Sợi Thế Kỷ: Lợi nhuận sau thuế quý 2 giảm nhẹ so với cùng kỳ
Ảnh minh họa |
CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 530 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng gần 3,3% khiến lợi nhuận gộp tăng 6,1% lên 105 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của công ty cũng tăng 139% so với cùng kỳ. Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 29,4% và 23,3% nhưng chi phí tài chính trong kỳ lại tăng mạnh hơn 50 lần lên 15,1 tỷ đồng. Cộng thêm vào đó, chi phí thuế hiện hành cũng tăng 60% so với cùng kỳ lên 5,6 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 2 của Sợi Thế Kỷ giảm nhẹ 1,9% so với cùng kỳ xuống 69,4 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Sợi Thế Kỷ ghi nhận 1.170 tỷ đồng doanh thu và 165,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 8,6% và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu đạt 2.606 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được sau nửa năm, Sợi Thế Kỷ đã thực hiện 44,9% kế hoạch doanh thu và 55% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.
Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của Sợi Thế Kỷ đạt 2.112 tỷ đồng, tăng gần 7,2% so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 45% lên 521 tỷ đồng.
Nợ phải trả tính đến 30/6 là 810 tỷ đồng, tăng 13,8%, phần lớn là nợ ngắn hạn, trong đó, nợ vay tài chính chiếm gần 47%% tổng nợ, ở mức 379 tỷ đồng.
Mới đây, lý giải về nguyên nhân lợi nhuận quý 2 sụt giảm so với quý 1, lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết, quý 1, đơn hàng phục hồi khá tốt đối với toàn ngành dệt may do nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn như Mỹ, EU tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, tình hình bán hàng của quý 2 không bằng so với quý 1 do yếu tố chu kỳ thường là mùa thấp điểm (vì đây là giai đoạn chuyển tiếp trong việc nhận đơn hàng cho mùa sau).
Đồng thời, việc nhận đơn hàng trong quý 2 năm nay diễn biến chậm hơn bình thường do các khách hàng sản xuất vải do dự trong việc chốt giá đơn hàng trong bối cảnh giá nguyên vật liệu biến động liên tục. Bù lại, giá bán được duy trì ở mức cao, nên lợi nhuận quý 2 của Sợi Thế Kỷ tuy thấp hơn quý 1 nhưng vẫn tương đương cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng của các công ty ngành dệt may trong nước 6 tháng cuối năm 2022 công bố mới đây, SSI Research cũng đưa ra dự báo tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ “giảm tốc” trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Nguyên nhân vì khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý 4) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng.
Bên cạnh đó, các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistics và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.
Vì thế mà biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp. Hơn nữa, doanh thu và biên lợi nhuận có thể giảm sút nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Nhóm phân tích của SSI Research cho rằng, tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận có thể xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra.