng giải ngân nguồn vốn là rất khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí có thể bị phá sản, không thể tồn tại được”, ông Mạc Quốc Anh quan ngại.
Rất khó giảm điều kiện cho vay
Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch đang có có nhu cần vốn rất cao. Ngoài việc, thuê văn phòng, trả lương nhân viên thì còn cần vốn để đặt các dịch vụ hàng không, nhà hàng, khách sạn… Trong hoàn cảnh khó khăn, Giám đốc Công ty Du lịch AZA đang phải vay ở dạng cá nhân với lãi suất cao, và dùng nhà chung cư đang ở làm tài sản thế chấp vay.
“Trừ khi Ngân hàng Nhà nước có công văn chỉ đạo cụ thể các NHTM hạ yêu cầu về tín dụng cho riêng ngành du lịch, may ra chúng tôi mới có thể tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp”, ông Đạt nói.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh, dù có dư địa để các doanh nghiệp vay vốn, song để các NHTM cắt giảm các thủ tục, điều kiện cho vay là rất khó, bởi nó sẽ gây ra rủi ro cho các ngân hàng và toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ phía NHTM thì quan trọng nhất vẫn là nội tại đến từ doanh nghiệp.
“Việc vay vốn có trả được gốc và lãi không? Có trở thành nợ xấu cho ngân hàng không? Đây là câu hỏi mà các ngân hàng luôn đặt ra. Bởi, các ngân hàng phải đảm bảo nguồn đầu ra khi họ phải vay từ các cá nhân, các tổ chức”, ông Mạc Quốc Anh lưu ý.
Với những quy định đề ra, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chưa vay được. Do đó, ông Nam đề nghị, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn.
“Các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng”, ông Nam đề xuất.
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm 2022. Điều này có nghĩa nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của ngành ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.