Thu thuế TNCN liên tục tăng trưởng ấn tượng, đề xuất giảm cho người làm công ăn lương vẫn gác lại
Theo Thông tin từ Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước (NSSN) ước đạt gần 942 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 63,6%; thu từ dầu thô có mức tăng ấn tượng, đạt 125,6% dự toán chỉ sau nửa năm; thu từ cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt gần 80% dự toán sau nửa năm.
Đáng chú ý, trong giai đoạn, số thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đạt 88.084 tỷ đồng, bằng 74,5% dự toán, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, đây được xem là một trong những sắc thuế có mức trưởng khả quan, dự báo sẽ sớm "cán đích" trước thời điểm kết thúc năm 2022.
Trước đó, chỉ trong quý 1, khoản từ thuế TNCN đã đạt 50.700 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, hoàn thành 43% kế hoạch cả năm. Theo Tổng cục Thuế, nguồn thu này tăng nhanh bởi số thu từ thuế TNCN của người làm công ăn lương, người kinh doanh, cá nhân đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản...
Nguồn: Bộ Tài chính, Tổng cục thống kê. |
Trong đó, chỉ riêng số thu thuế TNCN từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong 5 tháng đầu năm đã đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ.
Trước đó, năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản cũng có mức tăng trưởng khá, đạt 21.000 tỷ đồng, tăng tới 30% so với cùng kỳ 2020.
Ghi nhận số thu từ thuế TNCN từ cục thuế tại một số địa phương nửa đầu năm: Cục Thuế Bắc Ninh đạt 2.288 tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán năm, tăng 31,4%; Cục Thuế Thanh Hóa thu thuế TNCN đạt 716,8 tỷ đồng, đạt 91,3% dự toán, tăng 53,3%; Cục Thuế Bắc Giang, thu thuế TNCN đạt 763,2 tỷ đồng, đạt 91,9% dự toán, tăng 45,3%...
Nhận định về kết quả này, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho rằng đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Trong đó, một số giải pháp trọng tâm như: các cục thuế đã chủ động tham mưu với UBND chỉ đạo sở tài nguyên và môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, ban hành kịp thời quyết định điều chỉnh bổ sung bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán của chủ đầu tư.
Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người nộp thuế (NNT) tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”.
Ngoài ra, lãnh đạo một số cục thuế các địa phương cũng nhận định, việc kinh tế được phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh được mở rộng; một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chia tiền thưởng năm 2021 cho các chuyên gia cao hơn năm trước; số thu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động ở các khu công nghiệp làm tăng ca sau dịch... cũng góp phần vào sự tăng trưởng thu của sắc thuế này.
VẪN CẦN SỚM ĐIỀU CHỈNH BIỂU THUẾ PHÙ HỢP VỚI THUẾ TNCN CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG ĂN LƯƠNG
Nhìn lại, dữ liệu thống kê, trong hơn chục năm qua, lượng thuế TNCN đóng góp vào ngân sách đã liên tục gia tăng và trở thành một khoản thu quan trọng trong cơ cấu.
Trong hơn một thập kỷ, nguồn thu này đã liên tục có mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Từ mức chỉ gần 5.180 tỷ năm 2006 đã tăng hơn 23 lần, lên 123.000 tỷ năm 2021 và đã đạt hơn 88.000 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2022.
Về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách của thuế TNCN cũng đã tăng trên 4,5 lần trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ 1,85% vào năm 2006 lên mức khoảng 8,5% của năm 2020 và ước tính 7,8% của năm 2021.
Bộ Tài chính cũng từng đánh giá, số thu từ thuế TNCN đã không ngừng gia tăng trong các năm qua. Nếu như trước kia, cơ cấu thu ngân sách thuế TNCN chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn thì nay sắc thuế này đã tăng lên tới mức thuộc nhóm có đóng góp khá.
Như trên, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, số thu từ thuế TNCN đã ước đạt 50.700 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, hoàn thành non nửa kế hoạch của năm 2022.
Đáng chú ý, trong cơ cấu thu của sắc thuế này, phần thuế TNCN từ nguồn của những người làm công ăn lương chiếm tỷ trọng tới hơn 75% với 36.467 tỷ đồng, tăng 19% cùng kỳ.
Trong khi đó, ở vị trí thứ 2, khoản thu thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản hay nhận thừa kế, quà tặng từ bất động sản dù liên tục có sự nhảy vọt cũng mới đạt 6.259 tỷ đồng, tăng 19%.
Liền sau đó là thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán đạt 1.592 tỷ đồng, tăng 35%; thuế thu nhập từ chuyển nhượng vốn (không gồm chuyển nhượng chứng khoán) đạt gần 103 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ...
Sự thay đổi phần khấu trừ thuế TNCN hàng tháng trước và sau khi có thay đổi mức giảm trừ gia cảnh (từ 2020 về sau). BizLIVE tổng hợp và tính toán |
Và như đã từng đề cập, suốt trong hai năm vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn người dân bị tác động nặng nề, suy giảm thu nhập do đại dịch COVID-19, đề xuất sửa đổi luật thuế, giảm thuế TNCN - đặc biệt là với đối tượng người làm công, ăn lương đã nhiều lần được dư luận, các chuyên gia, doanh nghiệp nhắc đến.
Thậm chí, trung tuần tháng 8/2021, khi tác động của đại dịch còn nặng nề, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 đã từng bị tố là "bỏ rơi" người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế TNCN cho đối tượng này.
Dù sau đó, Tổng cục Thuế đã lên tiếng, song phản hồi chính thức từ cơ quan này vẫn bị đánh giá chưa làm những đối tượng chịu tác động cảm thấy đồng thuận, hài lòng.
Tới thời điểm đầu tháng 3/2022, Bộ Tài chính khi đó cho biết đang lấy ý kiến góp ý sửa Luật thuế TNCN, để sắc thuế này bớt phức tạp và bất cập. Tuy nhiên, tới nay sau hơn 4 tháng vẫn chưa có thêm tiến triển được công bố.
Theo Tổng cục Thuế, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người trong diện nộp thuế TNCN. Mức thuế TNCN tại Việt Nam đang theo bậc lũy tiến 7 cấp, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%. Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng biểu thuế TNCN hiện nay nên giảm từ 7 bậc thuế xuống chỉ còn 3 bậc. Theo đó, bậc thấp (với người thu nhập dưới 30 triệu đồng), bậc trung bình (trên 30 - 100 triệu đồng) và bậc cao (trên 100 triệu đồng). Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%. Đồng quan điểm, cùng với giảm số bậc chịu thuế, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất nên nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15 - 20 triệu đồng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. |