Tính từ đầu năm, vốn hóa của HPG đã “bốc hơi” 76.872 tỷ đồng |
Kể từ đầu năm đến nay, hầu hết các cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG,... đều giảm sâu hơn rất nhiều so với con số 20% của VN-Index, thậm chí một số cái tên còn mất trên 50% thị giá.
Tính từ đầu năm, vốn hóa của HPG đã “bốc hơi” 76.872 tỷ đồng trong khi HSG cũng mất 9.970 tỷ đồng và NKG mất 3.283 tỷ đồng vốn hóa. Như vậy, chỉ tính riêng 3 cổ phiếu quen thuộc nhất ngành thép đã mất hơn 90.000 tỷ đồng (~4 tỷ USD) sau 6 tháng.
Trong bối cảnh cổ phiếu liên tục giảm sâu, lãnh đạo và người liên quan không những không có động thái đỡ giá mà còn đẩy thêm lượng lớn cổ phiếu ra thị trường. Điều này gây ra áp lực lớn lên diễn biến giá cổ phiếu đặc biệt trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường tương đối hạn chế.
Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen - công ty của ông Lê Phước Vũ mới đây đã bất ngờ thoái toàn bộ 17,75 triệu cổ phiếu thông qua phương thức thoả thuận. Mức giá bình quân vào khoảng 14.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền ước tính thu về hơn 250 tỷ đồng.
Trước đó, Đầu tư Hoa Sen đã bán hơn 57 triệu cổ phiếu HSG giảm tỷ lệ sở hữu từ 16,45% xuống 3,63% từ 25/11/2020 đến 2/1/2021. Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp như ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị cũng đã bán 400.000 cổ phiếu từ 11/8 đến 9/9/2021. Ông Hồ Thanh Hiếu, Phó tổng giám đốc Hoa Sen bán 400.000 cổ phiếu HSG từ 7/10 đến 5/11/2021.
Với HPG, hơn 1,34 tỷ cổ phiếu từ đợt phát hành trả cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 30%) sẽ được chuyển giao cho cổ đông vào ngày 20/7 tới đây qua đó nâng tổng lượng lưu hành lên mức 5,8 tỷ đơn vị, lớn nhất sàn chứng khoán. Cổ đông NKG cũng sắp đón thêm 43,9 triệu cổ phiếu từ đợt cổ tức năm 2021 (tỷ lệ 20%) được giao dịch từ ngày 13/7.
Lợi nhuận dự phóng giảm mạnh?
Diễn biến giảm mạnh của cổ phiếu thép từ đầu năm có nguyên nhân lớn đến từ nền tảng cơ bản có phần lung lay do giá thép quay đầu giảm mạnh sau khi đạt đỉnh trong khi giá nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Trong báo cáo mới đây, SSI Research đã dự báo tỷ suất lợi nhuận của các công ty thép sẽ giảm trong quý 2 và quý 3 năm 2022 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức đáy trong giai đoạn 2018-2019 do ít áp lực từ việc tăng công suất ngành và tỷ lệ nợ ở mức an toàn hơn.
Theo SSI Research, doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 HPG có thể đạt lần lượt 60.000 tỷ và 26.500 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,9% và giảm 23,1% so với cùng kỳ chủ yếu do giả định giá thép giảm.
Sản lượng tiêu thụ của thép xây dựng, HRC, thép ống và phôi thép ước tính lần lượt là 4,7 triệu tấn (tăng 19% so với cùng kỳ), 2,8 triệu tấn (tăng 9% so với cùng kỳ), 690 nghìn tấn (tăng 5% so với cùng kỳ) và 700 nghìn tấn (giảm 46,6% so với cùng kỳ).
Đối với HSG, SSI Research đưa ra dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ dù doanh thu vẫn ổn định do giá bán bình quân đã tăng trước đó. Sản lượng tiêu thụ của HSG dự báo sẽ giảm 12,7% xuống 1,96 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu giảm 26% so với mức đỉnh vào năm 2021, trong khi doanh số bán hàng trong nước có thể phục hồi 6% so với cùng kỳ.
Tương tự, lợi nhuận sau thuế dự phóng năm 2022 của NKG cũng có thể giảm 39% so với cùng kỳ, xuống còn 1.350 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tiêu thụ dự kiến sẽ giảm 4% so với cùng kỳ xuống 1,04 triệu tấn, trong đó sản lượng xuất khẩu có thể giảm 9% còn sản lượng tiêu thụ trong nước tăng 5% so với cùng kỳ.