Theo đó, hơn 122 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 10,15% vốn điều lệ ngân hàng mà VNPost sở hữu sẽ được chào bán với giá khởi điểm là 28.930 đồng/cổ phiếu. Nếu chào bán thành công, VNPost sẽ thu về số tiền hơn 3.500 tỷ đồng.
Hiện tại, VNPost là cổ đông lớn duy nhất của LienVietPostBank. Việc VNPost thoái vốn tại LienVietPostBank đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua vào tháng 12 năm ngoái.
Thời gian đăng ký và nộp tiền đặt cọc kéo dài từ ngày 25/1 đến 16/2. Buổi đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 23/2.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/1, cổ phiếu LPB tăng kịch trần, đóng cửa ở mức 23.000 đồng/cổ phiếu.
Chục năm trước, năm 2011, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) góp vốn vào LienVietBank bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và bằng tiền mặt, Ngân hàng Liên Việt theo đó đã đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt như hiện nay.
Sau khi VNPost thoái vốn, liệu LienVietPostBank có đổi tên một lần nữa và trở về tên gọi cũ hay không cũng là một điểm liên quan.
Trong một diễn biến khác, mới đây, LienVietPostBank đã chào bán hơn 24,4 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu ra công chúng nhằm bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để đáp ứng nhu cầu tăng quy mô vốn hoạt động của ngân hàng và nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng.
Đây là đợt chào bán thứ hai được tiến hành ngay sau đợt thứ nhất vào đầu tháng 12/2021 vừa qua, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá của cả hai đợt chào bán là 4.000 tỷ đồng.
Trái phiếu chào bán trong cả hai đợt là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được bảo đảm bằng tài sản, không kèm chứng quyền, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của tổ chức phát hành. Trái phiếu được chia thành hai loại căn cứ theo kỳ hạn, 7 năm và 10 năm.
Lãi suất trái phiếu được tính theo phương thức lãi suất tham chiếu cộng biên độ. Trong đó lãi suất loại kỳ hạn 7 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 1,9%/năm và lãi suất loại kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,2%/năm.